Điểm hẹn mùa xuân

  • 00:02 | Thứ Bảy, 21/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân và toàn thể dân tộc bởi đây là dịp thể hiện sâu sắc, trọn vẹn nhất những giá trị văn hóa tốt đẹp được cha ông gìn giữ, bồi đắp, trao truyền qua bao thế hệ.
 
Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo cho người dân những sân chơi lành mạnh, bổ ích trong mỗi dịp vui xuân, đón Tết, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo trong tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao (VHTT), trong đó chú trọng tổ chức các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc của mỗi vùng quê.
Việc tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ tạo sân chơi hấp dẫn cho người dân trong các dịp lễ, tết.
Việc tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ tạo sân chơi hấp dẫn cho người dân trong các dịp lễ, Tết.
Anh Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT và Truyền thông huyện Tuyên Hóa cho hay: Cứ mỗi độ xuân về, người dân Tuyên Hóa lại hòa mình vào các trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống, xem đây là “món ăn tinh thần” không thể thiếu. Ngoài những giải thể thao, các chương trình vui xuân, đón Tết do các địa phương tổ chức, dịp Tết Nguyên đán 2023, huyện Tuyên Hóa tổ chức giải kéo co nữ và dạ tiệc văn nghệ có chủ đề “Mừng Đảng, Mừng xuân”. Qua đó tạo không khí vui tươi, khích lệ tinh thần rèn luyện thể dục-thể thao của người dân các địa phương.
 
Là vùng đất có nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian ra đời phát triển, TX. Ba Đồn luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại. Một trong những sự kiện thể thao lớn của huyện là hội vật truyền thống “Mừng Đảng, Mừng Xuân” diễn ra vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
 
Có nguồn gốc từ xa xưa, cứ đến ngày 10 tháng Giêng (âm lịch), người dân Ba Đồn lại nô nức đi xem hội vật. Đây được xem là nét đẹp văn hóa ngày xuân, biểu dương sức mạnh của vùng đất có truyền thống văn vật từ hàng trăm năm qua.
 
Ông Trần Dương Sơn, Giám đốc Trung tâm VHTT và Truyền thông TX. Ba Đồn cho biết: Đến hẹn lại lên, Xuân Quý Mão 2023, thị xã tổ chức hội vật truyền thống với quy mô lớn, thu hút nhiều vận động viên tham gia nhất từ trước đến nay. Hầu hết các xã, phường đều thành lập các đoàn để tham gia tranh tài, nổi bật nhất là những địa phương có thế mạnh như các phường, xã: Quảng Long, Quảng Thuận, Quảng Phúc, Quảng Hòa…
 
Các đô vật tham gia tranh tài ở những  hạng cân từ 40-75kg. Để có kết quả thi đấu tốt, trước tết, các  địa phương đã tuyển chọn đô vật giỏi tập hợp thành đoàn, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tham gia ngày hội. Hội vật diễn ra vào ngày 31/1/2023 (tức mồng 10 tháng Giêng), tại sới vật được đầu tư quy mô, đạt các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thi đấu tại tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long (TX. Ba Đồn).
 
Ngoài hội vật, trong dịp tết, nhiều hoạt động VHTT sôi nổi cũng diễn ra trên địa bàn thị xã, như: Lễ hội cướp cù phường Quảng Long; Lễ hội đình làng các địa phương: Quảng Hòa, Quảng Phong, Phan Long, La Hà… và các hoạt động văn nghệ, thể thao “Mừng Đảng-Mừng Xuân”.
Hội Bài chòi, thú vui ngày tết của người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh
Hội Bài chòi, thú vui ngày tết của người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
TP. Đồng Hới là nơi diễn ra rất nhiều các hoạt động VHTT, du lịch trong các dịp đón Tết. Ngoài các điểm “check in” được trang trí đẹp mắt, rực rỡ sắc xuân, như: Quảng trường Hồ Chí Minh, quảng trường biển Bảo Ninh… thu hút nhiều người đến tham quan, chụp ảnh, người dân và du khách còn có 2 điểm đến lý tưởng là Thư viện và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
 
Để phục vụ xuyên Tết, thư viện và bảo tàng đã có sự chuẩn bị chu đáo, bố trí phong phú các loại sách, báo, tư liệu, hiện vật trong không gian thoáng, đẹp tạo sức hút đối với người xem. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác được diễn ra ở các địa phương, như: Lễ hội cướp cù, hội bài chòi, thi kéo co, đẩy gậy, cờ tướng… tạo cho người dân những điểm du xuân, đón Tết, vui tươi, lành mạnh và ý nghĩa. 
 
