Nguyễn Khắc Thứ và những gì còn lại...

  • 07:47 | Thứ Bảy, 27/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ (1921-1990) là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông sớm có thành tựu, được tặng giải thưởng cao quý cùng với các tên tuổi lừng danh như Nguyễn Đình Thi, Võ Huy Tâm… với ký sự “Trận Thanh Hương”…
 
Tôi là người cùng họ nhưng chưa tìm được mối liên hệ bà con. Tuy vậy, từng đọc ông thời mới bước vào đời hơn nửa thế kỷ trước, nhân tuyển tập của ông vừa được xuất bản, cảm thấy cần giới thiệu để nhiều bạn đọc hiểu thêm một nhân vật thể hiện sự gắn bó với Bình Trị Thiên không chỉ trong “khói lửa”.
 
Ông sinh năm 1921; quê quán thôn An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, các tác phẩm đã công bố lấy bối cảnh ở Thừa Thiên-Huế, nhưng cuối đời lại về Quảng Bình (ông mất ngày 6/9/1990). Tác phẩm chính đã xuất bản: “Trận Thanh Hương” (truyện ký, 1955); “Đất chuyển” tiểu thuyết (1958) và 3 truyện: “Bản án tử hình”, “Phá kho bom Tân Sơn Nhất”, “Hẹn  hò” (1966).
 
Lúc ông nằm lại lặng lẽ tại một làng quê khá hẻo lánh ở Quảng Bình, nhiều nhà văn ở Bình Trị Thiên cũng không biết! Mãi gần đây, cũng không mấy người biết mộ ông ở đâu! Thật may là với công phu tuyển chọn của nhà văn Châu La Việt (con của ca sĩ Tân Nhân), được NXB Văn học hỗ trợ, “Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ” vừa phát hành cuối năm 2022 trong kế hoạch “Sách Nhà nước đặt hàng”; sách in bìa cứng trang trọng, dày 700 trang.
Ba người bạn chí thiết làm báo “Vệ Quốc Quân” trong chiến khu, từ trái qua: Văn Tôn, Nguyễn Khắc Thứ và Trần Quốc Tiến (ảnh do nhà thơ Hải Trung cung cấp).
Ba người bạn chí thiết làm báo “Vệ Quốc Quân” trong chiến khu, từ trái qua: Văn Tôn, Nguyễn Khắc Thứ và Trần Quốc Tiến (Ảnh do nhà thơ Hải Trung cung cấp).
Bên cạnh những tác phẩm nói trên, bài viết mở đầu cuốn sách của nhà giáo Trương Quang Đệ, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường đại học Sư phạm Huế (anh em con cô con cậu với Nguyễn Khắc Thứ) và các bài ở phần sau, đã cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết về cuộc đời thăng trầm của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ.
 
Ông Đệ cho biết : “... Khoảng năm 1948, khi giặc càn về quê nhà, gia đình anh phải buồn bã đem toàn bộ sách vở ra đốt, trong đó chúng tôi phát hiện nhiều bản thảo truyện ngắn và thơ ca của anh được viết tay nắn nót hoặc đánh máy […] Khoảng năm 1949, anh ra công tác tại Nghệ Tĩnh thuộc vùng tự do, kết hợp với một việc riêng cũng không kén phần quan trọng là đưa người em con dì, sau này là nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân, ra vùng tự do… ” (Lúc đó, cô là học sinh Đồng Khánh, hoạt động nội thành bị lộ...).
 
Sau truyện “Hẹn hò” in năm 1966, Nguyễn Khắc Thứ không công bố thêm tác phẩm nào nữa, nhưng ông Đệ cho biết, “anh còn lặng lẽ viết bộ truyện dài mang tên “Khói lửa”. Khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, bộ truyện đã viết xong, nhưng anh chưa đặt vấn đề xuất bản vì muốn tác phẩm phải hoàn toàn chân thực và mang sắc thái nghệ thuật thật sự…”.
 
