.

Làm giả giấy tờ để hưởng chế độ trợ cấp thương binh

.
14:29, Thứ Ba, 27/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Lợi dụng chính sách ưu đãi với người có công, nhiều đối tượng đã làm giả hồ sơ để được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, chất độc da cam. Tuy nhiên, mới đây, hàng chục đối tượng làm giả hồ sơ này đã bị phát hiện. Nhiều trường hợp bị đình chỉ và bị truy thu số tiền lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Vậy nhưng, việc phát hiện các đối tượng làm giả đã khó, việc truy thu số tiền mà những người này đã hưởng lại càng khó khăn hơn.
 
Nhiều trường hợp bị phanh phui
 
Bố Trạch là một trong những địa phương có nhiều trường hợp bị phát hiện làm giả hồ sơ, giấy tờ thương binh. Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch, toàn huyện có 7 trường hợp bị đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người có công, trong đó có nhiều trường hợp đã hưởng chế độ được trên 10 năm, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Tháng 1 năm 2006, ông Phạm Văn B. (SN 1954, ở Đại Trạch, Bố Trạch) có quyết định được công nhận là thương binh hạng 4/4, với tỷ lệ thương tật là 32%. Sau 10 năm được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, ngày 12-3-2018, căn cứ Kết luận thanh tra số 2877/KL-TTr, ngày 3-8-2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã ra quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi đối với ông Phạm Văn B. Nguyên nhân là do hồ sơ thương binh của ông B. được xác lập trên cơ sở bản sao danh sách quân nhân bị thương do Sư đoàn 341 cấp. Nhưng đoàn thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm tra, xác minh tại đơn vị cũ của ông Phạm Văn B., thì tên của ông B. không nằm trong danh sách quân nhân bị thương của đơn vị. Cùng với quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi trợ cấp thương binh đối với ông B., Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cũng đề nghị Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch truy thu số tiền hơn 114 triệu đồng mà ông B đã hưởng hơn 10 năm qua.
Quyết định truy thu trợ cấp ưu đãi người có công của 1 trường hợp lên đến hàng trăm triệu đồng.
Quyết định truy thu trợ cấp ưu đãi người có công của 1 trường hợp lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, nhiều đối tượng còn làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam. Trường hợp của bà Nguyễn Thị T. (thực tế tên là Hoàng Thị T. sinh năm 1975, ở Đức Trạch, Bố Trạch) là một ví dụ. Từ tháng 7-2005 đến tháng 9-2015, bà Nguyễn Thị T. được công nhận là đối tượng con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát hiện bà Nguyễn Thị T. là con dâu chứ không phải là con ruột của ông Nguyễn Ngọc Lâm (ông Lâm là người bị nhiễm chất độc da cam). Theo chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị T. là người khuyết tật, sau khi lấy con trai ông Nguyễn Ngọc Lâm ở cùng xã, thì được ông Lâm làm giả hồ sơ và khai là con ruột của ông Lâm để bà T. cũng được hưởng chế độ chất độc da cam. Sau khi phát hiện, bà Hoàng Thị T. bị đình chỉ chế độ và bị truy thu số tiền hơn 55 triệu đồng.  

Ngoài huyện Bố Trạch, các địa phương khác cũng có nhiều trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi với người có công bị phát hiện và đình chỉ. Ông Nguyễn Công Triều, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, huyện có 35 trường hợp bị đình chỉ và truy thu trợ cấp chế độ ưu đãi với người có công, trong đó, 5 đối tượng bị đình chỉ chế độ thương binh, 30 trường hợp hưởng chế độ chất độc da cam, với tổng số tiền truy thu là 909 triệu đồng.
 
Đình chỉ nhưng khó truy thu
 
Qua tìm hiểu của phóng viên về các trường hợp bị truy thu chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công thì hầu hết những đối tượng này là những người đã lớn tuổi, không còn khả năng lao động. Không ít trường hợp do tuổi cao hoặc bệnh tật nên đã mất. Những trường hợp còn sống thì kinh tế dựa vào nông nghiệp, hoàn cảnh rất khó khăn nên khả năng hoàn trả lại số tiền đã hưởng trong nhiều năm liền là rất khó. 
 
