Bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên lưu vực sông Son

  • 07:52 | Thứ Năm, 13/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có vị trí địa lý quan trọng, nhưng môi trường (MT), hệ sinh thái khu vực lưu vực (KVLV) sông Son (đi qua địa phận huyện Bố Trạch và TX. Ba Đồn) đang chịu nhiều áp lực bởi tốc độ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Để sử dụng tài nguyên, bảo vệ cảnh quan (BVCQ) và MT bền vững KVLV sông Son là việc làm cấp thiết và cần các giải pháp kịp thời, thích hợp, thiết thực...
 
Lưu vực (LV) sông Son không chỉ là nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp trên địa bàn tỉnh mà còn là nơi chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN) phong phú, đa dạng, là không gian sinh sống cho hơn 60 nghìn người dọc theo LV, đặc biệt là vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Những năm qua, thành tựu đạt được trong phát triển KT-XH, đặc biệt là ngành Du lịch đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở LV sông Son không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển này đã và đang tạo ra nhiều áp lực lớn lên MT, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học nơi đây. Vì vậy, việc “nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, BVCQ và MT bền vững KVLV sông Son” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì đã kịp thời đề xuất các chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ cảnh quan và môi trường bền vững khu vực lưu vực sông Son.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ cảnh quan và môi trường bền vững khu vực lưu vực sông Son.
Theo số liệu thu thập được, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực nghiên cứu giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân 11%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 13,45 triệu đồng/năm; năm 2020 đạt 43,5 triệu đồng/năm. Tổng thu ngân sách trên khu vực nghiên cứu giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân 23%/năm.
 
Quá trình phát triển KT-XH ngày càng làm thay đổi cơ cấu kinh tế, nhất là thời kỳ CNH, HĐH. Trong giai đoạn từ năm 2010-2020, ngành thương mại, dịch vụ của các xã, thị trấn trong khu vực đã có những bước phát triển vượt trội, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 12,2%/năm.
 
Minh chứng là số cơ sở thương mại, lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn thuộc trung lưu và hạ lưu sông Son. Trong đó, số cơ sở ở thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) là lớn nhất với gần 1.100 cơ sở và thu hút trên 1.700 lao động. Các xã, thị trấn thuộc LV sông Son đang tập trung phát triển các loại hình dịch vụ để phục vụ hoạt động du lịch, như: Nhà hàng, khách sạn, homestay... với mật độ lớn.
 
Kéo theo đó là thực trạng vệ sinh MT nông thôn. Hiện nay, các xã, thị trấn thuộc LV sông Son chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải được các hộ gia đình tự xử lý bằng hầm tự hoại, sau đó tự thấm ra MT. Các xã, thị trấn ở hạ lưu sông Son đã có mạng lưới thu gom rác thải, ước tính tỷ lệ đạt khoảng 80%. Đối với các xã ở thượng lưu sông Son, như: Tân Trạch, Thượng Trạch, Lâm Trạch do điều kiện đi lại khó khăn nên chưa có mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt. Tại những nơi chưa thu gom thì người dân tự xử lý rác bằng các phương pháp: Chôn lấp và đốt tại chỗ… 
  
Nhiệm vụ nghiên cứu thực hiện ở LV sông Son, đoạn chảy qua các xã và thị trấn của huyện Bố Trạch (Thượng Trạch, Tân Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, Lâm Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Liên Trạch, Mỹ Trạch, Phong Nha) và các xã của TX. Ba Đồn (Quảng Minh và Quảng Văn).

Chủ nhiệm đề tài Lê Hải Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở TN-MT cho biết, trên cơ sở các phân tích đánh giá hiện trạng, diễn biến và các yếu tố ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nước, thảm thực vật và tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhiệm vụ đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp toàn bộ TNTN LV sông Son. Trong đó, xây dựng nhóm giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu; hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về tự nhiên và KT-XH cho LV sông Son; các biện pháp quản lý và bảo vệ MT, như: Bảo đảm yêu cầu về MT ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch dự án đầu tư, giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ MT; giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, cải thiện, nâng cao hệ thống đê điều, hồ chứa; giải pháp bảo vệ MT, phòng tránh bão, lũ, hạn hán… Đặc biệt, bảo vệ MT với việc bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đồng thời đẩy mạnh phát triển KT-XH cho người dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết.

 
“Một số mô hình phù hợp điều kiện tự nhiên, phát triển KT-XH của các xã, thị trấn thuộc LV sông Son, như mô hình: Vườn rừng, vuờn đồi (vườn nhà) với cây công nghiệp, rừng-nương hoặc bãi chăn thả-ruộng, RVAC... Đối với huyện Bố Trạch, các mô hình đều có tính khả quan, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhưng mô hình RVAC có thể áp dụng ở nhiều xã: Lâm Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Liên Trạch, bởi đây là vùng thung lũng, nơi còn có các vùng đồi thấp”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho hay.
 
Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, nhiệm vụ đã đánh giá được hiện trạng, diễn biến, các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất được các giải pháp quản lý sử dụng tài nguyên, BVCQ và MT của LV sông Son làm cơ sở cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong việc ra các quyết định liên quan đến sử dụng TNTN và các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết quả nghiên cứu nhiệm vụ là hệ thống tư liệu quan trọng nhằm góp phần tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển KT-XH LV sông Son.
Hương Trà

tin liên quan

Chấn chỉnh đạo đức, phẩm chất nhà giáo

(QBĐT) - Liên quan đến việc hiệu trưởng đánh phó hiệu trưởng ở Trường tiểu học Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), các bên liên quan đã có tường trình về vụ việc và cơ quan chức năng đang tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật…

Bàn giao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo tại xã Quảng Hợp

(QBĐT) - Ủy ban MTTQVN huyện Quảng Trạch vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQVN xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo ở xã Quảng Hợp. 
 

Phổ biến và hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan đến xâm hại rừng và động vật hoang dã

(QBĐT) - Trong ngày 11-12/4, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn da dạng sinh học phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và Tổ liên ngành huyện Lệ Thủy tổ chức hoạt động phổ biến và hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan đến xâm hại rừng và động vật hoang dã cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, buôn bán, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng ở xã Lâm Thủy, Kim Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh và thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy).