Mùa xuân khơi dậy khát vọng và phát triển

  • 20:08 | Thứ Bảy, 21/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh thời cứ mỗi mùa xuân đến Bác Hồ kính yêu lại có thơ chúc Tết quân và dân cả nước. Mỗi áng thơ xuân đều có tính dự báo với tầm nhìn chiến lược sâu sắc mang một ý nghĩa lớn lao. Cách đây 60 năm (năm Quý Mão 1963) lúc cả nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, lời thơ chúc Tết của Bác ngắn gọn nhưng toát lên một khí thế mới: “Mừng năm mới-Cố gắng mới-Tiến bộ mới-Chúc Quý Mão là năm nhiều thắng lợi…”. Ba chữ “mới” liên tục như một điệp khúc reo vang niềm lạc quan với thế chủ động và tự tin biết bao. Năm nay 2023, tinh thần ấy, dự cảm ấy của Bác Hồ kính yêu dù Người đã đi xa vẫn còn vẹn nguyên. 
 
Điểm lại các hoạt động chính trị-xã hội trong năm 2022 có thể nhận thấy cụm từ “Khơi dậy khát vọng phát triển” được nhắc đến rất nhiều trong các văn kiện, nghị quyết. Chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ: Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước...
 
Phải khẳng định rằng trong bối cảnh hiện nay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” thì đây là khát vọng chính đáng của cả dân tộc ta khi hai tiếng Việt Nam vang lên trên các diễn đàn quốc tế với bao niềm tin cậy và có đủ cơ sở tin cậy hợp tác phát triển. Khát vọng có nghĩa là mong muốn làm được, đạt được những điều lớn lao tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng, rộng hơn là cho cả quê hương, đất nước. 
 
Năm 2022 là một năm quan trọng, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, năm khẳng định những nỗ lực vươn lên của đất nước và dân tộc ta sau những khó khăn thách thức vừa đi qua đại dịch Covid-19; năm thể hiện sức mạnh nội sinh to lớn của đất nước, của từng người dân đất Việt, năm mà có sức mạnh tiềm tàng “mãnh hổ” (năm Nhâm Dần). Sức mạnh đó là sự tổng hợp nhiều yếu tố, trong đó có mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Văn hóa gắn liền với hưởng thụ và hạnh phúc của nhân dân. Văn hóa góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa bảo tồn và phát triển, xây dựng con người Việt Nam từng bước trở thành trung tâm chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.        
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Đức Thành
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. Ảnh: Đức Thành
Dưới thời Lê, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được quân dân một lòng tin tưởng, đồng lòng đi theo bởi tinh thần “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và ý chí kiên định “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn-Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) với khí thế quyết tâm: “Đánh cho để dài tóc-Đánh cho để đen răng” giữ lấy mạch nguồn hồn cốt khí phách ngàn đời truyền thống, tập quán, tập tục dân tộc. Và sau này, đến thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu đã kế thừa và đúc kết phát huy cao độ ý chí tự  lực: “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
 
Tinh thần khát vọng ấy càng được bồi đắp, càng được phát triển, càng được tôn vinh, càng được khơi dậy không chỉ trong mạch nguồn văn hóa truyền thống mà kể cả trong cả lĩnh vực xây dựng kinh tế-xã hội, bảo vệ trọn vẹn chủ quyền Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Khát vọng dân tộc có một vai trò rất quan trọng, nó là động lực trọng tâm tạo nên sức mạnh vô song. Khát vọng dân tộc nếu được định hướng và hình thành dựa trên những đường lối và chủ trương đúng đắn sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ quá trình phát triển. Khát vọng dân tộc thể hiện nhu cầu ước vọng của nhân dân trong suốt chiều dài và tiến trình lịch sử của đất nước. 
 
Khát vọng mùa xuân chính là sự khơi dậy sức xuân, sức trẻ, sức mới. Đó là mối giao cảm, đồng cảm, mối liên kết của tình bao dung nhân ái. Có thể nói trong những lúc khó khăn nhất, đứng trước bao thử thách cam go nhất thì tình nghĩa đồng bào càng thắm thiết biết bao. Nhất là khi trải qua đại dịch Covid-19, trải qua bao cơn bão lũ lụt của thiên nhiên tràn vào dải đất thân yêu đất nước thì “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Có lẽ, cái chữ “thương” tụ hội, sẻ chia nuôi lớn những tâm hồn cao cả để rèn ý chí kiên cường. Cội nguồn truyền thống sâu xa ấy chính là điểm tựa, là bệ phóng cho khối đại đoàn kết dân tộc có một hệ giá trị mới, một năng lượng mới, một tinh thần mới, đó là: Khát vọng phát triển!
 
