icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những xu hướng công nghệ sẽ còn tiếp tục 'bám rễ' sau năm 2021

  • 08:26 | Thứ Sáu, 17/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong suốt hai năm đối mặt với đại dịch COVID-19, công nghệ đã giúp cả thế giới chuyển mình để đáp ứng những đòi hỏi của một thực tế mới. Nhưng những sự thay đổi này chỉ là sản phẩm của đại dịch hay còn tồn tại lâu dài? Dưới đây là những xu hướng công nghệ mà giới chuyên gia tin rằng sẽ không biến mất ngay cả khi đại dịch chấm dứt.
 Nhân viên làm việc trực tuyến tại một công ty ở Seoul, Hàn Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nhân viên làm việc trực tuyến tại một công ty ở Seoul, Hàn Quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Xu hướng môi trường làm việc kết hợp
 
Trong hai năm qua, nhu cầu về các lựa chọn làm việc từ xa đã bị thổi phồng chủ yếu vì đại dịch COVID-19. Nhưng thực tế là hầu hết người lao động đều muốn sự linh hoạt đến từ xu hướng làm việc từ xa. Công ty nghiên cứu thị trường Gartner ước tính rằng khoảng 32% tổng số lao động trên toàn thế giới làm việc từ xa vào cuối năm 2021. Còn trong giai đoạn các công sở mở cửa trở lại, 51% số nhân viên đó sẽ làm việc trong môi trường kết hợp giữa từ xa và tại văn phòng ít nhất một ngày mỗi tuần.
 
Theo giới quan sát, tính linh hoạt của làm việc từ xa là một sự thay đổi rất cần thiết đối với nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt với những ngành ít cần tiếp xúc trực tiếp. Sự thay đổi này rất quan trọng đối với sức khỏe, sự cân bằng tâm lý của các nhân viên. Nó cũng giúp chứng minh rằng người lao động có thể đảm bảo năng suất bất kể địa điểm làm việc ở đâu. Giới quan sát dự kiến sự linh hoạt trong môi trường làm việc này sẽ tiếp diễn trong tương lai.
 
Đa nền tảng đám mây
 
Khi công nghệ điện toán đám mây lần đầu tiên được giới thiệu, khái niệm về đa đám mây không được đón nhận rộng rãi. Các bộ phận công nghệ thông tin biết rằng một khi dữ liệu của họ ở trên đám mây thì việc di chuyển chúng sẽ gần như bất khả thi. Cùng với đó, việc triển khai nhiều dịch vụ đám mây khác nhau cho một doanh nghiệp có thể dẫn tới những công việc phức tạp như tích hợp cơ sở lưu trữ dữ liệu tại chỗ với các nền tảng, lập kế hoạch phục hồi dữ liệu sau sự cố và nhiều vấn đề khác.
 
Nhưng đến hiện tại, xu hướng đa đám mây là điều khó tránh khỏi. Một nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý Accenture cho thấy dù hầu hết doanh nghiệp không ngay lập tức chuyển đổi sang đa nền tảng đám mây, 93% tổ chức và công ty tham gia khảo sát của họ đã chuẩn bị cho chiến lược này.  
 
Trong tương lai, nhiều tổ chức hơn sẽ phát triển các ứng dụng hoàn toàn trên nền tảng đám mây mà ít hoặc không phụ thuộc kiến trúc của một nhà cung cấp cụ thể. Tuy nhiên, sự thay đổi mô hình này cũng phụ thuộc vào sự phát triển các tính năng của đám mây. Vì thời gian ra mắt thị trường của một sản phẩm hay dịch vụ đang ngày càng rút ngắn, khả năng tích hợp khối lượng công việc luôn thay đổi của đám mây cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các xu hướng dù là nhỏ nhất.
 
Tăng cường an ninh mạng
 
Những cuộc tấn công trên mạng Internet đang ngày một phổ biến, và việc chúng ngày một tinh vi hơn khiến đây trở thành một hoạt động "hái ra tiền" cho tin tặc. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp cần phải chủ động đối phó với rủi ro an ninh mạng hơn bao giờ hết, đặc biệt khi xu hướng làm việc từ xa và hỗn hợp trong đại dịch buộc doanh nghiệp đặt nhiều chú ý hơn để bảo vệ dữ liệu, thiết bị và mạng nội bộ của mình.
 
Một trong những cách giúp doanh nghiệp đảm bảo an ninh mạng là tăng cường giáo dục, đào tạo nhân viên về các mối đe dọa thường trực. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh lập kế hoạch phân bổ quản trị dữ liệu nội bộ, đảm bảo nhân viên tuân thủ quy trình lưu trữ dữ liệu, xây dựng hệ thống bảo vệ dữ liệu và vá lỗi hệ thống thường xuyên. Việc áp dụng biện pháp xác thực đa yếu tố và sử dụng các yếu tố sinh trắc học không tiếp xúc cùng ngày càng gia tăng.
 
Công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence ước tính giá trị thị trường an ninh mạng toàn cầu dự kiến sẽ đạt 350 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp đôi so với năm 2020.
 
Khám chữa bệnh từ xa
 
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe vốn là một trong những ngành hạn chế sự áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số nhất. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cho thấy tiềm năng to lớn và chức năng trong thế giới thực của các công nghệ khám chữa bệnh từ xa (telehealth) như những công cụ quan trọng giúp tránh sự lây lan của dịch bệnh khi người bệnh và bác sĩ không cần tiếp xúc trực tiếp.
 
Telehealth cũng cung cấp các cách thay đổi khác để giải quyết những thách thức trong việc cung cấp dịch vụ y tế tại nhà thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, thư điện tử, gọi điện hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh.
 
Một nghiên cứu mới đây cũng kết luận rằng đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong ngành chăm sóc sức khỏe và có thể giúp thiết lập các dịch vụ telehealth vững chắc hơn trong những năm tới. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng niềm tin cùng trình độ công nghệ cho những đổi mới mang tính cách mạng nhằm thay đổi tương lai của y học thế giới.
 
Theo TTXVN

tin liên quan

Samsung vẫn giữ 'ngôi vương' trên thị trường điện thoại thông minh

Theo Counterpoint Research, Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, chiếm 20% thị phần trong giai đoạn từ tháng 7 đến 9-2021, tiếp theo là Apple với 14% và Xiaomi với 13%.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022

(QBĐT) - Sáng nay, 16-12, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình tổ chức phiên họp thứ nhất nhằm đánh giá tình hình chuyển đổi số của tỉnh năm 2021 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số năm 2022.

Khả năng miễn dịch đặc biệt trước COVID-19 sẽ giảm dần qua thời gian

Theo các nhà khoa học Israel, người mắc COVID-19 và tiêm vaccine sau khi khỏi bệnh có tỷ lệ nhiễm virus thấp hơn 7 lần so với người tiêm 2 mũi vaccine song khả năng này giảm hiệu quả qua thời gian.