Khi được hỏi về việc hoàn trả lại số tiền đã hưởng trong hơn 10 năm qua, ông Phạm Văn B. nói: “Lúc đầu mỗi tháng tôi nhận được 700.000-800.000 đồng, sau tăng dần lên gần 1.400.000 đồng. Mà lúc ấy, nhận được đồng nào thì tiêu đồng đó. Giờ tôi đã 65 tuổi rồi, nhà chỉ có 3 sào ruộng nên cũng không biết lấy tiền đâu mà trả lại cho Nhà nước”.  
Nhiều trường hợp bị truy thu trợ cấp đối với người có công đều đã cao tuổi và kinh tế khó khăn.
Nhiều trường hợp bị truy thu trợ cấp đối với người có công đều đã cao tuổi và kinh tế khó khăn.
Ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho hay, hiện nay, xã có 2 trường hợp đang có quyết định truy thu trợ cấp ưu đãi với người có công, trong đó có trường hợp của bà Nguyễn Thị T. và một trường hợp thương binh. Tuy nhiên, đối với trường hợp thương binh thì chưa thể truy thu được vì ông này đang làm đơn kiến nghị xem xét lại, còn trường hợp bà Nguyễn Thị T. thì cũng không thể truy thu vì bà T. đã mất cách đây mấy tháng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bố Trạch, trong 7 trường hợp đã có quyết định bị đình chỉ và truy thu trợ cấp ưu đãi với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng trên địa bàn huyện thì chưa có trường hợp nào truy thu được. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cũng đã gửi văn bản về việc đôn đốc truy thu trợ cấp ưu đãi với người có công đến UBND xã có các trường hợp bị truy thu. Cũng chung tình trạng như huyện Bố Trạch, mặc dù là địa phương có số lượng các đối tượng bị truy thu nhiều với 30 trường hợp nhưng huyện Quảng Ninh cũng chưa truy thu được trường hợp nào.
 
Nói về việc truy thu trợ cấp đối với người có công đã bị đình chỉ chế độ, ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, hiện nay, sở đang đôn đốc các địa phương tiến hành truy thu các trường hợp đã bị đình chỉ chế độ ưu đãi. Chủ trương của sở là nếu đối tượng nào đã hưởng chế độ sai pháp luật thì phải đình chỉ và truy thu theo đúng quy định. Đối với trường hợp đang làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng xem xét lại kết quả thì khi nào phục hồi được kết quả, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội mới không đặt vấn đề truy thu nữa.  
 
Những trường hợp như ông Phạm Văn B. và hàng chục trường hợp làm giả hồ sơ để hưởng trợ cấp khác là cái kết buồn cho những người đã từng được Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ bỗng chốc lại trở thành người mất uy tín và gánh trên mình những món nợ lớn. Vấn đề đặt ra đằng sau câu chuyện này là không phải tự nhiên mà những người nông dân kiến thức còn hạn chế lại có thể làm giả hồ sơ để "qua mặt" được các cơ quan chức năng và hưởng trợ cấp trong thời gian dài. Vậy, ai là người đã đứng sau để tiếp tay cho các đối tượng hưởng sai chế độ? Đây là câu hỏi rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và làm rõ.
 
Đ. Nguyệt
,
  • Dự án SRDP đã ký hợp đồng tài trợ và cấp vốn cho 230 tiểu dự án

    (QBĐT) - Ngày 27-11, Hội Nông dân tỉnh và Ban quản lý Dự án SRDP tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT, HTX) được nhận tài trợ của Dự án SRDP tỉnh.

    27/11/2018
    .
  • Ngoại khoá "Bảo vệ môi trường - Nói không với rác thải nhựa"

    (QBĐT) - Chiều 26 - 11, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trường THCS Đồng Phú tổ chức ngoại khoá về môi trường với chủ đề "Bảo vệ môi trường - Nói không với rác thải nhựa".

    27/11/2018
    .
  • Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế nhiều mây, phía bắc có mưa rải rác

    Thời tiết hôm nay, các tỉnh Nam Trung Bộ từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
     
    27/11/2018
    .
  • Hội LHPN huyện Bố Trạch đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc phụ nữ, trẻ em

    (QBĐT) - Để thực hiện bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, Hội LHPN huyện Bố Trạch đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình có ý nghĩa thiết thực trong công tác chăm sóc, phòng tránh xâm hại cho phụ nữ và trẻ em.

    26/11/2018
    .
  • Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản - bài 2

    (QBĐT) - Phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản (CĐTB) được ngành Y tế đánh giá là giải pháp hữu hiệu trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, hiện nay, việc duy trì, phát triển mạng lưới CĐTB ở tỉnh ta vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. "Nút thắt" nằm ở đâu và "chìa khóa" nào để gỡ "nút thắt" là những câu hỏi đang được các ngành chức năng, chính quyền các địa phương loay hoay đi tìm lời đáp.

    26/11/2018
    .
  • Công khai danh sách 37 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh

    (QBĐT) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Bình vừa công khai danh sách 37 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài từ 10 đến 65 tháng. Đây là số liệu tính đến hết ngày 31-10-2018.

    26/11/2018
    .
  • Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản

    (QBĐT) - Được ví như "cánh tay vươn dài" của ngành Y tế địa phương, thời gian qua, mô hình cô đỡ thôn bản (CĐTB) đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Tuy nhiên, hiện nay, do những khó khăn, hạn chế trong công việc cũng như chế độ, chính sách nên việc duy trì và phát triển bền vững mô hình này tại tỉnh ta đang là vấn đề nan giải.
     
    25/11/2018
    .
  • Phức tạp... bao nilon!

    (QBĐT) - Bà H. đi chợ về, thấy ông Q. (chồng bà) thu gom một đống bao nilon. Thấy lạ, bà liền hỏi.
    25/11/2018
    .