Toàn tâm giữ trọn đạo nhà
(QBĐT) - Hoàng Kim Xán, sinh năm 1776, tên tự là Đĩnh Chính. Tổ tiên có gốc gác ở Đồng Xuân, Phú Yên, sau chuyển đến làm nhà ở huyện Phong Lộc, đời đời đều có phúc đức, truyền mãi đến đời Hoàng Văn Hoán. Hoàng Kim Xán là con thứ hai của Hoàng Văn Hoán, thuộc đời thứ năm của dòng họ Hoàng ở Văn La, thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh).
Lúc nhỏ, Hoàng Kim Xán thông minh hơn người, lên 5 tuổi đã theo cha đi dạy học. Mỗi khi thấy sách của các học trò thì ông hỏi từng chữ, từng câu. Có ai chỉ bảo điều gì, ông đọc một lần là nhớ ngay. Dù có tài năng và trí tuệ nhưng ông lại chọn con đường học vấn mà không chọn đường làm quan. Đến khi cha già, biết tin vua Gia Long lấy lại kinh thành Phú Xuân, vâng lời cha, ông mới bắt đầu nhập thế, chăm lo việc nước, giúp đỡ dân chúng.
Năm Gia Long thứ 3 (1804), khi quan địa phương chọn người để tiến cử, ông đã ứng cử và tham gia sát hạch. Hoàng Kim Xán trúng tuyển và được bổ làm Thự tri huyện Lệ Thủy. Lúc làm quan, ông vẫn luôn giữ đức tính thanh liêm, đạm bạc như thuở còn hàn vi nên được nhân dân tin yêu. Sau ông chuyển sang giữ chức Thiêm sự bộ Lễ, rồi ra làm Cai bạ trấn Bình Hòa. Đi đến đâu, ông cũng nổi tiếng là giỏi chính sự, luôn quan tâm đời sống dân chúng. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Hoàng Kim Xán đổi sang giữ chức Biện lí bộ Công, được thăng chức Tham tri, quyền sửa sang công việc ở bộ Hình, rồi đổi sang chức Thượng thư bộ Hình.
Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), khi loạn Phan Vành, Đỗ Bang ở Nam Định nổi lên chống lại quan quân, Hoàng Kim Xán cùng Trần Lợi Trinh, Nguyễn Đăng Tuân xin chọn đại tướng để phân công, đốc thúc quân thủy, quân bộ tiến đánh, không để cho dân chịu cảnh lầm than mãi. Khi sớ dâng lên, vua y cho. Đến khi quan quân đã dẹp yên, vua nghĩ phải tìm đại thần biết an ủi, vỗ về đến làm cho dân chúng yên tâm nhưng khó tìm được người mưu lược. Vua bèn lấy Phó Đô thống chế doanh Tả quân Thần Sách, lĩnh chức Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Hiếu làm Kinh lược Đại sứ Sơn Nam và Nam Định, Hoàng Kim Xán được cử làm phó.
Đến nơi nhận chức, Hoàng Kim Xán cùng Nguyễn Văn Hiếu đi tuần khắp các huyện, các ấp. Hoàng Kim Xán cho tập hợp các phụ lão để truyền đạt ân đức, ý nguyện của triều đình và thăm hỏi nỗi khổ của dân chúng. Những gia đình có nhà cửa bị đốt, người thân bị giết hại đều xin cấp cho tiền gạo hoặc xin tặng phẩm hàm. Đi đến đâu, ông cũng xét việc kiện tụng, trừng trị kẻ gian, quan lại không ai không sợ hãi. Đối với những quan tham, ông cho cách chức, những kẻ bỏ trốn liền cho truy bắt. Khi bắt được thì đem chém, tịch thu tài sản, cấp phát cho dân nghèo khổ.
Những người không đảm đương nổi chức vụ thì buộc cho nghỉ việc. Để bổ sung những vị trí bị khuyết, ông lại tâu xin chọn học trò trong hạt, ai đã từng đỗ một, hai trường thi, có học thức, phẩm hạnh cho khảo hạch thực tế để sung chức. Một mặt ông mạnh tay loại bỏ những tệ xấu, quét sạch những phiền toái, mặt khác, lại tuyển chọn người tài, tuyên dương đức ý để đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi của người dân. Vua cho rằng Hoàng Kim Xán đi kinh lược đã làm được nhiều việc trúng ý nên triệu về hỏi thăm, khen ngợi rồi cho nhận chức Thượng thư, lại ban thêm một cấp.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), triều đình mới thiết lập được 32 tỉnh, ông được đổi sang giữ chức Thượng thư bộ Binh kiêm chức Tổng đốc các xứ, địa phương ở Nam Định và Hưng Yên. Vì từng đi kinh lược ở các vùng đất này nên triều đình rất tin vào uy tín của ông, vì thế mới có lệnh ấy. Sau khi đến lỵ sở, ông dâng sớ trình bày để làm hưng điều lợi và trừ bỏ mối hại, tổng cộng có 17 điều nhưng chưa thi hành được. Mùa xuân, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông bị bệnh nên xin nghỉ việc ở tỉnh. Sớ dâng lên, vua ban cho ông 10 phiến quế thanh, chuẩn cho con của ông là Tư vụ Hoàng Kim Thảng cưỡi ngựa trạm đến thăm nom, hầu hạ. Hoàng Kim Xán mất tại nơi làm quan, lúc đấy ông 57 tuổi.
