Loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nổi bật tuần qua
Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023… là những thông tin chỉ đạo nổi bật trong tuần.
Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; Khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 25 đến 30-10.
4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19
Tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gồm: (i) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (ii) miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021; (iii) giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; (iv) miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.
Tại Thông báo 281/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ động tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Trong tuần, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị gửi các Bộ: Giao thông vận tải; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về miễn giảm thuế.
Để kịp thời triển khai, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng quy định tại khoản 3, Điều 1 và khoản 1, Điều 2 Nghị quyết; trong đó, tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế giá trị gia tăng) từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-12-2021 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 1-11-2021.
Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có văn bản số 4110/TCT-DNNCN gửi Đại sứ quán Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội châu Âu tại Việt Nam và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam về chính sách thuế đối với các khoản chi phí liên quan đến dịch COVID-19.
Đối với các khoản chi phí cách ly y tế do dịch COVID-19 ở trong nước và tại nước ngoài đối với trường hợp đi công tác tại nước ngoài như chi phí tiền ăn, ở, xét nghiệm COVID-19, đưa đón từ nơi nhập cảnh vào Việt Nam hoặc từ nơi phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế; chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế... để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm COVID-19 hoặc mua kit xét nghiệm COVID-19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn , ở của người lao động ở tại doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" thì các khoản chi phí này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Việc ban hành chính sách này nhằm mục đích kích thích tiêu dùng trong nước; tiếp tục hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước trong bối cảnh dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19. Do đó, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 20-10-2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2021.
Bộ Tài chính dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 15-11-2021 đến hết ngày 15-5-2022. Tuy nhiên, trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15-11, Bộ Tài chính trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định được quy định từ ngày 1-12 đến hết ngày 31-5-2022.
Hướng dẫn khai báo y tế cho hoạt động vận tải hành khách
Cũng trong tuần, Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo về những chi tiết hướng dẫn khai báo y tế cho hoạt động vận tải hành khách.
Về lĩnh vực hàng không, để đơn giản hơn các thủ tục nhằm tổ chức các chuyến bay hiệu quả, nhanh chóng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển của người dân bằng đường hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn mới nhất về khai báo y tế cho hành khách di chuyển bằng đường hàng không.
Thay vì vừa phải khai báo y tế, vừa hoàn thành bản cam kết theo mẫu và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục tại điểm xuất phát, hành khách sẽ chỉ phải thực hiện khai báo y tế điện tử mục Khai báo di chuyển nội địa tại ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin khai báo.
Đặc biệt, khuyến khích hành khách chủ động khai báo từ trước khi làm thủ tục hàng không. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác...
Trong trường hợp hành khách không có thiết bị hoặc gặp khó khăn khi sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, hãng hàng không có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng và khai báo.
Hiện nay, hệ thống PC-COVID và các giải pháp kỹ thuật đã đảm bảo để có thể trích xuất dữ liệu di chuyển nội địa của hành khách theo từng chuyến bay. Với việc các hành khách đều được khai báo di chuyển nội địa trên duy nhất một ứng dụng cũng sẽ giúp thống nhất để trích xuất dữ liệu di chuyển của hành khách trực tiếp từ ứng dụng PC-COVID.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng chỉ yêu cầu các hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách cho Cảng vụ để chuyển cho địa phương vào 2 khung giờ mỗi ngày (14h00 và 22h00) thay vì trước mỗi chuyến bay như trước đây.
Như vậy, sẽ giúp thời gian làm thủ tục của hành khách, việc trích xuất dữ liệu cũng nhanh chóng hơn; giảm thiểu áp lực về nhân lực đối với các đơn vị hàng không. Mọi quy định mới sẽ được áp dụng kể từ 0h00 ngày 29-10-2021.
Theo Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải, cùng với việc hoàn thiện quy trình trong việc kết nối ứng dụng PC-COVID trong hoạt động vận tải hành khách trên các chuyến bay chở khách nội địa, đến nay với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông việc trích xuất dữ liệu thông tin di chuyển nội địa đối với hành khách đi tàu từ ứng dụng PC-COVID đã hoàn thiện.
Trên cơ sở đó, ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã ban hành Quyết định số 1893/QĐ-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ban hành kèm theo Quyết định số 1839/QĐ-BGTVT ngày 20-10-2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, với những điểm đáng chú ý như sau: Thống nhất hành khách chỉ khai báo y tế điện tử ở phần khai báo di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-COVID, được áp dụng kể từ 0h00 ngày 31-10-2021.
Tuần qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên và phía Nam về việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ôtô được lưu thông kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi trong thời gian tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 65.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28-10-2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31-12-2023./.
Theo TTXVN/Vietnam+