Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước:
Động lực đổi mới công tác dạy và học
(QBĐT) - Năm học 2021-2022 là năm học để lại nhiều dấu ấn của ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). Từ chỗ thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19” đến việc triển khai hiệu quả các hoạt động trong điều kiện “bình thường mới”, ngành GD-ĐT đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ trên tất cả mọi mặt công tác.
Nhằm tạo đà để phát triển toàn diện, ngành GD-ĐT đã quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước (TĐYN), nổi bật là phong trào “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Các phong trào thi đua đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên toàn ngành.
Trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã có những cách làm hay, mô hình mới nhằm tổ chức tốt hoạt động dạy học ở mọi tình huống. Vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành đã triển khai tốt các hình thức dạy học trực tuyến, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp…
Hầu hết các CSGD đều có sự chủ động trong việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT), triển khai tốt hoạt động dạy học. Nổi bật là Trường TH số 1 Nam Lý với việc xây dựng mô hình dạy học “2 trong 1”, Trường THPT Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn), THCS Hải Đình (TP. Đồng Hới) triển khai tốt phần mềm tiện ích phục vụ cho công tác quản lý và dạy học.
Đặc biệt, các CSGD rất chú trọng đến việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, đổi mới phương pháp dạy học, tạo sự đổi mới căn bản về phương pháp, hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Tại Trường THCS Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), sinh hoạt chuyên môn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài việc đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy, học tập, trường còn chú trọng các hoạt động dự giờ, thao giảng, sinh hoạt tổ chuyên môn…
Qua đó, mỗi GV tự đánh giá khả năng, năng lực chuyên môn của mình, đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, đúc rút ra những kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng bài giảng. Nhiều GV đã có những giải pháp tích cực để đổi mới hình thức dạy học; trong đó, chú trọng vận dụng phương pháp nêu vấn đề, đặt tình huống để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS trong học tập.
Ở bậc học mầm non, các trường học đều chú trọng đến các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng cho trẻ, như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng an toàn, làm quen với chữ cái và toán… chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1 cùng các hoạt động trải nghiệm từ thực tế. Hầu hết các trường đều tận dụng vật liệu sẵn có để làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ…
Toàn ngành đã tập trung đổi mới phương pháp giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho HS tham gia các hoạt động thực hành, sáng tạo. Để thực hiện nhiệm vụ là người “khơi nguồn cảm hứng” học tập và sáng tạo của HS, đội ngũ GV đã không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn về mọi mặt nhằm thể hiện tốt vai trò thiết kế chương trình và cùng với HS giải quyết tốt những vấn đề được đưa ra qua mỗi bài học.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ trong đổi mới phương pháp dạy và học, chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng lên, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ, GV, HS.
Điển hình tiêu biểu nhất trong thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt” là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 29 HS đạt giải tại kỳ thi chọn HS giỏi cấp quốc gia thì cả 29 em đều là HS Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. Nhiều HS của trường vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen, tiêu biểu là các em: Đặng Hoàng Duy, Phạm Gia Hưng, Trương Kim Chi, Nguyễn Nhật Lâm, Võ Phúc Lộc, Nguyễn Phan Kiều Nhi, Nguyễn Thảo My…
Một số trường không chuyên cũng đạt được những thành tích đáng kể trong các cuộc thi HS giỏi, như: Trường THPT Lệ Thủy (Lệ Thủy), Trường THPT Lê Hồng Phong (TX. Ba Đồn)…
Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD-ĐT còn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhất là phong trào rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại. Điểm nhấn trong năm học 2021-2022 là ngành GD-ĐT đã tổ chức thành công giải điền kinh, bơi lội HS cấp tỉnh. Giải quy tụ trên 900 vận động viên (VĐV) đến từ 8 phòng GD-ĐT, 31 trường phổ thông thi đấu ở các nội dung: Chạy, bật xa tại chỗ, nhảy xa, bơi tự do, bơi ếch, bơi ngửa. Qua đó phát hiện ra nhiều gương mặt tiêu biểu của thể thao tỉnh nhà.
Việc đổi mới sáng tạo trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cũng được ngành GD-ĐT hết sức chú trọng, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho HS, trong đó phải kể đến các chương trình, như: Hoạt động truyền thông “Trường học an toàn và chất lượng” cấp tỉnh do Sở GD-ĐT phối hợp với Dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng” tổ chức; truyền thông “Di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Hội LHPN tỉnh tổ chức… Nhiều trường học, nhất là bậc TH, THCS triển khai tốt các hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Kết quả của việc thực hiện các phong trào TĐYN, cuộc vận động trong năm học 2021-2022 đã trở thành động lực để toàn ngành tiếp tục phát huy, tạo nền tảng vững chắc nhằm thực hiện hiệu quả công tác đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng GD-ĐT.
Ngành GD-ĐT đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và đang tập trung công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm học mới 2022-2023 ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào TĐYN, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong cơ sở giáo dục. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy các tập thể, cá nhân thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm học.
|
Nh.V
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.