Từ năm 2025 thí điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính với môn trắc nghiệm ở các địa phương có điều kiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến công luận.
Theo đó, về hình thức thi, giai đoạn từ năm 2025-2030 giữ ổn định phương thức thi trên giấy đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau năm 2030 phấn đấu để đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm.
Về môn thi, tổ chức thi theo môn, trong đó các môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử (đối với giáo dục phổ thông), Ngữ văn, Toán, Lịch sử (với giáo dục thường xuyên) và các môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Theo đó, thí sinh học chương trình trung học phổ thông thi 4 môn bắt buộc và hai môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học. Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên dự thi 3 môn bắt buộc và hai môn lựa chọn trong số 4 môn đã chọn học.
Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tổ chức thi phù hợp với kế hoạch năm học. Bộ chỉ đạo chung, ban hành quy chế và hướng dẫn tổ chức kỳ thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi va ra đề thi cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, quy định lịch thi chung, thanh tra kiểm tra công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp.
Địa phương chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhân tốt nghiệp, kiểm tra giám sát công tác tổ chức thi và xét tốt nghiệp.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.