Trong lúc trò chuyện với tôi, ông Đệ “tiết lộ” Nguyễn Khắc Thứ còn có truyện “Một chiều cuối thu” rất hay, nhưng nay thất lạc. Sau khi tuyển tập ra đời, nhờ một thầy giáo ở huyện Quảng Ninh tìm kiếm, tôi đã liên lạc được với ông S. người con rể đầu của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ hiện ở xã Tân Ninh.
 
Ông S. cho biết: Ông còn giữ những cuốn sách in từ hơn nửa thế kỷ trước của nhà văn và từng thấy một bản thảo lấy bối cảnh Quảng Bình, trong đó có câu chuyện quả bom bi và một em bé… Bản thảo đó ông đã chuyển cho người bà con bên nội nhà văn, có lẽ đã thất lạc? Còn một tủ sách mà ông Thứ đưa từ Huế về-khi cuối đời, con cháu vào đón ông về Quảng Bình-đã bị trận “đại hồng thủy” 2 năm trước nhấn chìm…
 
Do đó, đúng như thầy Trương Quang Đệ đã viết: “Những gì sót lại của Nguyễn Khắc Thứ chỉ là phần nổi của tảng băng khá lớn. Phần chìm của tảng băng có nguy cơ không bao giờ được biết đến nữa!...”. Thật là xót xa!
 
Có thể nói như thế vì những năm cuối đời, lúc sống ẩn dật ở Huế (do nhà văn từng viết về các chiến công của ngành an ninh, ông được gửi gắm tại một trại dưỡng lão để sáng tác), một mặt Nguyễn Khắc Thứ vẫn là nhà văn cách mạng kiên trung được các nhà chỉ huy quân đội tin cậy nhờ viết giúp hồi ký (như đã viết giúp hồi ký của tướng Trần Quý Hai), mặt khác, ông không ngừng trăn trở về mặt sáng tạo nghệ thuật, muốn vượt lên chính mình. Thật tiếc là ông không có điều kiện thuận lợi để đi tiếp con đường đó, công bố tác phẩm mới như các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải… sau này.
 
Nguyễn Khắc Thứ không chỉ có những tác phẩm vừa được tái bản mà còn là người có công xây dựng tờ báo của lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên với tên “Vệ Quốc Quân”, Trong bài viết in cuối tập sách có tên “Từ trang báo Vệ Quốc Quân đầu tiên đến ký sự Trận Thanh Hương” (đã in trong sách “Chiến trường, sống và viết”-NXB Tác phẩm mới, 1984), nhà văn Nguyễn Khắc Thứ cho biết, sau năm 1946, “Bình Trị Thiên có 3 trung đoàn: 101 ở Thừa Thiên, 95 ở Quảng Trị, 18 ở Quảng Bình…” Từ năm 1949-1950, lập Bộ Chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên và Nguyễn Khắc Thứ cùng Trần Thanh Tâm, Trần Doãn Ty được Quân khu 4 điều vào làm báo “Vệ Quốc Quân”.
 
Thật khó kể hết gian nan của việc làm số báo đầu tiên trong chiến khu, in 16 trang, bìa 3 màu do Trần Quốc Tiến vẽ, thơ có bài của Văn Tôn (tức Hải Bằng), Nguyễn Khắc Thứ thì phải viết ngay một truyện ngắn… Báo in 500 bản. “Báo in xong. Chúng tôi mang đi phân phát ngay… Những chuyến phát báo này cũng khá nguy hiểm. Có lần chúng tôi muốn vượt qua đường quốc lộ, nhưng ba đêm liền bị phục kích…” Rồi phải tìm cách vượt ban ngày, “bó báo giữa hai bó củi, rồi áo nâu, nón lá, quần xắn đến háng, gánh củi đi qua trước lô cốt giặc…”. Phân phát xong cho các đơn vị dọc đường rồi mới đem về Bộ Chỉ huy và gửi đi xa… 
 
Chính trong thời gian làm báo này, Nguyễn Khắc Thứ được tham dự “Trận Thanh Hương” từ đầu đến cuối và tập ký sự được gửi ra Hà Nội. “Ít lâu sau, tôi được các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu gửi thư vào khích lệ […] Thế rồi một hôm, đồng chí Phạm Như Cương, Trưởng phòng Chính trị đến tìm tôi, tay cầm tờ báo…”. Đó là số báo “Nhân Dân” đăng tin: “Trận Thanh Hương” đoạt giải nhì (cùng với tiểu thuyết “Xung kích" của Nguyễn Đình Thi) giải thưởng văn nghệ toàn quốc 1951-1952!
 
