.

Xã Đồng Trạch: Giữ vững và phát huy hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới

.
08:57, Thứ Tư, 26/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch đã về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ vững và phát huy tối đa hiệu quả các tiêu chí NTM, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân, duy trì bền vững NTM đã xây dựng được.

Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, diện mạo nông thôn xã Đồng Trạch đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, xác định đạt chuẩn không có nghĩa là dừng lại mà phải tiếp tục phát huy và nâng cao những tiêu chí đã đạt được, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế-xã hội để nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Mô hình rau an toàn được thực hiện ở hộ gia đình anh Dương Quốc Phong.
Mô hình rau an toàn được thực hiện ở hộ gia đình anh Dương Quốc Phong.

Sau 3 năm về đích, nhiều tiêu chí được duy trì và phát huy hiệu quả ở Đồng Trạch, như: đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa 98%; hệ thống thủy lợi kiên cố bảo đảm tưới tiêu hợp lý, nâng cao năng suất cây trồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,36%; mức thu nhập của người dân tăng lên 44,5 triệu/người; công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi được chú trọng…

Một trong những nhiệm vụ được xã ưu tiên hàng đầu là tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Đầu tiên phải kể đến mô hình trồng rau màu tại địa phương. Nhờ lợi thế thuận tiện về giao thông, rau Đồng Trạch không chỉ tiêu thụ ở các chợ huyện mà còn tại thị trường TP. Đồng Hới.

Nông dân chủ động được đầu ra, kết nối được với thương lái và đầu mối tiêu thụ. Hiện toàn xã Đồng Trạch có hơn 80ha trồng rau màu. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của nông dân.

Đặc biệt, thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân. Anh Dương Quốc Phong, một trong những người tiên phong trong việc trồng rau an toàn ở xã Đồng Trạch cho biết: "Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, nên ngay sau khi được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn và hỗ trợ xây dựng mô hình, gia đình tôi đã chuyển sang sản xuất rau an toàn; hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học để chuyển sang các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học; sử dụng nguồn nước tưới bảo đảm vệ sinh...

Nhờ đó, tuy mới bước đầu thực hiện, nhưng sản phẩm làm ra rất dễ tiêu thụ,bản thân cũng không phải lo lắng về sức khoẻ của chính mình cũng như sức khoẻ của người tiêu dùng".

Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất và sản lượng, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện toàn xã có 80 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại.

Trong đó, có nhiều mô hình chăn nuôi giống mới tập trung theo quy trình khép kín, bảo đảm nghiêm ngặt về kỹ thuật, thức ăn, hệ thống chuồng trại đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý được thị trường đón nhận, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi, chính quyền địa phương còn hướng dẫn người dân sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải gia súc, gia cầm; nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học; ủ chua thức ăn thô xanh…

Trang trại của anh Trần Nam Trung, thôn 1A là một trong những trang trại chăn nuôi theo hướng khép kín, bảo đảm nghiêm ngặt về kỹ thuật, thức ăn, chuồng trại và sản phẩm xuất bán.

Đây là giải pháp tối ưu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, tăng năng suất, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như giảm khả năng mắc và lây truyền bệnh dịch trên đàn vật nuôi. Hiện trang trại của anh có 2.000 con vịt đẻ trứng và gần 500 con lợn thịt, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đồng Trạch đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đồng Trạch đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình nuôi trồng thủy sản cũng được bà con tích cực tham gia. Hiện toàn xã có gần 158ha diện tích nuôi trồng, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng 77,4ha, nuôi cá nước ngọt 48ha, mô hình cá lúa 19ha, nuôi tôm sú 7ha, nuôi cua 5,4ha… Những hộ nuôi tôm không hiệu quả đã chủ động chuyển đổi sang nuôi các loại cá có hiệu quả kinh tế cao, như: cá đối, cá chim vây vàng, cá dìa, cua thương phẩm…

Ngoài ra, xuất khẩu lao động cũng được chính quyền địa phương khuyến khích, hiện Đồng Trạch có 632 người đi xuất khẩu lao động, đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp người dân giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập ở địa phương. Bên cạnh đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, như: mộc, nề, rèn…, đạt hiệu quả kinh tế cao, giải quyết tốt tiêu chí việc làm cho lao động địa phương.

Ông Trần Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch cho biết, ngoài việc duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt được, xã đang tiếp tục thực hiện 14 tiêu chí nâng cao theo Quyết định số 1820/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020.

Tuy nhiên, để đạt được các tiêu chí nâng cao, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực của chính quyền và người dân, địa phương cũng rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan.

Thanh Hoa


 

,