.

Xã Đại Trạch: Tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa

.
08:30, Thứ Hai, 24/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những năm gần đây, nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, sản xuất nông nghiệp của xã Đại Trạch (Bố Trạch) đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Với 2.320 hộ và 8.800 nhân khẩu chia làm 8 thôn, Đại Trạch là một xã thuần nông, kinh tế dựa chủ yếu vào sản xuất nông lâm nghiệp. Những năm trước đây, do trình độ sản xuất còn lạc hậu, nên năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp, đời sống của người nông dân gặp không ít khó khăn.

Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xã Đại Trạch đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích các cá nhân, tổ chức thực hiện dồn thửa đổi ruộng, thuê đất để đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn hoặc chuyển đổi diện tích đất trũng, khó canh tác sang nuôi trồng thủy sản tập trung; diện tích đất gò đồi thấp sang trồng cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả giúp người dân Đại Trạch nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả giúp người dân Đại Trạch nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, xã chủ động đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT mới trong trồng trọt và chăn nuôi, xã Đại Trạch đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện… tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho người nông dân.

Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Đại Trạch đã đạt được những bước tiến quan trọng. Hiện nay, xã đã chuyển đổi được cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống. Ngoài 2 vụ chính trong năm, xã tuyên truyền, vận động bà con tích cực mở rộng diện tích gieo trồng vụ đông, tập trung vào những cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, như: ngô, kê, sắn, dưa hấu, mướp, dưa leo…

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều các trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có hơn 3 trang trại, gia trại chăn nuôi. Qua thống kê, đánh giá của UBND xã, giá trị sản xuất trung bình của các gia trại đạt từ 90-100 triệu đồng/năm; có những trang trại thu nhập đạt từ 150-200 triệu đồng/năm.

Ông Phan Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 40 hộ chiếm (1,74%), thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm, 85% gia đình đạt danh hiệu văn hóa.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng gắn liền với tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới, xã Đại Trạch tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất; tập trung quy hoạch vùng sản xuất, chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Phạm Hà

 

,