Cuộc thi viết về chủ đề Xây dựng Đảng năm 2022:
Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: Vượt "sóng cả"
(QBĐT) - Ngay sau Đại hội lần thứ XVII, ngày 9/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021-2025 (Chương trình hành động số 01). Từ đó đến nay, du lịch Quảng Bình trải qua nhiều thách thức, khó khăn vì đại dịch Covid-19 và đối diện cả bài toán thời vụ vốn mặc định lâu nay. Muốn vượt “sóng cả”, khơi thông “điểm nghẽn”, để du lịch thực sự là ngành mũi nhọn, đòi hỏi những quyết sách kịp thời, đúng hướng và sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.
Sau sự cố môi trường biển, du lịch Quảng Bình ghi dấu ấn bằng những con số tích cực với 19,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 19.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Nhưng chính ngay thời điểm ấy, cơn đại hồng thủy tháng 10/2020 đã nhấn chìm nhiều thành quả du lịch vào biển nước. Khó khăn này chưa qua đi, khó khăn khác lại dồn dập khi dịch Covid-19 đã khiến cho ngành Du lịch hoàn toàn bị “đóng băng”.
Nhiều chương trình hành động, những chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các địa phương đã nhanh chóng vực dậy ngành Du lịch, đưa con thuyền du lịch vượt “sóng cả”.
“Thấy sóng cả”…
Với những người làm du lịch, hai năm 2020-2021 hẳn sẽ là ký ức không bao giờ quên bởi đại dịch Covid-19 đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành Du lịch. Từng đợt "sóng dịch" liên tiếp ập đến khiến du lịch thực sự lao đao, rơi vào bế tắc. Các điểm du lịch buộc lòng phải đóng cửa, ngừng đón khách. Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ phải cắt giảm nhân viên. Hai năm dịch bệnh, một lượng lớn nhân lực du lịch bỏ nghề, chuyển ngành. Một bức tranh du lịch đìu hiu, ảm đạm với toàn những gam màu buồn.
Trở lại thời điểm đầu năm 2020, du lịch Quảng Bình đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 350 nghìn lượt khách quốc tế. Thế nhưng, dịch Covid-19 bùng phát đã giáng một đòn mạnh lên nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành Du lịch. Có những thời điểm, các điểm du lịch buộc phải đóng cửa và không xác định được thời gian cụ thể để đón khách quốc tế trở lại. Khi đợt dịch đầu tiên tạm lắng, Quảng Bình được đánh giá là một trong số ít địa phương có sự phục hồi du lịch nhanh trong cả nước. Nhưng đốm lửa hy vọng vừa được thắp lên, chưa kịp ấm đã nhanh chóng vụt tắt khi mà các đợt sóng dịch liên tiếp xảy ra cùng với các trận mưa lũ lịch sử làm hư hại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch.
Hoạt động du lịch vốn đã cầm chừng nay càng thêm lao đao. Những con số liên tiếp sụt giảm, đặt ngành Du lịch đứng trước cam go chưa từng có. Năm 2020, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 1,85 triệu lượt khách, giảm 66,3% so với kế hoạch và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019. Đến năm 2021, con số này tiếp tục giảm sâu chỉ còn gần 570.000 lượt, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ đạt 11% so với kế hoạch đặt ra.
… Không “ngã tay chèo”
Dịch Covid-19 chính là phép thử lớn buộc các địa phương phải nhanh chóng đưa ra những quyết sách kịp thời, đúng hướng, đặt các đơn vị kinh doanh du lịch đứng trước quyết định thay đổi để thích ứng với tình hình mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để tồn tại. Bám sát Chương trình hành động số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, liên tiếp ngay sau đó, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành kịp thời, đặc biệt là trong những thời điểm cam go nhất.
Ngày 13/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND về việc giảm mức thu phí tham quan một số điểm du lịch trên địa bàn trong năm 2022. Nỗ lực này nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng du lịch Quảng Bình trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới năm 2022.
Tiếp đó, ngày 29/9/2021, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã có buổi làm việc với các ban, ngành, doanh nghiệp liên quan nhằm triển khai hoạt động du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.
Để chuẩn bị lộ trình tốt nhất, xây dựng phương án, kịch bản phục hồi sản xuất, kinh doanh du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan đánh giá tình hình thực tế, nhu cầu thị trường, nguồn lực của các doanh nghiệp và người lao động để xây dựng kịch bản phục hồi du lịch. Đồng chí cũng yêu cầu ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, đón đầu thị trường, nhanh chóng hoàn thiện, trang bị bổ sung cơ sở vật chất để sẵn sàng đón khách.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngay sau đó, Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn mới theo 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/12/2021; giai đoạn từ 2 từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2023 với kịch bản tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được khống chế.
Bắt tay vào thực hiện giai đoạn 1 của kịch bản, ngành Du lịch đã triển khai thí điểm một số sản phẩm du lịch trọn gói liên tỉnh theo quy trình khép kín, đồng thời vẫn luôn duy trì sự kết nối thường xuyên, liên tục với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế. Và Quảng Bình là một trong số ít những địa phương đón khách du lịch trở lại từ ngày 15/10/2021. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá ngành Du lịch Quảng Bình thực sự nhanh nhạy, năng động khi biết chuyển đổi kịp thời sang thị trường khách du lịch nội địa, nhờ đó đã không lỡ nhịp mà bắt đúng cơ hội phục hồi.
Thế nhưng, làn sóng dịch Covid-19 vẫn tác động dồn dập lên ngành Du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh. Từ tháng 3/2022, tình hình dịch đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã ổn định, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn với thị trường du lịch thế giới từ ngày 15/3/2022. Trong bối cảnh đó, nếu triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp, phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Quảng Bình sẽ có sự phục hồi nhanh chóng.
Vì vậy, ngay trước ngày mở cửa thị trường du lịch, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng tiếp tục có buổi làm việc với các sở, ngành, doanh nghiệp du lịch về việc thúc đẩy du lịch trong tình hình mới. Đồng chí nhấn mạnh, ngành Du lịch cần nhanh chóng hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, sớm trở lại quỹ đạo phát triển.
Trong bối cảnh đó, với việc triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp, du lịch Quảng Bình đã thực sự “phá băng” Covid-19 bằng những con số ấn tượng. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng số khách du lịch ước đạt gần 1.250.000 lượt khách, tăng gần 129% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước tính đạt gần 16.200 lượt, tăng hơn 300%. Tổng thu từ khách du lịch từ đầu năm đến nay ước tính đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 139%. Nhanh nhạy, kịp thời, những quyết sách, chỉ thị ban hành vào đúng thời điểm đã giúp cho con thuyền du lịch Quảng Bình vượt “sóng cả”, trở lại đúng quỹ đạo phát triển vốn có, tạo đà để phục hồi hoàn toàn ngành Du lịch.
Diệu Hương
Bài 2: Từ văn bản đến hành động
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.