Học sinh vùng cao đam mê khoa học

  • 07:53 | Thứ Năm, 04/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đóng trên địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn song Trường THCS Tân Hóa (Minh Hóa) là ngôi trường có nhiều thành tích đáng nể trong phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT). Tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh (HS) THCS toàn tỉnh, trường vinh dự là một trong 2 đơn vị đoạt giải nhất và cả hai đề tài của hai trường dự thi cấp quốc gia đều đoạt giải triển vọng.
 
Nếu như đề tài “Ván dậm nhảy thông minh” (giải triển vọng cuộc thi KHKT HS trung học quốc gia) do 2 HS Nguyễn Đăng Minh Châu, Trần Hữu Trung (Trường THCS Hoa Thủy, Lệ Thủy) thực hiện nhằm giảm bớt tính thủ công, tăng độ chính xác trong kiểm soát HS khi thực hiện bộ môn nhảy xa (giáo dục thể chất), thì 2 em Nguyễn Ái Nhi, Trần Minh Lâm, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đinh Thị Như Quỳnh (Trường THCS Tân Hóa) tập trung vào một vấn đề khá tế nhị nhưng lại rất cần thiết trong độ tuổi HS trung học, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa-vấn đề giáo dục giới tính (GDGT).
 
Đề tài “Một số biện pháp để nâng cao nhận thức giới tính cho HS Trường THCS Tân Hóa” ngay từ khi triển khai thực hiện với rất nhiều hoạt động đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ Ban Giám hiệu nhà trường và sự hưởng ứng tích cực của HS toàn trường.
 
Nói về việc chọn đề tài này, em Trần Minh Lâm chia sẻ: Xuất phát từ thực tế ở địa phương là cứ mỗi dịp nghỉ hè, có rất nhiều HS từ lớp 7-9 vào các tỉnh miền Nam kiếm việc làm để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình. Một bộ phận không nhỏ HS sau khi học xong lớp 9 không tiếp tục theo học bậc học THPT mà đi làm thuê hoặc lập gia đình. Tự lập sớm, lại chưa trưởng thành nên các bạn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là thiếu kiến thức về GDGT. Điều này dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên…
 
Bên cạnh đó, nhiều HS sống chung với ông bà vì bố mẹ đi làm ăn xa nên không được giáo dục đầy đủ về giới tính cũng như các kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… Vì lẽ đó, các em đã xây dựng ý tưởng và thực hiện đề tài này với mong muốn giúp các bạn HS có những hiểu biết về giới tính để chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân.
Nguyễn Ái Nhi, Trần Minh Lâm (THCS Tân Hóa, Minh Hóa) cùng Nguyễn Đăng Minh Châu, Trần Hữu Trung (Trường THCS Hoa Thủy) tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022-2023.
Nguyễn Ái Nhi, Trần Minh Lâm (Trường THCS Tân Hóa) cùng Nguyễn Đăng Minh Châu, Trần Hữu Trung (Trường THCS Hoa Thủy) tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2022-2023.
Để thực hiện đề tài, Lâm và Nhi đã dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu các tài liệu về tâm lý học và GDGT, kết hợp với nắm bắt tình hình thực tiễn. Trường còn thành lập Câu lạc bộ (CLB) GDGT với tên gọi “Hành trang tuổi hồng” và duy trì hình thức sinh hoạt mỗi tuần một buổi vào ngày thứ 5.
 
Nội dung sinh hoạt được xây dựng theo các chủ đề, tập trung vào việc chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý tuổi mới lớn, các giải pháp bảo vệ bản thân… CLB hiện có trên 150 HS tham gia với nhiều hoạt động phong phú như tuyên truyền, GDGT bằng trò chơi “Rung chuông vàng” hoặc qua hình thức sân khấu hóa… Các thành viên trong CLB còn tham gia thu gom, phân loại rác thải để bán gây quỹ phục vụ cho hoạt động của CLB.
 
Qua quá trình tìm hiểu từ thực tế, nhóm thực hiện đề tài thấy rằng, phần nhiều HS trong trường chưa nhận thức đầy đủ về GDGT, thiếu hiểu biết về tâm sinh lý tuổi dậy thì và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai an toàn… Những ngày đầu tổ chức sinh hoạt, đa số HS đều rất ngại chia sẻ, thậm chí né tránh. Thế nhưng bằng sự nhiệt tình của các thành viên CLB cũng như việc xây dựng hình thức sinh hoạt phong phú, dần dần HS đã cởi mở hơn, chất lượng các buổi sinh hoạt cũng được nâng lên.
 
