Tạo đà, tạo thế cho Quảng Bình phát triển
(QBĐT) - Trước thềm năm mới nhìn lại, năm 2022, mặc dù gặp không ít khó khăn do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh Quảng Bình đã gặt hái được những thành quả nổi bật. Có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,96%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay.
Trong năm 2022, các DN, cơ sở công nghiệp đã dần thích ứng với trạng thái bình thường mới để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã ban hành các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh (SX, KD) cũng như khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 12% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 8.000 tỷ đồng, vượt 2.000 tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngay từ khi mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, du lịch Quảng Bình đã tích cực chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa ngành du lịch phục hồi, phát triển trong điều kiện mới. Nhờ đó, hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành năm 2022 phục hồi nhanh và mạnh mẽ. Doanh thu lưu trú năm 2022 đạt 447,5 tỷ đồng, gấp 5 lần; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 351,2 tỷ đồng, gấp 5 lần; tổng lượng khách du lịch dự ước hơn 2 triệu lượt khách, gấp 3,53 lần so với cùng kỳ và đạt kế hoạch đề ra.
Hang Sơn Đoòng tiếp tục được Wonderlist xếp hạng đầu tiên trong 10 hang động tự nhiên kỳ vỹ nhất thế giới; The Culture Trip (Anh) bình chọn “Khám phá các hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng” là 1 trong 6 hoạt động thú vị ở Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm một lần trong đời...
Năm 2022 là năm cả hệ thống chính trị trong tỉnh quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; thành lập các ban chỉ đạo và 3 tổ công tác của UBND tỉnh do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để đôn đốc, chỉ đạo triển khai thực hiện. Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, làm việc với các địa phương, đơn vị; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là việc đôn đốc triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn với quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Cùng với đó, công tác rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án, hướng dẫn các thủ tục về chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh tiếp tục được chú trọng; tổ rà soát các dự án chậm tiến độ thường xuyên làm việc với các sở, ban, ngành liên quan về các dự án của nhà đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh để xem xét, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án.
Tháng 3/2022, Quảng Bình đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Bình-Thích ứng-Đồng hành-Phát triển” tại TP. Hồ Chí Minh và đã tích cực triển khai tiếp nhận nhu cầu, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư quan tâm đăng ký tìm hiểu, khảo sát trước khi nộp hồ sơ xin cấp quyết định chủ trương các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong năm, tỉnh cũng đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường hỗ trợ các dự án của nhà đầu tư; phối hợp với VCCI tổ chức thành công hội nghị phân tích, đánh giá, giải pháp nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Quảng Bình.
Mặt khác, thành lập và triển khai có hiệu quả Bộ phận tiếp nhận kiến nghị của nhà đầu tư, DN trong quá trình thực hiện đầu tư, SX, KD trên địa bàn tỉnh. Đây là nỗ lực của bộ máy chính quyền nhằm cụ thể hóa sự chung tay, góp sức, đồng hành cùng cộng đồng DN trong quá trình SX, KD, thực hiện mục tiêu cùng phát triển.
Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành Y tế đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giáo dục và Đào tạo duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong điều kiện phục hồi của nền kinh tế, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 21.000 lao động, vượt 3.000 lao động so với kế hoạch.
Quảng Bình đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm lớn, như: 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình; Lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin A69; 50 năm Ngày hy sinh của các liệt sỹ tại Hang Tám TNXP, đường 20-Quyết Thắng… Phong trào ‘’Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì. Các hoạt động thể dục, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân… Các chỉ tiêu về môi trường đạt kế hoạch đề ra; quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số lĩnh vực phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, có 3/21 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, đó là tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia.
Trên cơ sở tiền đề, động lực từ những thành tựu đã đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra, tỉnh đã xác định các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để khắc phục các mặt còn hạn chế, nỗ lực phấn đấu, kiên định với định hướng phát triển và những mục tiêu, giải pháp trọng tâm đề ra trong năm 2023.
Đó là, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, điều hành của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi, phát triển KT-XH và các khâu đột phá giai đoạn 2021-2025. Nhất là quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ về phát triển KT-XH năm 2023, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH nhằm đẩy mạnh các hoạt động SX, KD, ưu tiên các ngành, lĩnh vực quan trọng, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đô thị, hạ tầng công nghiệp một cách hiệu quả, trong đó, tập trung tổ chức công bố và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân, DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin, định hướng quy hoạch, phục vụ việc nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư, SX, KD trên địa bàn.
Thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để kịp thời giải quyết các vấn đề, thách thức của ngành do tác động của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chuyển đổi số; chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư nhằm tạo bứt phá và động lực tăng trưởng mới. Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2022-2024, trong đó, ưu tiên thu hút các DN, tập đoàn lớn đầu tư các dự án lớn, có tính lan tỏa, tạo thành những chuỗi sản xuất có giá trị và hiệu quả, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai; gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính; không ngừng củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, góp phần tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các DN, người dân an tâm SX, KD.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới còn rất nặng nề, nhưng tin tưởng rằng, với sự đồng sức, đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh, Quảng Bình sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới, tạo đà, tạo thế cho sự phát triển KT-XH tỉnh nhà ngày càng khởi sắc, xứng đáng với truyền thống quê hương “Hai giỏi”.
Trần Thắng
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.