icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đẩy mạnh hoạt động khoa học-công nghệ ở cơ sở

  • 14:58 | Thứ Hai, 27/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đơn vị và địa phương, hoạt động khoa học-công nghệ (KH-CN) trên toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
 
Ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua, công tác ứng dụng tiến bộ KH-CN vào hoạt động sản xuất và đời sống trên mọi lĩnh vực đã được các cấp chính quyền trong tỉnh chú trọng và đầu tư đúng mức. Việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các tiến bộ KH-CN luôn được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương.
 
Từ năm 2015 đến nay, Sở KH-CN đã triển khai thực hiện 83 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KH-CN, nhiệm vụ KH-CN liên kết. Các nhiệm vụ KH-CN cấp huyện luôn bám sát định hướng nghiên cứu ứng dụng và được triển khai đa dạng trên nhiều lĩnh vực: Y tế, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường..., đáp ứng được phần lớn các nhu cầu thực tế cần giải quyết ở mỗi địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, phát triển nghề mới, vệ sinh môi trường dần được cải thiện.
Mô hình trồng thử nghiệm giống tràm 5 gân chiết xuất tinh dầu ở Quảng Ninh đạt kết quả bước đầu, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Mô hình trồng thử nghiệm giống tràm 5 gân chiết xuất tinh dầu ở Quảng Ninh đạt kết quả bước đầu, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng địa phương.
Đặc biệt, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở cấp huyện đã được tập trung nghiên cứu nhằm cung cấp các cơ sở khoa học phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thông qua các đề tài, như: Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền truyền thống ở huyện Lệ Thủy; khôi phục, bảo tồn và phát huy các lễ hội văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch TP. Đồng Hới.
 
Đáng chú ý, với việc nghiên cứu, định hướng bảo tồn lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển ở Quảng Bình, tháng 10-2018, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận lễ hội Cầu ngư của người dân vùng biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TX. Ba Đồn và TP. Đồng Hới là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
 
Hoạt động xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống đã được các huyện, thị xã, thành phố chú trọng đẩy mạnh. Trong đó, điển hình có huyện Quảng Ninh thực hiện khá thành công 14 nhiệm vụ khoa học.
 
“Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn bước đầu thích nghi, thu được kết quả tích cực, góp phần tăng năng suất, giá trị nông sản và xây dựng nông thôn mới. Nổi bật có các mô hình, trồng thử nghiệm, như: Dừa xiêm tại vùng cát ven biển, giống tràm 5 gân chiết xuất tinh dầu, giống tỏi Lý Sơn trên vùng đất cát, nuôi chim cút sinh sản ở vùng gò đồi… Huyện tiếp tục thực hiện các mô hình để đánh giá và xem xét việc bổ sung đối tượng nuôi trồng mới trên địa bàn huyện”, ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay.
 
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng huyện miền núi Tuyên Hóa cũng đã tăng cường hoạt động ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống một cách có hiệu quả với việc thực hiện 5 nhiệm vụ, đạt được kết quả khả quan. Trong đó, huyện xây dựng mô hình phát triển giống cam voi bản địa tại xã Thạch Hóa đã giúp địa phương nắm bắt kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc tiến đến khôi phục và bảo tồn giống cam bản địa quý đang có nguy cơ bị thoái hóa. Mô hình nuôi dê bách thảo tại xã Phong Hóa bước đầu đánh giá được khả năng thích ứng của giống dê mới có trọng lượng lớn hơn dê cỏ địa phương; hay mô hình chăn nuôi chồn hương giống và chồn hương thương phẩm với tỷ lệ sống đạt 100%, không dịch bệnh ở xã Thuận Hóa.
 
Bên cạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ tại các huyện, thị xã, thành phố được quan tâm đúng mức. Sở KH-CN đã thường xuyên triển khai tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật cho các địa phương; đào tạo đội ngũ cán bộ cấp huyện về cải cách hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa về điện, điện tử, xăng dầu, cân đối chứng, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm...
 
Hoạt động sở hữu trí tuệ được nhiều địa phương quan tâm và đã triển khai nghiên cứu một số giải pháp nhằm duy trì và phát triển các nghề truyền thống. Các địa phương đã phối hợp với Sở KH-CN hướng dẫn các tổ chức và cá nhân, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề quan tâm đến việc đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của các vùng, miền trong tỉnh, nhằm gìn giữ, quảng bá thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
 
“Có thể nói, trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH-CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
 
Vì vậy, Sở KH-CN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh hoạt động KH-CN ở cơ sở; trong đó, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý và phối hợp, phát huy các nguồn lực, tăng cường thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động KH-CN, phát động phong trào ứng dụng các thành tựu khoa học để KH-CN thực sự đi sâu vào sản xuất và đời sống, phục vụ hiệu quả sự nghiệp CNH-HĐH tỉnh nhà trong những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Chí Thắng trao đổi thêm.
 
                                                                                       Hương Trà

tin liên quan

Đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Bố Trạch đã chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất trên nhiều lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống…, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Lập bản đồ đột biến để vạch trần điểm yếu của virus SARS-CoV-2

Hơn một năm qua, chuyên gia Erica Ollmann Saphire đã lập hồ sơ về các đột biến của virus SARS-CoV-2, tạo ra những hình ảnh ba chiều phức tạp để hiểu được đặc tính của virus nguy hiểm này. 

Đổi tên UBQG về chính phủ điện tử thành UBQG về chuyển đổi số

Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng phương hướng, giải pháp trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.