Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023)

Nhớ bác Đồng Sỹ Nguyên

  • 06:30 | Thứ Sáu, 27/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi may mắn có 3 năm dạy học ở Trường cấp 3 vừa học vừa làm ở xã Quảng Trung, quê hương của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Hồi đó cụ bà Đặng Thị Cấp, mẹ của bác Đồng Sỹ Nguyên sống ở quê nhà do người con trai út là bác Nguyễn Hữu Ảnh chăm sóc, nuôi dưỡng. Bác Ảnh có người con trai tên là Thảo, xưa học cùng một lớp với tôi, (lớp 8, Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch), nên tôi thường lui tới chơi với bác.
 
Năm 1982, cụ bà Đặng Thị Cấp qua đời, thọ 100 tuổi. Nhân dân khắp nơi về đưa tiễn rất đông. Nhiều đoàn đại biểu của Nhà nước, Chính phủ, Trung ương Đảng, chính quyền các tỉnh, thành về đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm. Cũng tháng 8 năm đó tôi cùng các học sinh lớp tôi chủ nhiệm lên đường đi bộ đội.
 
Ngày xuất ngũ, tôi lên xã Quảng Trung thăm lại gia đình bác Ảnh. Bác cho tôi xem gia phả dòng họ của bác. Cụ bà, Đặng Thị Cấp là cháu ngoại của cụ Lãnh Trần ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa), một trong những người chỉ huy tài năng của đề đốc Lê Trực. Cụ ông, Nguyễn Hữu Khoán là cháu nội của cụ Nguyễn Trọng Đạm, một chỉ huy Cần Vương bị Pháp xử bắn ở cửa Gianh. Năm người con trai của bà Đặng Thị Cấp đều tham gia quân đội, hai người là cán bộ tiền khởi nghĩa. Trên bia mộ của bà, người con thứ 6, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh đã viết: “Mẹ nằm đó nấm mồ tỏa sáng/Đất yên lành phát lộc cho con”.
 
Cụ bà Đặng Thị Cấp, người mẹ, người bà của 3 vị tướng (ảnh do gia đình bác Nguyễn Hữu Ảnh, em trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cung cấp).
Cụ bà Đặng Thị Cấp, người mẹ, người bà của 3 vị tướng (ảnh do gia đình bác Nguyễn Hữu Ảnh, em trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cung cấp).
Năm 2005, tôi đang đánh máy cuốn hồi ký “Thời lửa đạn” cho bố tôi thì bắt gặp một đoạn viết về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Bác Đồng Sỹ Nguyên sinh ngày 1/3/1923 tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung. Bác đã từng giác ngộ cho bố tôi và những học sinh vùng Nam Quảng Trạch hồi đó đang học ở Trường tiểu học Thọ Linh (xã Quảng Sơn) đi theo cách mạng. Thế là sau đó tôi viết liên tiếp 4 bài báo về gia đình của bác. Bài nào tôi cũng gửi ra Hà Nội cho bác xem trước. Có một năm, tôi viết 2 bài báo Xuân cho Báo Quảng Bình và Tạp chí Văn hóa Quảng Bình. Một bài về cuộc đời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một bài về cụ bà Đặng Thị Cấp.
 
Trong bài “Người mẹ người bà của ba vị tướng” gửi cho Tạp chí Văn hóa Quảng Bình tôi viết: “… Riêng Đồng Sỹ Nguyên (tức Nguyễn Hữu Vũ hay Nguyễn Văn Đồng) được học đến trung học (Trường Saint Marie tại Đồng Hới) rồi tham gia cách mạng. Năm 1938, ông được kết nạp Đảng khi mới vừa tròn 15 tuổi”. Nhưng thấy trong “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” viết tên bác là Nguyễn Sỹ Đồng nên Tạp chí Văn hóa chữa theo. Nhận được 2 tờ báo biếu, tôi liền gửi ra Hà Nội tặng bác. Đọc xong, bác liền gọi điện về cho tôi: “Sao chú lại đặt tên cho bác là Nguyễn Sỹ Đồng”. Tôi nói: “Cháu viết là Nguyễn Văn Đồng nhưng tòa soạn họ chữa lại”.
 
