.

Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản

.
08:22, Chủ Nhật, 25/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Được ví như “cánh tay vươn dài” của ngành Y tế địa phương, thời gian qua, mô hình cô đỡ thôn bản (CĐTB) đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Tuy nhiên, hiện nay, do những khó khăn, hạn chế trong công việc cũng như chế độ, chính sách nên việc duy trì và phát triển bền vững mô hình này tại tỉnh ta đang là vấn đề nan giải.
 
Bài 1: “Nuôi” nghề bằng tâm!
 
Như những con ong cần mẫn, chăm chỉ và lặng thầm, đội ngũ CĐTB có những đóng góp không nhỏ trong việc thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao SKSS cho phụ nữ vùng ĐBDTTS. Tuy nhiên, đằng sau những kết quả tích cực đó, mấy ai thấu hết được sự vất vả, khó nhọc và không ít hy sinh mà họ đã và đang trải qua. 
 
Hiệu quả thấy rõ
 
Ở nhiều vùng ĐBDTTS tỉnh ta, nơi người dân sống cách xa cơ sở y tế, việc sinh đẻ của phụ nữ trông cậy phần nhiều vào các CĐTB. Thực tế cho thấy, ở những địa phương có cô đỡ, kiến thức và thực hành về SKSS của phụ nữ đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ biết cách chăm sóc thai nghén, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm trong thời gian mang thai, sau sinh đã được cải thiện. Tỷ lệ chấp nhận khám thai, đến đẻ tại cơ sở y tế hoặc đẻ tại nhà có sự hỗ trợ của CĐTB tăng lên... 
 
Tỉnh ta hiện có 44 CĐTB đã được đào tạo từ 6 tháng trở lên, đang hoạt động hiệu quả. Riêng huyện miền núi Minh Hóa có 18 cô đỡ phân bố tại 4 xã, gồm: Dân Hóa (7 người), Trọng Hóa (7 người), Thượng Hóa (2 người) và Xuân Hóa (2 người). Đội ngũ này đều đã được đào tạo và hoạt động rất tích cực, phù hợp với địa bàn miền núi khó khăn.
 
Trước năm 2010, phần lớn phụ nữ mang thai tại các bản làng xa xôi, hẻo lánh của huyện Minh Hóa không đi khám thai. Tỷ lệ phụ nữ tự sinh con tại nhà luôn ở mức cao khiến nhiều trường hợp bị tai biến sản khoa dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
 
Từ năm 2010 đến nay, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của các CĐTB, chị em đã đến trạm y tế xã đăng ký quản lý thai, khám thai, đến cơ sở y tế để sinh đẻ, tiêm phòng uốn ván cho mẹ và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em trong độ tuổi quy định…
 Chị Hồ Thị Năm, cô đỡ bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đang tuyên truyền, tư vấn về SKSS cho 1 phụ nữ mang thai ở địa phương.
Chị Hồ Thị Năm, cô đỡ bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đang tuyên truyền, tư vấn về SKSS cho 1 phụ nữ mang thai ở địa phương.
Là địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, xã Trọng Hóa hiện có 7 cô đỡ/18 bản. Nhờ có đội ngũ CĐTB, vấn đề chăm sóc SKSS của phụ nữ địa phương ngày càng được quan tâm và đạt nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê của xã, năm 2017, trong số 105 ca sinh đẻ của địa phương có 50 ca sinh tại nhà và trong 10 tháng năm 2018, có 39/91 ca sinh tại nhà.
 
"So với những năm trước đây, tỷ lệ sinh đẻ tại nhà giảm khoảng 60%. Tai biến sản khoa cũng đã được kiềm chế đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, Trọng Hóa không có trường hợp tai biến sản khoa nào xảy ra. Đây là những chuyển biến rõ nét từ khi mô hình CĐTB được triển khai ở địa phương", anh Đinh Xuân Thái, Trạm trưởng Trạm y tế xã Trọng Hóa chia sẻ.
 
Tương tự, vấn đề chăm sóc SKSS cho người dân ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) cũng có nhiều chuyển biến tích cực từ khi xuất hiện đội ngũ CĐTB. Xã hiện có 5 cô đỡ/6 thôn, bản.
 
“Trước khi có dự án CĐTB, người dân địa phương, nhất là ở các bản xa trung tâm thường tự đỡ đẻ cho nhau bằng kinh nghiệm dân gian truyền lại. Những người phụ nữ lớn tuổi được cho là có nhiều kinh nghiệm sẽ phụ trách việc đỡ đẻ cho người dân cùng bản. Tuy nhiên, việc này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho cả mẹ và bé. Đã có không ít hệ lụy xảy ra khi người dân tự đẻ tại nhà trong điều kiện thiết bị thiếu thốn, vệ sinh không bảo đảm. Từ khi mô hình CĐTB được triển khai, tình trạng đỡ đẻ tại nhà, đẻ rơi giảm đáng kể. Các tai biến sản khoa, như nhiễm trùng, uốn ván rốn, băng huyết... hầu như đã không còn”, anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết.
 
Rõ ràng, sự ra đời của mô hình CĐTB đã tạo bước ngoặt lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại vùng ĐBDTTS. Đây được xem là giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính làm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ làm mẹ an toàn.
 