Vua nghe tin liền bảo bộ Lại rằng: “Hoàng Kim Xán từng làm quan trong, ngoài, là người siêng năng, vất vả đã lâu ngày. Nay nghe tin ông ấy mất, trẫm rất thương tiếc. Gia tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ, sắc cấp cho vàng, gấm, vải lụa để chỉ dùng cho việc mai táng, gia ơn ấm thụ cho con làm Viên ngoại lang, lại sai quan đến lập đàn cúng tế”. Bài văn tế rằng: “Tài mưu để làm rường, làm cột nghe vang vọng như ngọc khuê, ngọc chương. Vâng mệnh giúp việc chỉnh đốn các ban của lục khanh cho tốt, mọi việc đều rõ ràng, xác thực, kính giữ cân tam điển. Đi kinh lược ở biên phương, lấy bỏ xứng mệnh lệnh mưu hỏi, làm Tổng tài sửa luật lệ, xét định câu nặng nhẹ tuỳ nghi”.
Năm Tự Đức thứ 11 (1830), vì có tài đức rõ rệt, công lao đáng khen ông được đưa vào ở đền Hiền lương. Tài năng, công đức và tấm lòng trung quân, ái quốc của Hoàng Kim Xán đã được sử sách triều Nguyễn khắc ghi trong mộc bản như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện.
Các vị tiền hiền dòng họ Hoàng vốn là những người có đức tính cần cù, kiên trì nỗ lực phấn đấu học hành để vinh hiển, đỗ đạt, quý trọng chữ hiếu nên luôn được dân làng mến phục, quý trọng. Thấm thía với công lao, ân tình sâu nặng và sự dày công vun đắp của tổ tiên, với ý muốn duy trì và tiếp nối truyền thống của dòng họ cho thế hệ mai sau, nhân biên soạn lại gia phả họ Hoàng, Hoàng Kim Xán đã viết Hoàng thị gia huấn, nghĩa là lời dạy con cháu họ Hoàng.
Hoàng thị gia huấn thực sự là cẩm nang mang triết lý giáo dục, răn dạy con cháu hết sức cô đọng, ngắn gọn, sâu sắc và ý nghĩa.Tác phẩm có đoạn “Phàm ngã tử tôn đối nghi thế niệm, nhập hiếu, xuất để, tử đệ chức võ hoặc khuy. Hành lệ học cần, môn địa chi cao như khả úy…”, nghĩa là: Con cháu ta cần ghi nhớ, giữ lấy đạo hiếu. Phận con em không được thiếu sót bổn phận của mình. Trau dồi đức hạnh, cần mẫn học hành để địa vị của dòng họ được nâng cao, đó là điều mong ước.
Mùa xuân năm Ất Mão, đời Tự Đức thứ 8 (1855), nhân dịp trùng tu lại đền thờ dòng họ, con út Hoàng Kế Viêm đã cho khắc lên bia đá nội dung Hoàng thị gia huấn và đặt vào phía bên trái của nhà thờ với tâm nguyện thể hiện rõ trong lời bạt: “Con cháu ta đến từ đường, đọc và suy nghĩ, tự mình cố gắng làm theo để đền đáp lời minh huấn, nối gót người trước, giúp đỡ người sau, luôn luôn với lòng hiếu kính”. Đạo hiếu theo quan điểm của Hoàng Kim Xán không chỉ bỏ hẹp trong phạm vi chữ hiếu theo phong tục truyền thống của dân tộc và tư tưởng Nho giáo, đó là hiếu để, thờ cha, kính mẹ mà hàm chứa ở phạm vi rất rộng.
Để làm tròn chữ hiếu thì con cháu họ Hoàng cần phải đề cao vấn đề tu thân, đó là: Cần cù lao động, tiết kiệm; siêng năng học hành; trau dồi đức hạnh, khiêm tốn, không kiêu căng, có lòng từ thiện, bác ái; giữ nếp sống thanh bạch, liêm khiết; dù trong bất kỳ hoàn cảnh giàu sang hay nghèo hèn, hoạn nạn cũng phải giữ lấy danh tiếng của dòng họ. Bởi vậy trong cảm nhận và đánh giá của Hoàng Kế Viêm thì “Bài văn của Ngài “Văn Ý” (tên thụy do vua ban-NV) có lời gọn, nhưng ý đủ, hành văn êm đẹp như sóng gợn nhưng có sức mạnh rất cao, như gương quý, như rùa thiêng, quả là kim chỉ nam cho con cháu hướng mà đi”.
Do hoàn cảnh chiến tranh, nhà thờ họ Hoàng ban đầu dựng tại tổ dân phố Làng Văn, thị trấn Quán Hàu đã bị bom Mỹ phá hỏng. Riêng tấm bia khắc Hoàng thị gia huấn chỉ còn phần nội dung khá nguyên vẹn. Hàng năm, cứ đến giỗ tổ họ Hoàng vào ngày mồng một tháng 7 âm lịch, dòng tộc lại lấy Hoàng thị gia huấn ra đọc một cách trang trọng, tôn kính nhằm khuyên răn, nhắc nhở con cháu luôn ghi lòng tạc dạ và thực hiện theo minh huấn của gia tiên để mãi lưu truyền danh thơm dòng họ.
Ra đời ngót nghét đến nay đã gần 200 năm, cùng với sự vận động và biến đổi không ngừng của đời sống xã hội Việt Nam, Hoàng thị gia huấn vẫn giàu sức sống trong xã hội đương đại. Hoàng thị gia huấn sẽ mãi là di sản tinh thần vô giá của dòng họ Hoàng để răn dạy con cháu trong thời đại mới mà chính Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Kim Xán là người khai bút.
Hữu Nhật
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.