"Gỡ vướng" OCOP để cán đích nông thôn mới nâng cao

  • 14:28 | Thứ Năm, 07/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo lộ trình, xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới) sẽ về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2021, nhưng đến thời điểm hiện tại, địa phương vẫn đang “loay hoay” khi chưa có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức đang nỗ lực hoàn thiện tiêu chí này để có thể cán đích NTM đúng kế hoạch.
 
Ông Lê Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Đức cho biết, xã Thuận Đức có 1.167 hộ dân sinh sống tại 6 thôn. Từ một xã có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới, nhưng đến năm 2014 xã đã về đích và đạt chuẩn NTM. Đối với xã Thuận Đức, việc hoàn thành các tiêu chí NTM đã khó, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí càng khó hơn.
 
Do vậy, ngay sau khi được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trên cơ sở đánh giá các tiêu chí NTM nâng cao, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững. Để triển khai thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Thuận Đức xác định công tác tuyên truyền là yếu tố then chốt. Với quan điểm luôn lấy “dân làm gốc”, mọi việc đều được dân bàn bạc, dân làm và dân hưởng thụ.
Năm 2021, xã Thuận Đức tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.
Năm 2021, xã Thuận Đức tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn.
Cùng với đó, địa phương phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể trong tuyên truyền, huy động sức dân bằng nhiều hình thức, như: Đóng góp ngày công làm đường giao thông, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; phát dọn hành lang, trồng hoa; xây dựng tuyến đường tự quản...
 
Qua đó, nhân dân đồng thuận cao, sẵn sàng hiến đất, ngày công, vừa tham gia, vừa giám sát xây dựng các công trình. Sau gần 11 năm triển khai xây dựng NTM, Thuận Đức đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; điện lưới quốc gia thắp sáng khắp đường làng, ngõ xóm; trường, trạm y tế được xây dựng khang trang, kiên cố…
 
Mặc dù, xã Thuận Đức đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao nhưng vẫn khó về đích theo lộ trình đề ra. Hiện tại, địa phương vẫn chưa đạt các chỉ tiêu trong tiêu chí tổ chức sản xuất, đặc biệt là chưa có sản phẩm được công nhận OCOP.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Đức Lê Xuân Phong, quá trình xây dựng sản phẩm OCOP ở địa phương gặp nhiều khó khăn do diện tích đất trồng rừng chiếm tỷ lệ lớn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít, manh mún nên rất khó để phát triển các sản phẩm mang tính đặc trưng, có quy mô. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên địạ bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay nên địa phương không có sản phẩm chủ lực, đạt chất lượng để dự thi OCOP.
 
Năm 2021, xã Thuận Đức chọn sản phẩm tinh dầu sả của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Quảng Bình để xây dựng sản phẩm OCOP. UBND xã đã phối hợp với HTX làm thủ tục tham gia dự thi sản phẩm OCOP của tỉnh và đang tiến hành các bước hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
 
Bà Phan Thị Mỹ Lệ, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Quảng Bình cho biết, HTX được thành lập từ năm 2018, chuyên sản xuất các loại tinh dầu sả, tràm… theo phương pháp chưng cất. 100% là tinh sả thiên nhiên, không hương liệu, không chất bảo quản. Tinh dầu sả có nhiều công dụng, như: Đuổi muỗi, côn trùng; khử mùi hôi, nấm mốc; xông hơi, giải cảm và giải tỏa căng thẳng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm tinh dầu sả của HTX hiện được nhiều người dân ưa chuộng; không chỉ bán cho người dân trong tỉnh, sản phẩm đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Mỗi năm, HTX bán ra thị trường 180-200 lít tinh dầu sả, đem lại thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Để chủ động nguồn nguyên liệu, ngoài thu mua cây sả của các hộ dân trên địa bàn, HTX còn trồng thêm 6ha sả tại xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới).
Tinh dầu sả của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Bình được xã Thuận Đức chọn dự thi sản phẩm OCOP năm 2021.
Tinh dầu sả của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Bình được xã Thuận Đức chọn dự thi sản phẩm OCOP năm 2021.
“Tham gia chương trình OCOP sẽ giúp sản phẩm tinh dầu sả của HTX được “nâng tầm” cả về chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Tuy nhiên, việc làm hồ sơ để tham gia dự thi sản phẩm OCOP rất mất thời gian, quá nhiều thủ tục, giấy tờ cần phải hoàn thiện. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bị chững lại; quá trình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ kéo dài. Hiện tại, sản phẩm dự thi OCOP vẫn chỉ mới thực hiện được những bước đầu, đang trong quá trình làm hồ sơ”, chị Lệ chia sẻ.
 
“Mặc dù thời gian còn lại không nhiều, nhưng chính quyền và nhân dân xã Thuận Đức sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện từng bước trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP. Thời gian tới, xã sẽ tạo điều kiện, cử cán bộ trực tiếp phối hợp với HTX Nông nghiệp xanh Quảng Bình từng bước “gỡ khó” trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Để đạt được mục tiêu về đích NTM theo lộ trình, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành”, ông Lê Xuân Phong cho hay.
 
Hiện tại, xã Thuận Đức đã cơ bản hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được xây dựng đồng bộ; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,5%…
 
Lan Chi

tin liên quan

Minh Hóa: Chủ động bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão

(QBĐT) - Hiện nay, Minh Hóa có hơn 35 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt hơn 245 tấn/năm, đem đến nguồn thu nhập hiệu quả cho nhiều hộ dân. Để kịp thời ứng phó với mùa mưa bão năm nay, người dân tại đây đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Hợp tác xã chuyển mình trong đại dịch

(QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 đặt ra thách thức lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh. Một số HTX đã buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc thậm chí đóng cửa. Đáng mừng, không ít HTX đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với những khó khăn, từ đó, tìm ra lối đi an toàn, hiệu quả.

Hỗ trợ giống lợn nái hậu bị ngoại cấp bố mẹ cho các hộ chăn nuôi tái sản xuất

(QBĐT) - Ngày 6-10, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ 440 triệu đồng mua giống lợn nái hậu bị ngoại cấp bố mẹ cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.