Thiếu sự tiếp sức
 
Hiệu quả là thế nhưng hoạt động của đội ngũ CĐTB hiện nay lại gặp rất nhiều khó khăn. Không được hưởng chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ nào, nếu không thực sự tâm huyết với nghề thì các CĐTB khó lòng mà bám trụ được, bởi ngoài công việc chuyên môn, họ vẫn phải đi làm nương rẫy, tăng gia sản xuất, chăn nuôi để duy trì cuộc sống gia đình, không thể tập trung hoàn toàn thời gian vào công việc chuyên môn.  
Mô hình cô đỡ thôn bản góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhiều phụ nữ, trẻ em vùng ĐBDTTS tỉnh ta.
Mô hình cô đỡ thôn bản góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhiều phụ nữ, trẻ em vùng ĐBDTTS tỉnh ta.
Hơn 5 năm gắn bó với công việc cô đỡ, được chứng kiến biết bao vui, buồn xung quanh câu chuyện sinh đẻ của chị em, chị Hồ Thị Năm, bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) càng thấm thía những khó khăn, vất vả và cả sự thiệt thòi mà các CĐTB vùng ĐBDTTS phải chịu. Bên cạnh những trở lực về giao thông đi lại, trình độ nhận thức của người dân, hoạt động của các CĐTB còn gặp không ít khó khăn do chế độ đãi ngộ quá thấp và gần như bị "thả nổi" từ nhiều năm nay.
 
"Năm 2013, tôi bắt đầu làm cô đỡ và được hưởng 200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, tôi không nhận được đồng phụ cấp nào cả. Nhiều lúc, còn phải bỏ tiền túi để mua một số vật dụng cần thiết phục vụ cho công việc. Nếu không vì trách nhiệm, không vì thương bà con, chắc tôi đã bỏ nghề lâu rồi", chị Hồ Thị Năm tâm sự.
 
Kiêm cùng lúc 2 công việc (y tế thôn bản và CĐTB) nhưng chị Nguyễn Thị Hồng Lẫm, cô đỡ bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa (Minh Hóa) chỉ được hưởng phụ cấp 650.000 đồng/tháng dành cho nhân viên y tế thôn bản. Chị Lẫm cho biết, số tiền phụ cấp hàng tháng chỉ đủ đổ xăng đi lại làm công tác tuyên truyền. Nhiều lúc cũng muốn buông xuôi, bỏ nghề nhưng rồi nghĩ đến những phụ nữ, trẻ em đang cần mình, chị tự nhủ phải cố gắng bám trụ.
 
“Làm nghề này, nếu không nhiệt tâm thì chắc chắn không thể trụ được, bởi công việc thì vất vả mà phụ cấp chẳng đáng bao nhiêu. Thậm chí, nhiều CĐTB hiện nay đang phải “làm chay”, không được hưởng bất cứ khoản phụ cấp nào”, chị Lẫm trải lòng.
 
Điều mà chị Hồ Thị Năm, chị Nguyễn Thị Hồng Lẫm và nhiều CĐTB nhiệt tâm với nghề khác luôn trăn trở là hiện nay, các trang thiết bị, vật tư y tế dành cho CĐTB còn thiếu, chế độ phụ cấp không có sẽ rất khó để họ gắn bó lâu dài, hiệu quả với nghề. Bởi vậy, để tiếp tục hoàn thành trọng trách “cánh tay vươn dài” của ngành Y tế, các CĐTB rất cần được tiếp sức để họ không còn chới với “tự bơi” như hiện nay.
 
Tâm An
Bài 2: Tiếp sức cho cô đỡ thôn bản
,
  • Phức tạp... bao nilon!

    (QBĐT) - Bà H. đi chợ về, thấy ông Q. (chồng bà) thu gom một đống bao nilon. Thấy lạ, bà liền hỏi.
    25/11/2018
    .
  • "Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh Quảng Bình"

    (QBĐT) - Ngày 24-11, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã tổ chức tọa đàm "Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh Quảng Bình". 

    24/11/2018
    .
  • Dân khổ vì đường vào thị trấn biến thành 'ao'

    (QBĐT) - Thời gian qua, nhiều người dân qua lại thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy rất khó khăn, bức xúc vì con đường xuống cấp nghiêm trọng. Vào ngày nắng bụi bay mịt mù, còn mưa xuống thì vũng nước chằng chịt, không còn lối đi.

    24/11/2018
    .
  • Anh hùng trong thời chiến, mẫu mực trong thời bình

    (QBĐT) - Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, kẻ thù mới chỉ nghe đến tên ông đã khiếp sợ. Ông đã tham gia hàng trăm trận đánh, có trận đột nhập vào tận "hang hùm" của địch để tiêu diệt những tên đầu sỏ. Hòa bình trở về cuộc sống đời thường, ông miệt mài làm công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương. Ông là Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Giang, ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy.

    24/11/2018
    .
  • Đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu

    (QBĐT) - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua nhiều hình thức và nội dung phong phú.

    24/11/2018
    .
  • Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ nghỉ hưu trong giai đoạn 2018-2021

    (QBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Nghị định trên có hiệu lực từ 24-12-2018.

    24/11/2018
    .
  • Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính

    (QBĐT) - Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cải cách chế độ công vụ, công chức.

    24/11/2018
    .
  • Hồ Vực Sanh kêu cứu

    (QBĐT) - Hồ Vực Sanh nằm trên địa bàn xã Hạ Trạch được ví như "bầu sữa mẹ" cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho 2 xã Hạ Trạch, Mỹ Trạch (Bố Trạch).

    23/11/2018
    .