Ngày mồng hai Tết, đang đi chơi nhà một người bạn thì nhà báo Phan Hòa, phóng viên Báo Quảng Bình gọi điện cho tôi về nhà. Phan Hòa đứng đón ở cổng. Anh hỏi: “Theo anh thì trước đây Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có tên là Nguyễn Sỹ Đồng hay Nguyễn Văn Đồng”. Tôi nói ngay: “Bác có tên là Nguyễn Văn Đồng”. Phan Hòa nói: “Thế thì ổn rồi. Hôm qua, bác Nguyên gọi điện về bảo ai đã đặt tên Nguyễn Sỹ Đồng cho bác”.
 
Mấy hôm sau, tôi gọi điện ra cho bác: “Thưa bác, sao cháu thấy trên Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi tên của bác là Nguyễn Sỹ Đồng ạ!”. Bác nói ghi như thế là sai. Rồi bác kể, sau trận càn vào chiến khu Trung Thuần ngày 26/5/1947 thất bại, đám chỉ huy quân Pháp móc nối với linh mục làng Hướng Phương, Quảng Phương rào làng, lập đồn hương vệ.
 
Theo đó, 20 phần tử cuồng tín bắt 3 cán bộ xã và bắn chết 1 cán bộ huyện về công tác. Chủ trương của Huyện ủy là cho 1 trung đội bộ đội huyện về dùng loa nói rõ chính sách của Đảng, Nhà nước để bà con giáo dân thông hiểu. Nhưng khi bộ đội mới phát loa nói được vài câu, bọn hương vệ phát lệnh báo động. Bất chấp phải trái, đám hương dũng xông ra, nã đạn vào bộ đội ta. Buộc lòng bộ đội phải nổ súng cản địch để rút.
 
Cuộc đụng độ kết thúc chóng vánh, mỗi bên bị thương một vài người. Vậy mà sau đó không biết ai tung tin bác bị tòa án binh tử hình nhưng được Bác Hồ bảo vệ, cho đổi tên thành Đồng Sỹ Nguyên. Bác nói: “Gần đây, một phóng viên của báo Tiền Phong không rõ lượm lặt những lời đồn thổi đâu đâu viết bài với những tình tiết khá ly kỳ; buộc bác phải có ý kiến để nhà báo này viết bài cải chính”. Tôi hỏi: “Thưa bác nhà báo đó tên gì ạ”. Bác nói tên nhà báo đó cho tôi nghe xong và nhắc lại: “Bác Hồ của chúng ta bao giờ thưởng phạt cũng rất công minh”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng con cháu. (Ảnh do anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của bác Nguyên cung cấp).
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng con cháu. (Ảnh do anh Nguyễn Sỹ Hưng, con trai cả của bác Nguyên cung cấp).
 
Không đầy một năm sau tôi mở Bách khoa toàn thư mở Wikipedia đã chữa Nguyễn Sỹ Đồng lại là Nguyễn Văn Đồng. Bác Đồng Sỹ Nguyên nói: “Thực chất bác đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sỹ Nguyên để dễ hoạt động trong vùng địch hậu”.
 
Tôi gửi tập truyện ngắn: “Chuyện cổ tích thời nay”, Nxb Thuận Hóa, năm 2009, tặng bác. Một tuần sau, bác gọi điện về cảm ơn. Tôi nói: “Thưa bác, trong cuốn sách có những truyện ngắn về tình yêu, chắc khi đọc bác thấy không phù hợp lắm ạ”. Bác cười và nói to: “Không có tình yêu sẽ không thể lớn thành người”. Thế là tôi viết tiếp bài “Không có tình yêu sẽ không thể lớn thành người”. Tôi viết về tình yêu của bác dành cho quê hương, làng xóm, cho gia đình và đất nước.
 
