Thương một giọng thơ, thương một cuộc đời

  • 07:58 | Thứ Bảy, 05/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh năm 1979 tại thôn Đông Phúc, xã Quảng Trường (cũ), nay là xã Liên Trường (Quảng Trạch), mười chín tuổi, Mai Tư Khoa vào làm ở nhà máy xi măng tại quê hương. Một tai nạn không may xảy đến làm anh gãy hai đốt sống. Bệnh lý khiến Khoa liệt một phần hai cơ thể; mất sức khỏe vĩnh viễn 91%. Sống trong buồn chán và chịu đựng, Khoa dùng hết thời gian cho việc nghe đài, xem tivi, đọc sách báo, học sử dụng máy tính và làm thơ.
 
Năm 2017, Mai Tư Khoa cùng bốn tác giả khuyết tật trong cả nước, đã in chung tập “Những vầng trăng khuyết”-Nhà xuất bản Văn học, gồm 76 bài thơ nhiều thể loại (mỗi tác giả 19 bài). Khi tứ thơ ngày càng nảy nở, năm 2018, anh xuất bản ấn phẩm mới cho riêng mình. Tập thơ “Giọt mơ tình”-Nhà xuất bản Văn học, với bút danh là Khoa Anh. Có thể nói, đây là tập thơ đầu tay nhưng cũng là tập cuối cùng của anh… Vì chúng ta không bao giờ mong đợi được ở Khoa một đứa con tinh thần tiếp theo nữa. Anh đã từ biệt mẹ cha, gia đình, quê hương một nắng hai sương, từ biệt tất cả chúng ta sau gần 20 năm chống chọi cùng bệnh tật.
 
Cũng như những cây bút có cùng hoàn cảnh, Khoa làm thơ trước là để giải tỏa tâm trạng ẩn ức của mình. Song điều lớn lao hơn, anh còn thể hiện sự cố gắng, ý chí vươn lên, khẳng định mình trong cuộc sống và thơ ca. Chính anh đã thổ lộ, làm thơ cho cuộc đời này: Con tằm muôn kiếp nhả tơ/Còn tôi ghép chữ làm thơ dâng đời/Trăm ngàn tâm sự đầy vơi/Cõng nhau tìm đến trong lời thơ tôi (Đời thơ).
 
Trong tâm thế của một người khuyết tật, anh trở trăn ao ước một thế giới đẹp tựa tâm hồn: Tôi nhắm mắt và mơ về thế giới/Nơi con người họ sống để yêu nhau/Rồi tôi mơ tươi thắm những sắc màu/Không còn nữa những buồn đau cay đắng/Khắp thế gian mọi người đều bình đẳng/Không còn ai phải lo lắng muộn phiền/Tôi mơ về một thế giới thần tiên/Không tranh cướp bởi bạc tiền danh lợi/Mỗi ngày sống là một niềm vui mới/Những con người cùng nhau tới tương lai/Tôi mơ về một thế giới ngày mai/Nhân loại sẽ không còn ai nghèo khó/Và tôi mơ một tình yêu bé nhỏ/Mãi bình yên chẳng sóng gió ùa vào/Xin nguyện cầu thỏa những khát khao/Ai cũng sống trong ngọt ngào hạnh phúc (Thế giới trong mơ).

 

Trang bìa tập thơ “Giọt mơ tình” của tác giả Khoa Anh.
Trang bìa tập thơ “Giọt mơ tình” của tác giả Khoa Anh.

Từ những khát khao, ước mơ được hạnh phúc như bao người, Khoa mở ra cho mình một không gian riêng, một khung trời riêng. Bên trong người thơ ấy, luôn hình thành những giấc mộng thanh tân, những nỗi nhớ nhung: Trắng đêm thả nhớ lên trời/Gom mây đem dệt thành lời thương yêu/Gió vờn nghiêng mảnh trăng xiêu/Tôi đang khát nhớ những điều em trao/Môi hôn say đắm ngọt ngào/Lời tình âu yếm rót vào tim hoang (Mộng tình chơi vơi).

