Siết phòng chống gian lận công nghệ cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

  • 14:35 | Thứ Ba, 14/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để có biện pháp phòng chống gian lận công nghệ cao trong kỳ thi.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)
Phòng chống gian lận công nghệ cao là một trong những điểm được đặc biệt chú trọng trong công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 với hàng loạt giải pháp đã được triển khai và hàng loạt đề xuất, kiến nghị mới từ các hội đồng thi trên cả nước.
 
Tiểm ẩn nhiều nguy cơ
 
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05 (Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm ứng dụng công nghệ cao) Bộ Công an cho hay năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi quy chế thi nhưng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi, từ đăng ký thi đến xét tuyển đai học. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh bảo mật thông tin của kỳ thi cũng cần được tăng cường. Để đảm bảo an ninh trật tự cho kỳ thi, thời gian qua, Cục A05 đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai nhiều giải pháp.
 
“Qua nắm tình hình, chúng tôi thấy vẫn còn tình trạng mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang và điều này tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử,” thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói.
 
Ông Mạnh cũng cho biết trong kỳ thi năm 2021, Cục A05 đã phát hiện hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử. Nhóm đối tượng hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, sử dụng thiết bị công nghệ cao để ghi âm ghi hình, liên lạc giữa bên trong với bên ngoài phòng thi.
 
Các đối tượng này lên mạng tìm kiếm những người  có thể giải đề thi tập hợp thành một nhóm, tập hợp các thí sinh có nhu cầu gian lận. Trước khi thi, các đối tượng tập huấn rất kỹ cách sử dụng các thiết bị cho thí sinh. Thí sinh mặc áo dài tay, có các camera cúc áo, đeo tai nghe nhỏ. Thí sinh chỉ cần mang camera, các đối tượng sẽ điều khiển kết nối thông qua thiết bị trung gian ở ngoài hành lang. Sau khi thí sinh quay, chụp, các đối tượng sẽ có đề thi, giải đề và đọc kết quả cho thí sinh.
 
“Nhóm đối tượng này đã bị bắt và truy tố tội danh cố ý làm lộ bí mật nhà nước,” ông Mạnh thông tin.
 
Cũng theo ông Mạnh, rà soát của Bộ Công an cho thấy hiện thiết bị thu phát sóng có thể thực hiện trong khoảng 20-25m. Để phòng chống việc sử dụng thiết bị thu phát sóng trung gian được thí sinh đặt trong đồ dùng để ngoài hành lang, năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định tất cả các vật dụng của thí sinh phải đặt cách phòng thi ít nhất 25m và đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện dù sẽ có vấn đề phát sinh.
 
Băn khoăn với khẩu trang
 
Theo thiếu tướng Lê Minh Mạnh, hiện có rất nhiều thiết bị, dịch vụ khác nhau trên không gian mạng để đối phó với cơ quan chức năng nên việc phòng chống phát hiện, đấu tranh cũng có nhiều khó khăn.
 
“Chúng ta phải cảnh giác. Công nghệ phát triển hàng ngày, khoảng cách thu phát hôm nay là 25m nhưng ngày mai nhưng ngày mai có thể xa hơn, nên chúng tôi vẫn khuyến nghị vật dụng của học sinh để càng xa càng tốt, nhằm giảm nguy cơ sử dụng thiết bị trung gian,” ông Mạnh chia sẻ.
Việc thí sinh được đeo khẩu trang vào phòng thi tiềm ẩn nguy cơ gian lận thi cử. (Ảnh minh họa: AFP)
Việc thí sinh được đeo khẩu trang vào phòng thi tiềm ẩn nguy cơ gian lận thi cử.           (Ảnh minh họa: AFP)

Việc các thiết bị công nghệ cao được sử dụng tinh vi cũng khiến cho các hội đồng thi không khỏi băn khoăn lo lắng. Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cho hay điều này vượt quá khả năng giám sát của các cán bộ làm công tác thi, vốn không chuyên sâu về lĩnh vực này. “Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để lường trước và có hướng dẫn, tập huấn cụ thể hơn cho các cán bộ làm công tác thi,” ông Hùng đề xuất.

Bộ cần có hướng dẫn về phòng chống thiết bị công nghệ cao vì công nghệ phát triển rất nhanh và ngoài khả năng, năng lực của cán bộ coi thi cũng là đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh Đặng Thị Quỳnh Diệp. Bà Diệp cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề khẩu trang. “Để phòng dịch, thí sinh sẽ được mang khẩu trang vào phòng thi, nhưng khẩu trang cũng có thể che giấu thiết bị gian lận. Đề nghị ban chỉ đạo thi xem xét việc thí sinh có cần phải thay khẩu trang khi vào phòng thi hay không?” bà Diệp đặt vấn đề.
 
Khẩu trang cũng là vấn đề ban chỉ đạo thi thành phố Đà Nẵng đặc biệt quan tâm. “Ban chỉ đạo thi thành phố Đà Nẵng đề nghị Bộ hướng dẫn sở các tỉnh thành về việc đeo khẩu trang của thí sinh khi các em tham gia thi. Đề nghị không sử khẩu trang có van, vì nếu sử dụng khẩu trang có van sẽ dễ gắn các thiết bị thu phát sóng,” bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng nói.
 
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ diễn ra trong các ngày 7 và 8/7 tới đây với sự đăng ký tham gia của hơn một triệu thí sinh trên cả nước. Đây là kỳ thi đặc biệt quan trọng với các em học sinh sau 12 năm đèn sách vì kết quả thi không chỉ để xét công nhận tốt nghiệp mà còn được nhiều trường đại học sử dụng để xét tuyển đầu vào.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)

tin liên quan

Tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, GDNN năm 2022

(QBĐT) - Đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/UBND về việc tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, GDNN năm 2022.

Tăng hiệu quả và tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo "thực tâm, thực tài, thực nghề"

(QBĐT) - Khác với việc đào tạo giáo viên nói chung, đào tạo đội ngũ nhà giáo GDNN cần đặc biệt chú trọng đến kỹ năng, phát triển năng lực bắt kịp với sự đổi mới của công nghệ.