.

Quảng Trạch: Chủ động ứng phó với thiếu nước vụ Đông-Xuân

.
08:44, Thứ Ba, 25/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những biến động bất thường của thời tiết khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn huyện Quảng Trạch lâm vào tình trạng thiếu nước, ngay từ đầu vụ sản xuất đông-xuân 2018-2019, huyện Quảng Trạch đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó với quyết tâm bảo đảm đạt năng suất, sản lượng lương thực đã đề ra...

Dẫn chúng tôi ngược lên lòng hồ Trung Thuần, anh Phan Huy An, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch (Quảng Trạch) bày tỏ lo lắng: "Hồ Trung Thuần có nhiệm vụ cung cấp nước tưới thường xuyên cho sản xuất nông nghiệp xã Quảng Thạch và một phần diện tích thuộc hai xã Quảng Phương, Quảng Lưu của huyện Quảng Trạch.

Năm nay, do trời ít mưa nên dung tích nước của hồ tích trữ được thấp hơn nhiều so với bình quân các năm trước". Với mực nước như hiện tại, hồ Trung Thuần chỉ cơ bản đủ phục vụ tưới cho sản xuất Đông-Xuân 2018-2019 của xã Quảng Thạch. Nếu cung cấp nước tưới cho hai xã Quảng Phương, Quảng Lưu nữa thì vào cuối vụ sẽ thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng".

Ông Trần Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Quảng Trạch thông tin, do sự biến động bất thường của thời tiết, tổng lượng mưa năm 2018 ít hơn trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nước trên địa bàn Quảng Trạch dần cạn kiệt, dung tích bị thiếu hụt so với yêu cầu.

Nông dân xã Quảng Thạch mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa ở khu vực cao, thiếu nước tưới sang trồng cây khoai lang.
Nông dân xã Quảng Thạch mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa ở khu vực cao, thiếu nước tưới sang trồng cây khoai lang.

Phòng NN và PTNT đã sớm tham mưu cho UBND huyện Quảng Trạch xây dựng và phê duyệt phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2018-2019.

Theo đó, dự kiến diện tích thiếu nước tưới ngay từ đầu vụ đông-xuân 2018-2019 trên địa bàn Quảng Trạch sẽ là 431,84ha (trong đó, các hồ lớn thiếu 126ha, các hồ đập xã quản lý thiếu 305,84ha) và diện tích thiếu nước cuối vụ khoảng 150ha. Dự kiến ở vụ hè thu 2019, việc thiếu nước tưới sẽ nghiêm trọng hơn, với diện tích thiếu từ đầu vụ khoảng 1.350ha (trong đó các hồ lớn thiếu trên 738ha, các hồ đập xã quản lý thiếu khoảng 610ha)...

Để bảo đảm đủ nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trong năm 2019, UBND huyện Quảng Trạch đã gấp rút chỉ đạo các địa phương trên địa bàn và Chi nhánh Thủy nông huyện chủ động triển khai công tác phòng, chống hạn hán và thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Đặc biệt, để tiết kiệm nguồn nước và giảm thiểu thiệt hại khi hạn hán xảy ra, huyện đã có chủ trương khuyến khích các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với những diện tích có khả năng thiếu nước tưới.

Theo kế hoạch, toàn huyện dự kiến, vụ đông-xuân 2018-2019 sẽ chuyển đổi 431 ha diện tích đất trồng lúa có nguy cơ thiếu nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn, như: ngô lai và ngô nếp (160ha), lạc (180ha), đậu xanh (76ha), mè, khoai lang, dưa chuột, hành tỏi, rau các loại. Đến vụ hè-thu năm 2019, toàn huyện dự kiến chuyển đổi khoảng 1.350ha diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng cây trồng cạn có khả năng chịu hạn tốt, như: đậu xanh, mè, dưa các loại...

Xã Quảng Thạch hiện có khoảng 80ha đất lúa. Trước thực trạng hồ chứa nước Trung Thuần đang bị thiếu hụt nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngay từ đầu vụ Đông-Xuân 2018-2019, UBND xã Quảng Thạch đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình sớm xây dựng quy trình điều tiết nguồn nước tưới tiêu tiết kiệm, hợp lý. Ngoài ra, chính quyền xã còn phối hợp với Công ty sử dụng các máy bơm lấy nước dư thừa từ các ao, hồ, khe suối tự nhiên... để bổ sung cho mùa vụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch Phan Huy An chia sẻ: "Để tiết kiệm nguồn nước và giảm thiểu thiệt hại khi hạn hán xảy ra, vụ Đông-Xuân 2018-2019, xã đã vận động bà con chuyển đổi từ 7-10 ha đất lúa kém hiệu quả ở các khu vực cao và khó điều tiết nước sang trồng ngô, đậu, đỗ, khoai lang.

Cùng với đó, xã phát động toàn dân tích cực ra quân làm thủy lợi, như: nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tưới, củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước ở mặt ruộng. UBND xã Quảng Thạch còn chỉ đạo nhân dân quan tâm duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng để bảo đảm cấp nước phục vụ tưới cho cây trồng đạt hiệu quả nhất; triển khai sản xuất tuân thủ đúng theo khung lịch thời vụ đề ra; chuyển từ các giống lúa dài và trung ngày sang giống ngắn ngày, như: Khang dân 18, PC6, để giảm thiểu về thời gian tưới...".

Được biết, nhằm ứng phó với hạn hán và phát huy hiệu quả nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2019, huyện Quảng Trạch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về tình hình hạn hán có thể xảy ra để người dân có ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất; chú trọng triển khai xây dựng phương án chống hạn, xâm nhập mặn tại các đơn vị, địa phương; khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng cạn để người dân an tâm hơn khi thực hiện chuyển đổi; sử dụng nước tưới tiết kiệm ngay từ đầu mùa vụ và tăng cường áp dụng quy trình thâm canh lúa SRI; tưới tiết kiệm theo phương pháp tưới ẩm, tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, gần tưới sau...

Văn Minh

 

,