Sáng tác và chủ động công bố tác phẩm

  • 08:08 | Chủ Nhật, 30/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, mỹ thuật đương đại Việt Nam khá nhộn nhịp với nhiều triển lãm, trưng bày, công bố tác phẩm với sự chuyên nghiệp ngày càng cao. Bên cạnh những hoạt động được bảo trợ tổ chức của Nhà nước và hàng chục cuộc vận động, cuộc thi sáng tác của các ban, ngành trong cả nước, đã xuất hiện những cuộc “gặp gỡ” của các nhóm nghệ sĩ cùng mong muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Cùng với đó là sự ra đời nhiều đơn vị tổ chức nghệ thuật chuyên nghiệp, như: Sàn giao dịch nghệ thuật, studio, gallery, home art… để hỗ trợ các nghệ sĩ.            
               
“Đó là xu thế phát triển tất yếu của đời sống mỹ thuật hiện nay”, bởi thế giới phẳng của sự phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là sự kết nối hiệu quả của các diễn đàn online, các nền tảng mạng xã hội. Nghệ sĩ có nhiều điều kiện tiếp cận, kết nối và giao lưu trong hoạt động nghệ thuật.
 
Các nghệ sĩ đang sinh sống và làm việc ở các thành phố phát triển, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã chủ động trong tìm kiếm và tạo cơ hội công bố các tác phẩm của mình thông qua triển lãm, trưng bày nhóm, cá nhân... do các nghệ sĩ tự kết nối, hoặc các studio, gallery, sàn nghệ thuật bảo trợ. Việc làm này đã tạo nên đời sống mỹ thuật thực sự sôi động ở các trung tâm. Cũng từ đây nghệ sĩ và tác phẩm của họ có thể tiếp cận các nhà sưu tập nghệ thuật trong nước và quốc tế. Họ ngày càng tự tin sống được với nghề và yên tâm sáng tác.
 
Ở một số thành phố có đời sống mỹ thuật ít phát triển hơn, các nghệ sĩ cũng đã liên kết lập thành nhóm, cùng sáng tác và tổ chức triển lãm tác phẩm ở các trung tâm, thậm chí ở nước ngoài. Miền Trung và TP. Huế nói riêng, có khá nhiều nhóm thực hiện và họ đã bước đầu thành công. Nhóm “Gió Lào” tập hợp nhiều họa sĩ trẻ quê ở miền Trung, như: Nguyễn An (Hà Tĩnh), Vũ Duy Tâm (Nghệ An), Hoàng Trang, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Đình Hoàng Việt (TP. Huế), Trần Ngọc Bảy (Quảng Bình), Trần Thế Vĩnh (Quảng Trị)… Họ đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm mang tên “Gió Lào” ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và tạo được những thành công đáng trân trọng.
 
Hai vợ chồng họa sĩ Đức Huy và Thu An (quê Quảng Bình, hiện nay sinh sống và sáng tác ở TP. Huế) đã tổ chức các triển lãm nhóm như “Men đàn bà” (Hà Nội), “An&Huy” (TP. Hồ Chí Minh) do các đơn vị tổ chức nghệ thuật bảo trợ. Hay các nhóm “Huế Ta”, “Trực họa”, “Arting fair” của các họa sĩ Huế, Quảng Bình, Quảng Trị … Đặc điểm chung của các nghệ sĩ khi tham gia vào nhóm để hoạt động nghệ thuật là đều sáng tác nghiêm túc, chuyên nghiệp với khát vọng mang sáng tạo của mình đến gần hơn với công chúng. Sáng tác và công bố tác phẩm như một nhu cầu tự thân không thể thiếu đối với mỗi người sáng tác chuyên nghiệp.  
e
Trâu và sen. Tranh: ĐẶNG MINH QUÝ (tác phẩm tham gia triển lãm khu vực Bắc miền Trung năm 2020).