Và trong bài “Giọt mơ tình”, bài thơ được anh dùng để đặt tựa đề cho tập thơ đã nói lên rất rõ điều đó: Đêm trăng uống giọt mơ tình/Với em hai đứa chúng mình cùng say/Được bên em trọn đời này/Cho đêm huyền diệu cho ngày mộng mơ/Chiếu nằm được dệt bằng thơ/Hương yêu tràn ướt đôi bờ môi hôn.

Có thể nói rằng, đây là tập thơ tình có dung lượng khá. Ngoài hai chủ thể trữ tình là “anh”“em”, tình yêu thương còn được anh hướng đến là “nắng”, là “gió”, là “ngọn tre”, là “con chim chiền chiện”… Tôi thương giọt nắng cuối hè/buồn rơi vướng ở ngọn tre đầu làng/Lao xao từng ngọn gió lay/Con chim chiền chiện vụt bay cuối trời. Và rồi, chính anh cũng không dối được lòng mình, khi những giọt nắng cuối hè đang dần chuyển bước vào thu, một ước mơ bỗng trào lên trong anh mới bình dị làm sao: Gom từng giọt nắng làm hoa/Gói trong thương nhớ tặng quà cho em (Giọt nắng cuối hè).

Tình yêu thiên nhiên, tình yêu sinh thái và tình yêu lứa đôi được anh gom lại trong một bài thơ, khiến người đọc nhận rõ ở anh một thiên hướng sáng tạo. Đó là sự đan quyện một cách khéo léo giữa tâm hồn và cảnh sắc, giữa nội tâm và ngoại tại, giữa thực và ảo, giữa mơ mộng và đam mê… Và đây nữa, từ “giọt nắng cuối hè”, “ngọn gió lay”, “con chim chiền chiện”, Khoa đã chuyển qua một cung bậc khác: Gửi mây theo gió lên ngàn/Mang sang dịu ngọt trên làn môi non/Dìu nhau lên tới chon von/Lắng nghe khúc hát vẫn còn thanh tân (Nhớ yêu).
 
Xuyên suốt “Giọt mơ tình” ta sẽ gặp không ít những chùm thi ảnh mới, đẹp, lạ, thậm chí khá bất ngờ: Đưa tay vuốt dọc màn đêm/Tình cờ chạm phải môi mềm ai trao (Môi chờ). Dù hoàn cảnh nào, Khoa luôn tìm tòi nhiều tứ thơ mới, thi ảnh đẹp, thi ngôn dung dị nhưng giàu chi tiết thực và gợi. Đáng kể là những bài thơ viết về trăng, như: “Chị Hằng ngủ mơ”, “Đợi trăng”, “Mộng Hàn Mạc Tử”… Viết về mùa xuân như “Khúc tình xuân”, “Đêm xuân”, “Xuân xôn xao”…
 
Đặc biệt, mảng viết về nắng, anh có nhiều bài hơn cả, nổi bật là “Giọt nắng cuối hè”, “Nghịch nắng”, “Tiếc nắng”, “Ngọc nắng”, “Bắt đền nắng”, “Vạt nắng hè”, “Nắng ngã nhào”... Cùng hàng chục thi phẩm được tác giả lồng trong tình yêu núi, sông, biển, trời, hoa lá, cỏ cây, sương gió… và tình yêu lứa đôi thuần túy của con người.
 
Giữa cuộc sống và thơ anh có nhiều đồng cảm khiến người đời xúc động. Đến cùng thơ, khám phá lãnh địa thơ, kết nối sâu hơn với cộng đồng mạng, từ đó, Khoa kêu gọi những tấm lòng từ thiện, cùng chung tay làm điều có ích cho những phận người rủi ro, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em học sinh nghèo có sách bút ngày khai trường, có quà bánh dịp Tết Trung thu... Ta thật xúc động khi nhìn cảnh mẹ anh đẩy chiếc xe lăn chở con trai tật nguyền đi trao quà nhân đạo.
 
