Đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2021
(QBĐT) - Sáng nay, 6-10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu trung tâm có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện các sở, ngành. Tại các địa phương, có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố.
Tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong 9 tháng năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn. Hậu quả nặng nề của lũ lụt lịch sử năm 2020 và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Sau những kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm, đợt bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ tháng 8 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh. Rõ nhất là hoạt động dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, du lịch bị ảnh hưởng lớn.
Riêng trong tháng 9, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,6%; tổng mức bán lẻ hàng hoá giảm 6,1%; doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 7,9% so với tháng trước; du lịch giảm 88% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.
Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung cả 9 tháng đạt được kết quả tích cực. Tổng thể, các chỉ số phát triển của từng ngành đều có sự tăng trưởng.
Sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện. Sản lượng thủy sản 9 tháng ước đạt hơn 72.800 tấn, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tăng 5,2% so với cùng kỳ. Thương mại dịch vụ 9 tháng ước đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế đó là tổng thu NSNN thực hiện đến 30-9 đạt 5.047 tỷ đồng, đạt 115% so với dự toán Trung ương giao; đạt 93% dự toán địa phương giao, tăng 26% so cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Tỉnh cũng đã kịp thời triển khai hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ cùng các chương trình hỗ trợ nhân dân các vùng bị giãn cách để phòng chống dịch. Nhờ vậy, tình hình an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận về các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới; kế hoạch phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, du lịch; công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, nhất là khi đón công dân từ các tỉnh phía Nam trở về quê.
Các đại biểu cũng đề xuất thực hiện một số cơ chế, chính sách, công tác phối hợp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, tạo quỹ đất, trồng cây lâm nghiệp… để phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 đã đề ra.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong điều kiện bị ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh ta cơ bản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng.
Các ngành, các cấp đã rất quyết liệt trong kiểm soát dịch bệnh. Hoạt động sản xuất từng bước được khôi phục trở lại và dần ổn định; thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, phục vụ tốt nhu cầu của người dân; lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải tiếp tục được thực hiện thông suốt.
Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân ổn định; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việc thực hiện các chính sách về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kịp thời… Những kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh.
Dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương quyết liệt hành động, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của UBND tỉnh.
Coi kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để ổn định đời sống nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; từng bước mở cửa, tổ chức sản xuất trong trạng thái “bình thường mới” phù hợp với diễn biến dịch bệnh theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, sở ngành để khẩn trương triển khai phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm; công tác phòng chống thiên tai; an sinh xã hội.
Xác định những nhiệm vụ ưu tiên để phân bổ nguồn lực hợp lý, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2021. Khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tổ chức tốt hoạt động đón công dân Quảng Bình từ các tỉnh phía Nam trở về.
Thực hiện nghiêm việc thành lập và đưa Tổ công tác đặc biệt tại các sở, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vào hoạt động ngay từ những ngày đầu tháng 10 năm 2021...
A.Tuấn
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.