Minh Hóa:

Hiểm họa trẻ đuối nước từ ao nuôi cá

  • 10:43 | Thứ Tư, 20/10/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở huyện Minh Hóa, nhiều hộ gia đình đào ao ngay trong vườn nhà mình để nuôi cá phát triển kinh tế, nhưng việc kiểm soát rủi ro hầu như ít được chú trọng và đã có những vụ đuối nước thương tâm đối với trẻ em xảy ra. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, ngành và mỗi gia đình cần có biện pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các ao nuôi cá.
 
Thương tâm các vụ đuối nước ở ao cá gia đình
 
Đã hơn 2 tháng trôi qua nhưng mỗi lần nhìn vào tấm di ảnh của đứa cháu ngoại xấu số, ông Cao Đình Miền ở thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa (Minh Hóa) vẫn không cầm được nước mắt. Ngày 26-7-2021, cháu ngoại của ông Miền là Cao Anh Q. (SN 2011), trong lúc người lớn đi làm vắng, đã ra vườn chơi và không may rơi xuống ao cá của gia đình ở phía hồi nhà, bị đuối nước thương tâm.
 
Trường hợp của cháu Q. không phải là duy nhất. Chỉ chưa đầy 2 tháng, trên địa bàn huyện Minh Hóa tiếp tục xảy ra 2 vụ trẻ đuối nước thương tâm khác, cũng đều xảy ra ở ao cá của các hộ gia đình. Ngày 7-8-2021, vợ chồng anh Đinh Văn Lương và chị Đinh Thị Luyến ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa đau đớn khi đứa con trai mới tròn 10 tuổi bị đuối nước ở ao cá nhà hàng xóm.
 
Bản thân anh Lương là người khuyết tật, kiếm sống bằng nghề lượm ve chai, còn chị Luyến thì phải đi làm thuê ở tận miền Nam. Ngày con trai mất, chị Luyến đau thắt lòng vì thương con mà không thể về được vì đang trong thời điểm dịch Covid-19.
 
Mới đây nhất, vào ngày 12-9-2021, tại thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp, ao cá của gia đình cũng đã cướp đi sinh mạng của cháu Đinh Tuấn K. (SN 2017). Anh Đinh Thanh Chung, bố cháu K. nén nỗi đau kể lại: “Hôm đó, trời vừa tạnh mưa nên vợ tôi tranh thủ lên rừng hái nấm tràm, tôi ở nhà chơi với con. Nhưng chỉ trong một tích tắc không để ý, con trai chúng tôi đã bị đuối nước ngay dưới ao cá của gia đình.”
Nhiều hộ dân ở Minh Hóa có ao nuôi cá nhưng chưa được rào chắn để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Nhiều hộ dân ở Minh Hóa có ao nuôi cá nhưng chưa được rào chắn để bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Minh Hóa, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của 4 trẻ nhỏ. Điều đáng nói, tất cả các vụ đuối nước nêu trên đều xảy ra ở các ao nuôi cá của các hộ gia đình trên địa bàn.
 
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
 
Tận dụng những kênh mương thủy lợi chảy qua ngay trong khu dân cư, nhiều hộ dân ở xã Trung Hóa đã đào ao nuôi cá để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, nhiều ao nuôi cá của các hộ dân ở thôn Yên Phú, Liêm Hóa (xã Trung Hóa) có diện tích từ 500-1.000m2, độ sâu từ 1-1,5m, nằm ngay trong vườn nhà nhưng hầu hết đều không có hàng rào bảo vệ, bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa thừa nhận tình trạng trên và cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Để đề phòng tai nạn đuối nước, chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền; rà soát những địa điểm ao hồ, khe suối nguy hiểm để cắm biển cấm tắm. Tuy nhiên, tại ao cá của các gia đình, chúng tôi cũng đã vận động bà con nên có rào chắn để bảo đảm an toàn nhưng bà con vẫn còn chủ quan, chưa thực hiện”.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Minh Hóa cho biết, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian qua, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai các biện pháp về phòng, chống đuối nước trẻ em như: Tăng cường truyền thông về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng; thường xuyên tổ chức lớp dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; hướng dẫn, vận động các gia đình quan tâm, tăng cường giám sát trẻ em (đặc biệt là trẻ nhỏ) trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa lũ…
 
Tuy nhiên, có một thực tế rất đau lòng, trên địa bàn vẫn còn xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, đặc biệt là các vụ xảy ra ở ao nuôi cá của các hộ gia đình. Điều này đã gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi chính quyền các xã, thị trấn và đặc biệt là các hộ gia đình cần khẩn trương thực hiện việc rào chắn ở các ao nuôi cá, bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, không để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
 
Phan Phương
 

tin liên quan

Hiệu quả từ một chương trình phối hợp

(QBĐT) - Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn gắn kết nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với hoạt động của hội và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Qua đó, tạo điều kiện và cơ hội để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chủ động vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua

(QBĐT) - Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 và đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế. Sự chăm lo, động viên tinh thần kịp thời đã giúp nhiều hội viên, phụ nữ vượt qua mặc cảm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Cần thủ tục gì để được nhận tiền từ gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng?

(QBĐT) - Từ ngày 1-10-2021, Nghị quyết (NQ) số 116 của Chính phủ và Quyết định (QĐ) số 28 của Thủ tướng Chính phủ về chi hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trị giá khoảng 38.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai tới tất cả cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) trên toàn quốc.