.

Triển vọng từ mô hình sản xuất cam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

.
14:23, Thứ Năm, 27/12/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, Trung tâm khuyến nông-khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất mới, mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2018, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình trồng thâm canh cam bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và mô hình tưới nhỏ giọt trên cây cam tại một số địa phương trong tỉnh.

Mô hình cam bảo đảm ATVSTP được trồng tại xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.
Mô hình cam bảo đảm ATVSTP được trồng tại xã Trường Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ.

Trồng thâm canh cam bảo đảm ATVSTP là mô hình đã được triển khai ở nhiều nơi và mang lại kết quả khả quan. Do đó, năm 2018, Trung tâm KN-KN tỉnh quyết định thực hiện mô hình này tại xã Trường Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Hồng Hoá (huyện Minh Hoá) với quy mô 10ha, có 15 hộ tham gia.

Cùng với đó, Trung tâm cũng triển khai mô hình tưới nhỏ giọt trên cam trồng mới và cam thâm canh với quy mô 4ha, thực hiện tại các xã: Trường Thủy, Mai Thủy (Lệ Thủy); thị trấn nông trường Việt Trung (Bố Trạch) và xã Hồng Hóa (Minh Hóa), mỗi điểm 1ha/500gốc/hộ tham gia.

Để triển khai mô hình có hiệu quả, Trung tâm KN-KN đã tổ chức 11 lớp tập huấn, với các nội dung: hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cam bảo đảm ATVSTP; kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt trên cam trồng mới và cây cam thâm canh. Trung tâm cũng tổ chức hội thảo và các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các hộ trồng cam Khe Mây, xã Hương Đô, tỉnh Hà Tĩnh.

Với kỹ thuật làm đất, bón lót, chất lượng giống tốt, thời tiết thuận lợi, việc chăm sóc bảo vệ cây trồng được người dân chú trọng... nên đến nay cây sinh trưởng, phát triển tốt. Tỷ lệ cây sống đạt 99% (đã trồng dặm), tình hình sâu bệnh hại ít.

Việc triển khai lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ tưới Israel cũng đã mang lại kết quả tốt. Với phương pháp tưới này, cây trồng sử dụng được tối đa lượng nước, tiết kiệm trên 50% lượng nước tưới và giảm chi phí công lao động 2/3 lần so với phương pháp tưới truyền thống, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Mô hình là bước đột phá cho nhận thức của người nông dân về áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm trong nông nghiệp, góp phần nâng cao kỹ thuật mới cho người dân, từng bước thay đổi tập quán canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả và xây dựng nông thôn mới.

Cát Nhiên

 

,