Chuyện giải thưởng văn nghệ danh giá nhất nước “ngày xưa” vui, hồn nhiên trong sáng như thế đó! Bài viết “Rước ông về An Cư” của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (1934-2014) viết từ tháng 10/2000, bên cạnh chuyện đời riêng của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ mà nhiều người chưa biết, cũng rất nhiều kỷ niệm vui. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người bám chiến trường Bình Trị Thiên lâu dài, từng được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
 
Vậy mà anh tôn vinh Nguyễn Khắc Thứ: “là ông đồ cho chữ và tôi là môn sinh lẽo đẽo theo thầy...”. Khi vào Quảng Trị, Thừa Thiên, anh “hay sang thăm anh Thứ. Ở đó tôi gặp Trần Quốc Tiến và Vĩnh Tôn (sau này là nhà thơ Hải Bằng). Hai anh này, người vẽ, người làm thơ... Họ kết nghĩa dưới rừng lồ ô Hòa Mỹ như ba nhân vật của Tam quốc diễn nghĩa… Nguyễn Khắc Thứ luôn trong vai trò Lưu Bị […] Tôi mê họ và suốt đời không giấu giếm điều này…”.
 
Thật tiếc là sau Hiệp định Genève, khi Sư đoàn 325 (được thành lập từ 3 trung đoàn của Bình Trị Thiên) ra tập kết ở Quảng Bình, Nguyễn Khắc Thứ được triệu tập ra viết về các anh hùng; dịp may lại “là nút thắt của một bi kịch […] Các nhà văn mặc áo lính trai trẻ, đáng yêu và tài năng luôn là địa chỉ cảm mến của các cô gái đẹp …[…] Điều gì sẽ xảy ra đã xảy ra… giá xảy ra vào thời cởi mở mà ta đang sống hôm nay chắc sẽ có hồi kết êm hòa…”, Phạm Ngọc Cảnh đã viết như thế.
 
Thế là Nguyễn Khắc Thứ bị điều ngay về Sư đoàn 325, rồi đi giữ kho Thư viện Quân đội cho đến khi về hưu! Thời gian đủ để “giải mật” lý do vì sao nhà văn phải sống ẩn dật trong nửa cuộc đời còn lại, cuối đời lặng lẽ yên nghỉ tại Quảng Bình trong “ngôi mộ cỏ heo hút” mà nhà thơ đàn em Phạm Ngọc Cảnh đã đến thăm! Điều “có hậu” mà Phạm Ngọc Cảnh cũng như họa sĩ Trần Quốc Tiến chưa biết là việc các anh mong ước “Rước ông về An Cư” (quê hương Nguyễn Khắc Thứ) thì con cháu nhà văn đã thực hiện, tuy không đưa ông về quê.
 
Hai năm trước đây, có lẽ cũng đúng lúc nhà văn Châu La Việt bắt đầu sưu tầm tư liệu để in “Tuyển tập Nguyễn Khắc Thứ” thì mộ ông đã được cải táng, đưa từ vùng đồi xã Hiền Ninh về xây lăng đẹp đẽ tại làng Nguyệt Áng- xã Tân Ninh, gần nơi con cháu ông đã và đang sống… 
 Nguyễn Khắc Phê

tin liên quan

Cơn mưa

(QBĐT) - nước mắt rạp mình trước cánh đồng
mùa màng lấm tóc mẹ

Khi hiện vật kể chuyện

(QBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng các chứng tích vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất này. Tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh có hàng trăm ảnh, hiện vật, là những câu chuyện chân thật về tội ác của kẻ thù, sự vô nhân đạo của chiến tranh.

Tập huấn chuyên đề "Văn học nghệ thuật đương đại" cho hội viên

(QBĐT) - Ngày 24/5, Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình tổ chức tập huấn chuyên đề "Văn học-nghệ thuật đương đại" cho hội viên hoạt động trên các lĩnh vực của VHNT.