Tôi viết chi tiết, ngày 20/12/1966, từ chiến trường về, bác được cô Lan, vợ bác cố chạy mua cho được cua đồng, rau muống để nấu món riêu cua mà chồng ưa thích. Tôi viết về cảnh bác đứng lặng hàng giờ trước mộ của người con trai Nguyễn Tiến Quân hy sinh khi bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Bác đã khóc khi người lính lái xe gục xuống trước vô lăng khi đưa hàng ra mặt trận bị máy bay Mỹ đánh trúng. Bác khóc khi không tìm ra cách gì để trị loại máy bay AC130 dùng tia hồng ngoại để bắn cháy cả một đoàn xe vào ban đêm.
 
Trong một lần, tôi gửi bài “Nghệ thuật quân sự của Tư lệnh chiến trường Trường Sơn” ra Hà Nội cho bác. Đọc xong bản thảo, bác gọi điện về cho tôi: “Cháu phải viết thêm về bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào, sự hy sinh của bà con dân tộc mình to lớn lắm”. Bác cũng nhắc nhở thế hệ con cháu phải giữ lấy Trường Sơn, đó là địa huyệt chiến lược quân sự quan trọng, là sống lưng của cuộc chiến tranh giữ nước.
 
Sau này, khi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục xây dựng kinh tế, bác đề nghị với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giảm bớt quân số, chuyển một bộ phận sang làm kinh tế. Nhiệm vụ chính của bộ đội Trường Sơn vẫn là nông nghiệp, xây dựng cơ bản. Khi đã là Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bác đề nghị với Chính phủ xây dựng chương trình phát triển kinh tế ở miền núi, cải thiện đời sống của các dân tộc sống trên dải Trường Sơn.
 
Ngày 26/2/2010, Đảng ủy Văn phòng Chính phủ đã tổ chức trọng thể lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 3/2 cho Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Ngày hôm sau tôi gọi điện cho bác, thắc mắc: “Thưa bác hôm qua cháu thấy trên ti vi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bác, như thế thì họ trao trễ mất 2 năm ạ”. Bác cười và trả lời: “Do bên tổ chức cán bộ có ghi sai cháu ạ. Thực chất năm nay bác đã 72 tuổi Đảng”. Thời gian sau, tôi có gặp bác Nguyễn Hữu Thanh, người anh trai cả của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Bác Thanh nói: “Cả hai anh em của bác đều hoạt động cách mạng từ năm 1936 và được kết nạp vào Đảng năm 1938”.
 
Và ngày 6/12/2018, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho bác Đồng Sỹ Nguyên đúng với tuổi trong cuốn hồi ký “Trọn một con đường” do đại tá Nguyến Duy Tường, Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam thể hiện.    
 
Thế rồi, trưa ngày 4/4/2019, đại tá Hoàng Thúc Cẩn, người bạn học với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên năm xưa ở Trường tiểu học Thọ Linh gọi điện báo cho tôi biết bác Đồng Sỹ Nguyên đã từ trần. Tôi bàng hoàng một hồi lâu dù biết rằng quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” không ai có thể tránh khỏi. Thế là vị tướng huyền thoại trên con đường Trường Sơn huyền thoại đã đi vào cõi vĩnh hằng. Kỷ niệm 100 năm, ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi viết bài này như là một nén tâm nhang kính dâng lên hương hồn bác.
                                                                                                          Hoàng Minh Đức

tin liên quan

93 năm Ngày thành lập Đảng: 'Hướng về cơ sở', 'nói cho dân hiểu', 'làm cho dân tin'

Công tác dân vận chính là mạch nối duy trì mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; lấy chăm lo cuộc sống, lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả công việc, đánh giá cán bộ.
 

Quá trình hình thành chủ trương chiến lược Xuân Mậu Thân 1968

Chủ trương của Đảng và Bác Hồ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là nhằm giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ.
 

Cần những quyết sách kịp thời trong thời điểm quan trọng

Ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão của dân tộc ta, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trước đó ít ngày, Quốc hội vừa kết thúc kỳ họp bất thường lần thứ 2 với những nội dung quan trọng. Như vậy, chỉ trong 2 năm, Quốc hội đã có 3 kỳ họp bất thường nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra của đất nước.