Ở Quảng Bình, hiện nay, các họa sĩ, nhà điêu khắc còn nhiều khó khăn khi sáng tác và hoạt động mỹ thuật. Đặc biệt là triển lãm công bố tác phẩm trong điều kiện tỉnh nhà chưa có được những không gian phù hợp để tổ chức trưng bày triển lãm nhóm, cá nhân. Trước thực tế đó, một số họa sĩ cũng đã có cố gắng, như: Họa sĩ Văn Đắc với 2 triển lãm cá nhân (năm 2013 và 2021)…

Tuy nhiên, các triển lãm đó chỉ dừng lại ở mức trưng bày tác phẩm cho đồng nghiệp và bạn bè thưởng lãm như một cuộc gặp gỡ, giao lưu là chính. Bởi hiện nay ở những địa phương như Quảng Bình chưa có công chúng mỹ thuật và càng khó để có nhà sưu tập tác phẩm. Nghệ sĩ sáng tác tham gia các triển lãm do Nhà nước tổ chức là chủ yếu, nguồn thu từ bán tác phẩm để tái đầu tư trong sáng tạo và cải thiện đời sống hoàn toàn rất yếu. Điều này dẫn đến thực tế là các nghệ sĩ sáng tác theo mùa vụ, sự kiện như trách nhiệm…
 
Trong thực tế, cũng có số ít nghệ sĩ đã vượt lên khó khăn để chủ động trong việc tham gia vào đời sống mỹ thuật của cả nước như nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tham gia nhiều trại điêu khắc quốc tế ở các thành phố lớn của Việt Nam, như: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế… với các tác phẩm tượng công viên đã tạo nên tên tuổi của anh trong giới mỹ thuật hiện nay. Anh vẫn tiếp tục tham gia gửi phác thảo đến các trại điêu khắc trong nước và quốc tế, đó là một hướng đi vững chắc trên con đường hoạt động nghệ thuật trong điều kiện hiện nay.
 
Nguyễn Lương Sao đã tham gia triển lãm nhóm “Đao Pháp” (TP. Hà Nội), Biennale Trẻ TP. Hồ Chí Minh, nhóm CLB nghệ sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trương Trần Đình Thắng, Nguyễn Xuân Thành, Lê Thuận Long… cũng tích cực tham gia một số triển lãm do chính quyền các cấp tổ chức. Một số họa sĩ cũng tham gia giao lưu và bán tác phẩm trên các diễn đàn nghệ thuật và sàn giao dịch trực tuyến; tích cực gửi đăng tải trên các tạp chí văn học nghệ thuật, báo chí…
 
Tuy chưa nhiều, nhưng các họa sĩ, nhà điêu khắc Quảng Bình cũng ý thức được sự vận động, liên kết chặt chẽ giữa mỹ thuật và xã hội, từ đó, tích cực trong hoạt động nghệ thuật ở khu vực, toàn quốc và quốc tế. Họ đã mang cá tính sáng tạo cá nhân gắn với một vùng đất nhiều nắng gió nhưng chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Đó là những tín hiệu vui và cần phát huy trong không gian đa chiều của đời sống mỹ thuật ngày nay.
 
Nguyên Sa

tin liên quan

Ta trở về chiều

(QBĐT) - Đôi lúc ta trở về chiều
Nghe thu lành lạnh nói điều mơ tan.
Nghe mùa rảo bước nhẹ nhàng
Nghe tiếng lá rụng
Thu vàng mê say...

"Lối đi" hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

(QBĐT) - Trong dòng chảy lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của Quảng Bình rất phong phú và đa dạng, trong đó có 5 lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội chính là đẩy mạnh công tác xã hội hóa. 

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Sau cơn mưa sắc màu ở TP. Đồng Hới đẹp lung linh và huyền ảo. Tượng đài Mẹ Suốt, hộ thành hào thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình quan vốn dĩ cổ kính, trầm mặc nay đổi thay như khoác lên mình chiếc áo mới lưu giữ khoảnh khắc khó quên.