Lệ Thủy là địa phương mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống với các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian tồn tại phát triển… Hàng năm, huyện luôn tổ chức tốt nhiều hoạt động VHTT, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, ấn tượng nhất là lễ hội di tích lịch sử chùa Hoàng Phúc.
 
Anh Dương Văn Bình, Trưởng Phòng VHTT huyện Lệ Thủy chia sẻ: Năm nay, có hai sự kiện lớn được huyện chú trọng tổ chức là Lễ hội di tích lịch sử Chùa Hoàng Phúc và chương trình “Khám phá Tour du lịch sông Kiến Giang và thả cá đầu xuân”. Lễ hội chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy diễn ra từ ngày 20/1 đến 3/2/2023 (29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến 15 tháng Giêng Quý Mão 2023). Trong chương trình lễ hội, phật tử và người dân được tham gia các lễ, như: Thuyết pháp, quy y, phóng sinh, cầu quốc thái dân an, khai ấn, lấy nước, tắm tượng…
 
Ngoài ra, người dân, du khách còn được hòa mình vào hội bài chòi, thưởng thức chương trình văn nghệ độc đáo, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương, xem biểu diễn võ thuật, múa rối nước, thi cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, chơi đánh đu và các trò chơi dân gian đặc trưng. 
Đẩy gậy môn thể thao truyền thống được nhiều địa phương tổ chức trong dịp Tết cổ truyền
Đẩy gậy môn thể thao truyền thống được nhiều địa phương tổ chức trong dịp Tết cổ truyền.
Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên huyện Lệ Thủy tổ chức chương trình “Khám phá Tour du lịch sông Kiến Giang và thả cá đầu xuân” nhằm phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây cũng là hoạt động góp phần phát triển du lịch trên sông Kiến Giang, kết nối đa dạng hóa các loại hình đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa Lệ Thủy, như: Du lịch tâm linh, khám phá trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên với các điểm đến, gồm: Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, suối Bang, hang Chà Lòi, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Hoằng Phúc…
 
Hoạt động này hứa hẹn mở ra điểm du lịch độc đáo mang đặc trưng thiên nhiên trên sông nước Lệ Thủy. Để triển khai hiệu quả, huyện đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên sông; bảo đảm các hoạt động diễn ra trang nghiêm, chu đáo, văn minh, an toàn, tiết kiệm. Chương trình thả cá đầu xuân diễn ra tại bến nước Đền Vực-An Sinh, xã Trường Thủy nơi thượng nguồn sông Kiến Giang. Huyện ưu tiên lựa chọn các loại thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế, thân thiện với môi trường để thả. Số lượng cá giống dự kiến được thả khoảng 10.000-12.000 con bao gồm các loại cá chép, cá trắm, cá mè, cá thát lát…
 
Mỗi vùng quê, một sắc màu riêng đều có những hoạt động VHTT sôi nổi, tạo điểm đến vui tươi cho người dân, khách du lịch trong dịp đón xuân mới. Và chính việc tôn vinh những giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền dân tộc không chỉ bồi đắp thêm những tri thức, kinh nghiệm dân gian, phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống văn hóa, lịch sử cho người dân Việt mà còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè và du khách quốc tế.
Nh. V

tin liên quan

Quảng Bình

(QBĐT) - Quảng Bình có con đường
in dấu chân của những người chưa quen biết
vừa thân
vừa thiết

Hương xuân

(QBĐT) - Bỗng thấy lòng mình như mới
Mùa xưa vừa khuất bên trời(QBĐT) - Nắng xuân vương cánh mai vàng
Đợi cơn gió ấm tỏa làn hương xuân

Trở về tìm bình yên…

(QBĐT) - Ký ức về những ngày đông giáp Tết… rét căm căm, mạ vẫn miệt mài trên cánh đồng vụ đông-xuân. Cả đời lam lũ gánh gồng "một nắng hai sương" nuôi chúng tôi lớn lên bằng cánh đồng hai vụ.