Nhiều năm qua, Khoa đã làm như vậy, bởi đó là điều anh ao ước và mãn nguyện: Liệu cuộc đời có hạnh phúc cho ta/Sao ta vẫn luôn thiết tha hy vọng/Gắng vươn lên để thấy mình đang sống/Không ẩn mình trong cái bóng cô đơn/Luôn dặn mình không buồn chán thở than/Dẫu biết chắc nhiều gian nan trắc trở/Mỗi sớm mai nhắc mình luôn phải nhớ/Quyết vượt lên không than thở điều gì/Khó khăn mình đâu có lớn lao chi/Cuộc sống kia thiếu gì người đau khổ/Nhưng người ta hàng ngày luôn phải cố/Trưởng thành từ gian khổ mà lên/Mỗi sớm mai tôi vẫn tự thầm thì/Hãy cố lên đừng sợ gì tôi nhé/sống làm sao đừng phí hoài tuổi trẻ/Quyết tâm tìm hạnh phúc sẽ về ta (Hạnh phúc có không).
 
Là người trẻ, cuộc đời gặp chuyện không may, 20 năm sống trong bi quan, buồn khổ, Khoa đã coi câu thơ của nhà thơ Phùng Quán “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” là cứu cánh. Càng dấn sâu hơn vào địa hạt thơ ca, anh càng coi thơ như chiếc nạng vững, giúp anh có được nhận thức đầy đủ hơn về nhân sinh, về thân phận; cố tình quẫy đạp để vượt qua sự trì níu của thân phận, tìm đến không gian bao la của tình đời, tình người…
 
Vịn câu thơ, Khoa như tìm thấy niềm tin vào cuộc sống, khiến anh muốn vứt hết tất cả não phiền, tìm lại và chia sẻ sự hồn nhiên, yêu thương khắp cõi đời này: Kiếp này như cuộc dạo chơi/Còn gieo chi nữa những lời dối gian/Dẫu rằng buồn cứ miên man/Nhưng còn đầy ắp trăm ngàn niềm vui/Ôm chi quá khứ ngậm ngùi/Mà quên đi những ngọt bùi tương lai/Hãy tìm ánh sáng ngày mai/Cùng nhau chia sẻ chuỗi dài yêu thương/Tôi xin vứt hết não phiền/Tìm mua lại những hồn nhiên cho mình (Vứt hết não phiền).
 
Thường khi tìm thấy cho mình lẽ sống, quyết tâm buông bỏ não phiền, tức là người ta đã tìm thấy cho mình một khung trời xuân, hy vọng và tin yêu. Mùa xuân của Khoa cũng đang về, dịu ngọt, xôn xao, tựa ai đó rót vào tim anh những lời yêu thương: Xuân về ngọt dịu xôn xao/Thoảng như ai đó rót vào lời yêu/Tiếng chim rộn cả trời chiều/Bao nhiêu làn gió bấy nhiêu men tình (Xuân xôn xao)…
 
Thương cuộc đời anh, thương giọng thơ anh, một giọng thơ đang đến dần độ chín, đa giọng điệu và cung bậc cảm xúc.
   Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Bế mạc, trao giải liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh năm 2022

(QBĐT) - Tối 30/10, tại Trung tâm Văn hoá-Điện ảnh tỉnh, Ban Tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh lần thứ VI năm 2022 đã tổ chức lễ trao giải và công diễn các tiết mục đặc sắc.

Sáng tác và chủ động công bố tác phẩm

(QBĐT) - Những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động được bảo trợ tổ chức của Nhà nước và hàng chục cuộc vận động, cuộc thi sáng tác của các ban, ngành trong cả nước, đã xuất hiện những cuộc "gặp gỡ" của các nhóm nghệ sĩ cùng mong muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.

Khai mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI

(QBĐT) - Tối 29/10, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, năm 2022 với chủ đề "Khúc hát quê hương" chính thức khai mạc.