(QBĐT) - Tự hào là quê hương có hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang-nét đẹp văn hóa trong ngày Quốc khánh và ăn sâu vào tiềm thức, máu thịt của người dân quê lúa Lệ Thủy. Đây cũng là cơ hội để địa phương định hướng, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Lệ Thủy-quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với bạn bè trong và ngoài nước…
Đua thuyền mừng Tết Độc lập…
Tiến sĩ (TS) Nguyễn Khắc Thái (TP. Đồng Hới) người có nhiều năm nghiên cứu lịch sử, văn hóa về lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sống Kiến Giang cho rằng: Lễ hội có gốc gác từ văn hóa tâm linh gắn với cư dân nông nghiệp. Sơ khai là lễ “cầu đảo” với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, vụ mùa bội thu… Sau Cách mạng tháng Tám thành công, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức để mừng Tết Độc lập của dân tộc. Để rồi hàng năm, cứ đến dịp Quốc khánh, người dân Lệ Thủy lại nô nức tổ chức lễ hội, để được hòa chung niềm vui trong ngày hội lớn của non sông...
Cũng theo TS. Nguyễn Khắc Thái, đua thuyền là một hoạt động văn hóa của cư dân lúa nước ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, đua thuyền mỗi vùng miền đều mang một sắc thái riêng bởi ở miền Nam là đua ghe, miền Bắc đua các loại thuyền khác. Phần lớn các cư dân ở mỗi miền đều đua thuyền trên sông bằng phương tiện lao động thường nhật của họ, chỉ riêng huyện Lệ Thủy, đua thuyền đã được “chuyên nghiệp hóa”…
"Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được bảo tồn nguyên trạng, bền vững nhất so với các di sản khác của Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Khác với những lễ hội khác, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang mang tính cộng đồng cao, thể hiện sự bình đẳng, gắn với văn hóa làng, để lại dấu ấn rõ nét của từng làng trên đường đua, như: Phong cách đua, thái độ ứng xử, cổ động viên... Đó cũng là niềm tự hào của văn hóa làng ở Lệ Thủy…”, TS. Nguyễn Khắc Thái cho hay.
Ông Đỗ Đức Thuần (xã Mỹ Thủy) người nhiều năm nghiên cứu khá kỹ và từng có một số bài viết chuyên sâu về lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang cho biết thêm: Trước đây, khi điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, phương tiện đi lại hạn chế, những xã ở cách xa trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy, như: Sen Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy, Hoa Thủy… người dân phải dậy từ rất sớm, đi thành từng tốp với quang gánh trên vai đem về chợ Tréo những sản vật; rồi đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều ở khắp các bản vùng sâu, vùng xa, như: Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy cũng lội suối, băng rừng suốt đêm để kịp có mặt vào sáng sớm, cốt là để xem đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang…
“Là người con của quê hương Lệ Thủy, tôi rất tự hào về truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất “Địa linh, nhân kiệt”. Đặc biệt, những nét đẹp mang giá trị tinh thần, như: Bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang; hò khoan Lệ Thủy, là những nét đẹp mang tính vĩnh hằng. Dựa vào cách ứng xử của người Lệ Thủy đối với Tết Độc lập, tôi dám khẳng định đây là địa phương ăn Tết Độc lập lớn nhất cả nước. Vì thế hàng năm, cứ đến dịp Quốc khánh, mỗi một người dân trên quê hương Đại tướng đều tạm gác lại việc đồng áng, hoạt động sản xuất, những trăn trở với cuộc mưu sinh để cùng với cả nước, cả tỉnh hưởng trọn niềm vui trong ngày Tết Ðộc lập…”, ông Đỗ Đức Thuần cho hay.
Hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch…
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy Dương Văn Bình cho biết, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là nét đặc trưng văn hóa đã ăn vào tiềm thức của người dân vùng sông nước Lệ Thủy. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trên khắp các ngả đường đổ về trung tâm thị trấn; người và xe cộ qua lại tấp nập, đông đúc. Hai bên bờ sông Kiến Giang, người già, trẻ em tập trung chờ xem, cổ vũ lễ hội, các đò bơi, đua…
“Hiện nay, địa phương đang phối hợp với một số đơn vị du lịch khai thác có hiệu quả các tour du lịch: Tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa Hoằng Phúc, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; khám phá và trải nghiệm khe Nước Lạnh, hang Chà Lòi, rừng Động Châu- khe Nước Trong; du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang và khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều…”, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết.
Lệ Thủy hiện có 20 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 10 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia…Những năm qua, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân ở địa phương đạt khoảng 22%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 25%/năm, tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa đạt 22%/năm; tổng lượng khách đến huyện đạt 162.000 lượt/năm...
Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch Lệ Thủy chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nguồn thu từ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa thu hút được thời gian lưu trú của khách du lịch tại địa bàn; các dịch vụ phục vụ du khách còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; tính chuyên nghiệp về du lịch còn hạn chế. Nhằm khắc phục những hạn chế, khai thác, phát huy tốt các lợi thế và tiềm năng du lịch, địa phương đã ban hành chương trình hành động về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết: Ngoài việc thu hút sự tham gia của hàng vạn người dân địa phương và một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh, lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang được tổ chức có quy mô cấp tỉnh đã tạo điều kiện để địa phương phát triển du lịch và các dịch vụ ăn uống, thương mại, giải quyết việc làm cho bà con nhân dân…
“Đến năm 2025, huyện Lệ Thủy phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch đạt 16%/năm; trong đó, lượt khách quốc tế đạt 16,5%/năm, lượt khách nội địa đạt 15,5% năm; tổng lượt khách đến Lệ Thủy đạt khoảng 170.000 lượt khách/năm. Để đạt được các mục tiêu đó, địa phương sẽ tập trung triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng; hình thành một số trung tâm du lịch nghỉ dưỡng; đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá thiên nhiên tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu- khe Nước Trong…”, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay.
“Huyện sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: Tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch văn hóa tâm linh; bảo tồn và phát triển các nét văn hóa độc đáo trong Hò khoan Lệ Thủy, lễ hội chùa Hoằng Phúc, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang; phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều…”, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Đặng Đại Tình cho biết.
(QBĐT) - Những năm gần đây, người dân xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) đưa giống lúa nếp than vào canh tác trên ruộng lúa nước. Qua thời gian, lúa nếp than cho thấy sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây nên phát triển tốt, năng suất, hiệu quả ngày càng tăng. Nhờ trồng lúa nếp than nên nhiều hộ đồng bào Bru-Vân Kiều có cuộc sống ấm no…
(QBĐT) - Theo quan niệm của người Mã Liềng (dân tộc Chứt), thần rừng là vị thần bảo hộ quan trọng nhất, chi phối toàn bộ đời sống của người dân. Chính vì vậy, vào những dịp quan trọng, bà con phải tổ chức cúng thần rừng...