Đề tài còn đề ra nhiều giải pháp thiết thực và triển khai thực hiện tại trường như tích hợp, lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về GDGT trong môn học Giáo dục công dân, môn Sinh học; tổ chức sưu tầm, phân loại các tài liệu về GDGT, thi tìm hiểu kiến thức, vẽ tranh cổ động về GDGT…
 
Nhóm thực hiện đề tài còn đề xuất với Đoàn xã, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức về GDGT và các biện pháp bảo vệ sức khỏe, thành lập Fanpage “CLB hành trang tuổi hồng” đăng tải nhiều video liên quan đến GDGT nhằm cung cấp cho HS trong và ngoài trường nhiều thông tin, kiến thức quan trọng.
 
Nhiều năm qua, Trường THCS Tân Hóa được biết đến là ngôi trường có nhiều thành tích trong phong trào nghiên cứu sáng tạo KHKT. Người đồng hành cùng HS trong phong trào này là thầy giáo Cao Hùng Thọ, một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của ngành Giáo dục-Đào tạo, từng được nhận danh hiệu giáo viên tiêu biểu toàn quốc.
 
Dưới sự hướng dẫn của thầy Thọ, HS của trường đã thực hiện thành công đề tài “Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải 3 cấp quốc gia cuộc thi KHKT HS trung học (2017). Năm 2018, thầy Thọ tiếp tục hướng dẫn 2 HS thực hiện đề tài “Cải tiến thiết bị lọc nước cho người dân vùng lũ” đoạt giải 3 cuộc thi KHKT HS trung học cấp tỉnh.
 
Năm 2019, dưới sự hướng dẫn của thầy, HS của trường đã triển khai thành công đề tài “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố Andehit và Methanol trong rượu nấu thủ công”. Với đề tài này, một lần nữa Trường THCS Tân Hóa đoạt giải nhất cuộc thi KHKT HS trung học cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia. Khi không trực tiếp hướng dẫn HS nghiên cứu, sáng tạo KHKT thầy Thọ vẫn giữ vai trò cố vấn, đưa phong trào nghiên cứu KHKT trong HS ngày càng phát triển, đạt nhiều thành tích đáng nể.
 
Chia sẻ với chúng tôi về những định hướng mới, em Trần Minh Lâm cho hay: Các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển đề tài với quy mô lớn hơn nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu được hiểu, được cung cấp đầy đủ kiến thức về GDGT của các bạn HS trong trường mà còn hướng đến các bạn trẻ trong độ tuổi HS trung học. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tuyên truyền, lan tỏa mô hình hay, cách làm mới để ngày càng có nhiều HS và các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến vấn đề này, góp phần bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện.
 
GDGT là nội dung rất quan trọng. Việc triển khai thực hiện đề tài về GDGT ở Trường THCS Tân Hóa không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cho HS mà còn chuyển tải, gợi mở đến các bậc phụ huynh, các tổ chức đoàn thể cách làm hiệu quả để có nhiều hơn những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm giúp các em có thêm kiến thức, từ đó biết cách phòng tránh và giải quyết các vấn đề của bản thân. Cũng từ nội dung GDGT, trước đó HS Trường tiểu học số 3 Nam Lý (TP. Đồng Hới) đã xuất sắc giành giải nhì vòng chung kết toàn quốc cuộc thi "We share-kiến thức GDGT toàn diện cho thanh thiếu niên với sản phẩm truyền thông “Chuyện chúng mình”.
 
  Nh.V

tin liên quan

543 em đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 11 năm học 2022-2023

(QBĐT) - Theo thông tin từ Phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục-Đào tạo, kỳ thi chọn học sinh (HS) giỏi cấp tỉnh lớp 11 năm học 2022-2023 và chọn đội dự tuyển dự thi chọn HS giỏi quốc gia năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 543 HS đoạt giải.

Dự kiến phát hành sách giáo khoa mới lớp 4, 8 và 11 từ ngày 15/6

Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) dự kiến được Nhà xuất bản phát hành từ ngày 15/6/2023.

Nói tiếng Anh với sơ đồ tư duy: Sân chơi hấp dẫn của học sinh tiểu học

(QBĐT) - Sơ đồ tư duy là phương pháp học hiệu quả, nhất là đối với bộ môn tiếng Anh. Để đánh giá phương pháp học tập này, tạo sân chơi hấp dẫn cho học sinh, ngành Giáo dục Đào tạo đã tổ chức thành công cuộc thi "Nói tiếng Anh với sơ đồ tư duy dành cho HS tiểu học cấp tỉnh".