icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Bố Trạch:

Đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất

  • 07:56 | Thứ Hai, 27/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Bố Trạch đã chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất trên nhiều lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống…, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, xác định vai trò và tầm quan trọng của KH-CN trong thực tiễn sản xuất và đời sống, thời gian qua, Bố Trạch triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ KH-CN trên các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản...
 
Trong đó, huyện đã thực hiện thành công nhiều mô hình ứng dụng KH-CN, như: Nghiên cứu trồng thử nghiệm 6.000 cây ba kích dưới tán cây cao su; trồng các loại nấm; thử nghiệm khả năng sinh trưởng của bò lai Zebu, sinh bê lai F1; nhân giống và trồng cây hương bài dưới tán rừng; sản xuất rau hữu cơ và giải pháp sử dụng đạm thực vật thay thế đạm vô cơ trong sản xuất rau…
 
Đặc biệt huyện Bố Trạch chú trọng triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương và sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
 Các sản phẩm OCOP trên địa bàn Bố Trạch đều ứng dụng thành tựu KH-CN trong sản xuất, có hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các sản phẩm OCOP trên địa bàn Bố Trạch đều ứng dụng thành tựu KH-CN trong sản xuất, có hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch, các mô hình sản xuất nông-lâm-thủy sản ứng dụng KH-CN đều có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần hình thành các sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Điển hình như mô hình trồng cây ba kích dưới tán cây cao su, triển khai trên diện tích 1ha ở xã Hòa Trạch đã chứng minh cây ba kích phát triển tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương.
 
Đây là mô hình thu hút sự quan tâm của người dân; góp phần tích cực trong bảo tồn nguồn gen, phục hồi và phát triển cây dược liệu ba kích, cung cấp nguồn dược liệu cho thị trường trong tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như thu nhập cho người nông dân trên một diện tích canh tác.
 
Mô hình trồng thử nghiệm nấm kim phúc và hoàng đế được triển khai và nhân rộng tại Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc (HTX Tuấn Linh) cho thấy các giống nấm này năng suất và giá trị kinh tế khá cao. Theo bà Ngô Thị Kim Liên, Giám đốc điều hành HTX Tuấn Linh, quy trình trồng nấm kim phúc và hoàng đế khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp, có thể tận dụng được nguồn bã thải từ mùn cưa cao su sau khi đã sử dụng để trồng các loại nấm khác như: Linh chi, sò, mộc nhĩ…
 
Nấm kim phúc và hoàng đế đều là loài nấm ăn và có tính dược liệu cao, hàm lượng protein nhiều, rất ngon, nên được thị trường ưa chuộng. Sản lượng 2 loại nấm này HTX Tuấn Linh sản xuất trên 5 tấn/năm. Hiện, HTX Tuấn Linh đang tập trung mở rộng mô hình sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn với việc chuyển giao công nghệ, cung cấp giống, phôi nấm. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động…
 
Nhờ chú trọng ứng dụng KH-CN vào thực tiễn sản xuất, đến nay, huyện Bố Trạch dẫn đầu toàn tỉnh về chương trình OCOP với 19 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, có chứng nhận chất lượng, hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, có 2 sản phẩm được cấp chứng nhận HACCP (tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng, được áp dụng phổ biến và rộng rãi trên phạm vi thế giới), đó là sản phẩm muối tre của Chi nhánh Công ty BIO KOREA Việt Nam tại Quảng Bình và các sản phẩm hải sản của Công ty TNHH TMDV Thanh Quang.
 
“Việc ứng dụng KH-CN vào thực tiễn sản xuất là điều kiện tất yếu hiện nay, đặc biệt là trong thực hiện chương trình OCOP. Năm 2021, huyện Bố Trạch có 23 sản phẩm của 16 chủ thể kinh tế đăng ký tham gia chương trình OCOP. Vì vậy, Bố Trạch rất mong nhận được sự quan tâm của Sở KH-CN trong hỗ trợ hình thành hệ thống tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông-lâm-thủy sản…; đồng thời hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống tổ chức, quản lý chất lượng và thương mại cho các các sản phẩm chủ lực, đặc thù của huyện”, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trao đổi thêm.
                                                                                           
H.Tr

tin liên quan

Lập bản đồ đột biến để vạch trần điểm yếu của virus SARS-CoV-2

Hơn một năm qua, chuyên gia Erica Ollmann Saphire đã lập hồ sơ về các đột biến của virus SARS-CoV-2, tạo ra những hình ảnh ba chiều phức tạp để hiểu được đặc tính của virus nguy hiểm này. 

Đổi tên UBQG về chính phủ điện tử thành UBQG về chuyển đổi số

Nhiệm vụ của Ủy ban là nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng phương hướng, giải pháp trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Google giới thiệu ứng dụng hỗ trợ người khuyết tật dùng smartphone

Tính năng mới của ứng dụng nêu trên được gọi là "Camera Switches," cho phép người dùng sử dụng khuôn mặt của mình để tương tác với điện thoại.