Thêm yêu quê hương qua từng bài học

  • 07:15 | Thứ Hai, 13/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giáo dục địa phương (GDĐP) là một trong những môn học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ môn học này, học sinh (HS) được cung cấp những kiến thức hữu ích về lịch sử, địa lý, văn hóa… các làng quê; khơi dậy trong mỗi HS tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng nhiều trường học đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo, làm cho bộ môn trở nên hấp dẫn, gần gũi với HS.
 
Chứng kiến một giờ dạy GDĐP ở Trường tiểu học thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh), chúng tôi cảm nhận được sự hào hứng, thích thú của các em HS. Giáo viên (GV) đóng vai trò như một nghệ nhân dân gian truyền dạy dân ca hò khoan Lệ Thủy và tất cả HS hưởng ứng rất tích cực. Ngoài hướng dẫn cách hát, luyến láy… GV còn cung cấp cho HS những thông tin cần thiết về hò khoan Lệ Thủy, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của quê hương.
 
Dưới sự chỉ dẫn của GV, những câu hát trong bài “Cảnh sắc quê hương” theo điệu hò hoan Lệ Thủy của cố nhạc sĩ Quách Mộng Lân được HS thể hiện khá tốt. Những câu hát như: “…Quảng Bình một miền đất hẹp. Nhưng lắm kỳ quan xinh đẹp (mà) xiết bao… Bảo Ninh, Đá Nhảy (mà) Phong Nha, biết bao cảnh (ơ là) đẹp… cho ta ngắm nhìn… Sơn thủy hữu tình Phong Nha lồng lộng, là một kỳ quan hang động (mà) thần (ơ) tiên…” được các em HS xướng lên hòa trong tiếng “xố” tạo cho giờ học rất sôi nổi, hấp dẫn.
 
Em Đoàn Thị Hồng Ngọc, HS lớp 5, Trường tiểu học thị trấn Quán Hàu chia sẻ: Em rất hào hứng khi được học môn GDĐP, bởi qua môn học này, các em được biết những nét đẹp văn hóa của quê hương mình, được hát dân ca và đi thực tế tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ngay trên chính quê hương mình.
 
Nói về việc triển khai hiệu quả bộ môn GDĐP tại trường học, cô giáo Trần Thị Thúy, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay: Để dạy tốt môn học này, nhà trường đã lựa chọn những nội dung phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, hướng dẫn GV nghiên cứu học tập từ các tài liệu về văn hóa lịch sử địa phương, từ đó vận dụng sáng tạo trong mỗi tiết dạy.
 
Ngoài ra, trường còn tổ chức cho HS đi thực tế tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn, tổ chức cho HS tham quan làng nghề truyền thống, xây dựng chương trình dạy học cụ thể, tích hợp môn học GDĐP vào các môn, như: Đạo đức, âm nhạc… Qua đó, giáo dục cho HS ý thức bảo vệ các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử các vùng đất để HS dễ nhớ, dễ tiếp cận.
HS Trường THCS Đồng Phú chăm chú nghe cô giáo giới thiệu về di tích Quảng Bình quan.
HS Trường THCS Đồng Phú chăm chú nghe cô giáo giới thiệu về di tích Quảng Bình quan.
Trường THCS Đồng Phú (TP. Đồng Hới) là một trong những đơn vị triển khai rất tốt môn học GDĐP. Bằng việc tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn tài liệu phù hợp, GV của trường đã xây dựng bài giảng phong phú, sinh động. Các giờ học đều được ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp cho HS nhiều hình ảnh, tư liệu quý về danh lam thắng cảnh, địa danh du lịch, lễ hội, văn hóa, lịch sử…
 
Em Trần Ngọc Phương Hà, HS lớp 7 của trường bày tỏ: Giờ học GDĐP luôn có sức hút đối với các em, bởi các cô giáo luôn sử dụng hình ảnh, âm nhạc… để minh họa cho bài học, giúp các em ghi nhớ bài học ngay trên lớp. Ngoài ra, các em còn được đi tham quan thực tế tại một địa danh trên địa bàn TP. Đồng Hới.
 
Chung tâm trạng với Phương Hà, em Trần Bình Minh, HS lớp 7 chia sẻ: "Học GDĐP giúp chúng em biết thêm nhiều điều thú vị. Và trong những nội dung cô giáo dạy, em thích nhất là học hát và tìm hiểu về hò khoan Lệ Thủy vì đây là điệu hò đặc trưng của quê nội em."
 
Cô giáo Đào Thị Thanh Trà, giảng dạy môn Ngữ văn, kiêm GDĐP Trường THCS Đồng Phú cho hay: Nhằm mang lại sự hứng khởi cho HS trong học tập, giúp các em tiếp thu tốt nội dung bài học, đội ngũ GV đã xây dựng giáo án, tổ chức các trò chơi, cho HS đi trải nghiệm thực tế… GV đã bám sát chỉ đạo của Sở GDĐT, Phòng GDĐT TP. Đồng Hới, lựa chọn những nội dung sát thực nhất với địa phương để giảng dạy.
 
Qua chương trình học, HS được hiểu rõ hơn về lễ hội truyền thống như lễ hội cướp cù, đua thuyền của TP. Đồng Hới; được giới thiệu các làng nghề truyền thống, những làn điệu dân ca và di tích lịch sử, các điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Với sự đổi mới, sáng tạo trong xây dựng bài giảng, giờ dạy bộ môn này luôn được HS hưởng ứng tích cực. Và đây cũng là bộ môn giúp cho HS mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, ứng xử.
 
Thực tế cho thấy, để dạy tốt môn GDĐP, đa số các trường học đều có sự chủ động trong việc chuẩn bị tài liệu và đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tổ chức cho HS vẽ tranh, đóng vai các nhân vật lịch sử và đi thực tế… Mỗi bài giảng được truyền đạt cung cấp cho HS rất nhiều thông tin bổ ích, khơi dậy trong mỗi HS niềm tự hào về truyền thống, lịch sử của quê hương mình. Từ đó nâng cao ý thức cho HS trong việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử tốt đẹp của quê hương.
 
Theo từng cấp học, bộ môn GDĐP được xây dựng chương trình dạy học khác nhau. Môn học trang bị cho HS những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống, danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống và những nội dung liên quan đến kiến thức địa lý, môi trường, kinh tế, xã hội… của các địa phương mà HS đang sinh sống học tập.
                                                                                                Nh.V

tin liên quan

Tích hợp môn học nhằm tạo thuận lợi cho dạy học cụ thể một cách toàn diện

Từ chỗ quen với việc mỗi giáo viên dạy 1 môn, giáo viên cho rằng việc thực hiện giảng dạy các môn tích hợp bậc trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ươm mầm "hạt giống đỏ"

(QBĐT) - Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh ưu tú để kết nạp vào Đảng, Chi bộ Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã ươm mầm những "hạt giống đỏ".

Chính thức bước vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cấp THPT

Các thí sinh tham gia đội tuyển đã được các nhà trường, thầy cô tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập, ôn luyện, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu để dự thi học sinh giỏi quốc gia.