Khát vọng phát triển bắt đầu từ một “Nông thôn mới”. Cũng lũy tre, ngõ xóm ấy, cũng lối chợ họp sớm hôm, cũng láng giềng khi “tối lửa tắt đèn” nhưng gương mặt nông thôn đã bừng lên, sáng lên, đã chan hòa, kích hoạt bao cảm hứng về một nội lực mới  trong lòng mỗi người, trong mỗi xóm, thôn với “Điện, đường, trường, trạm”. Không chỉ là mô hình đồng nhất phát triển mà còn là nguyện vọng khát khao hiện thực đổi mới trong cách thức kiến trúc lại một đời sống mới, chất lượng sống mới cao hơn, toàn diện hơn.    
 
Con đường sáng mùa xuân đã được mở ra với những đại lộ không chỉ là đường cao tốc giao thông mà còn có những đại lộ mới, cao tốc mới, sức phát triển mới trong tầm nhìn định hướng của mỗi người, mỗi nhà, mỗi xóm thôn, làng, bản, nâng lên một tầm cao mới. Khát vọng phát triển lan rộng và tỏa sáng đến với những vùng cao, miền núi xa xôi hẻo lánh.
 
Những ngày hội truyền thống mang bản sắc dân tộc, ngày hội “Tết Độc lập” với bao sắc màu sắc áo thổ cẩm đan cài ríu rít tưng bừng trong những điệu múa sạp, và gần đây điệu múa xòe Thái đã được UNESCO vinh danh. 
 
Sáng xuân này khi trên biên giới hoa mơ, hoa mận nở trắng xóa tinh khiết và trong trẻo thì ở ngoài đảo khơi xa sóng gió biển khơi, những trái bàng vuông đã bắt đầu lặng lẽ tụ quả bên chiến hào của các chiến sĩ canh phòng giữ đảo. Thiên nhiên luôn là người bạn đồng hành, thiên nhiên là hình bóng đất mẹ thân thương, thiên nhiên là một phần hình hài đất nước thật gần gũi biết bao. Thiên nhiên đã khơi dậy mối đồng cảm gắn bó với đất đai, con người khi cây cối ra hoa kết trái phát triển theo quy luật tự nhiên. Đó cũng chính là động lực để thôi thúc phát huy cao độ sức mạnh tiềm ẩn của con người bằng ý chí nghị lực, bằng tri thức khoa học sáng tạo, bằng tình cảm chan chứa thiết tha với tình làng, nghĩa nước.
 
Các công trường, xưởng máy reo vang nhịp điệu hăng say lao động với ánh lửa hàn chấp chới như sao sa, như chùm pháo hoa ngày hội. Các đường băng mở rộng cho những cánh bay đến với mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Đó chính là nhịp điệu của mùa xuân, sức xuân, sức sống mới. Và trong những giây phút thiêng liêng chuẩn bị đón mừng năm mới ta như được nghe vọng lại lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu bởi tiếng Người là tiếng vọng của non sông: “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến”.
 
Nguyễn Ngọc Phú

 

tin liên quan

Quyết tâm đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo triển khai toàn diện, hiệu quả các mặt công tác xây dựng Đảng

(QBĐT) - Năm 2022, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong bối cảnh thích ứng với dịch Covid-19 cùng với những thách thức khó dự báo, song Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Niềm tin xuân mới!

(QBĐT) - Hân hoan đón chào xuân mới với niềm tin và khát vọng về sự hùng cường, phồn vinh, tươi đẹp của quê hương, đất nước!
 

Tạo đà, tạo thế cho Quảng Bình phát triển

(QBĐT) - Trước thềm năm mới nhìn lại, năm 2022, mặc dù gặp không ít khó khăn do tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình đã gặt hái được những thành quả nổi bật.