Xã hội hóa hoạt động lễ hội:

"Lối đi" hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

  • 08:30 | Thứ Bảy, 29/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong dòng chảy lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của Quảng Bình rất phong phú và đa dạng, trong đó có 5 lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây chính là những nguồn “tài nguyên” để phát triển du lịch, góp phần quảng bá nét đẹp của con người, vùng đất Quảng Bình. Một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội chính là đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH).
 
Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019, là tiềm năng lớn để huyện phát triển mạnh mẽ du lịch. Do đó, những năm qua, công tác XHH hoạt động lễ hội rất được huyện quan tâm triển khai.
 
Năm 2022, ngay trước khi diễn ra lễ hội dịp Quốc khánh 2/9, vào đầu tháng 7, UBND huyện Lệ Thủy và Công ty CP Giáo dục Trí Nhân Tâm đã ký biên bản ghi nhớ hỗ trợ kinh phí để huyện Lệ Thủy tổ chức sự kiện này. Với sự hỗ trợ tích cực từ công ty, mỗi thuyền bơi nam được hỗ trợ 30 triệu đồng, mỗi thuyền đua nữ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ban tổ chức lễ hội được hỗ trợ 200 triệu đồng. Đáng chú ý, thời gian tài trợ kéo dài trong 3 năm.
 
Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết, thời gian qua, huyện rất quan tâm đến công tác XHH hoạt động các lễ hội trên địa bàn, đặc biệt là lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang. Ngay trước khi diễn ra lễ hội, huyện đã gửi thư ngỏ, thư cảm ơn đến các cơ quan, doanh nghiệp kêu gọi nguồn XHH để tổ chức lễ hội thành công.
 
Nhờ đó, lễ hội nhận được sự quan tâm, hỗ trợ vật chất và tinh thần của nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong và ngoài huyện với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng và một số hiện vật phục vụ cho hậu cần khánh tiết. Bên cạnh những hỗ trợ cho ban tổ chức lễ hội, ngay ở cấp xã và từng thôn, nguồn kinh phí cũng được người dân ủng hộ. Có một số xã duy trì nhiều đò bơi, nhưng bà con từng thôn vẫn tích cực ủng hộ, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, đoàn kết.
Huyện Tuyên Hóa đang nỗ lực xã hội hóa để nâng tầm giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh.
Huyện Tuyên Hóa đang nỗ lực xã hội hóa để nâng tầm giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh.
“Thời gian tới, huyện Lệ Thủy tiếp tục nỗ lực phát huy tốt hơn nữa công tác XHH hoạt động lễ hội, không chỉ với lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang mà còn các lễ hội khác trên địa bàn huyện. Đặc biệt, huyện cũng rất mong muốn huy động được nguồn XHH trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của những di sản văn hóa phi vật thể, nhất là hò khoan Lệ Thủy, lồng ghép vào các hoạt động lễ hội để mang lại hiệu quả thiết thực nhất”, ông Dương Văn Bình chia sẻ thêm.
 
Theo ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh, để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ năm 2022 và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, huyện Quảng Ninh đã kịp thời ban hành kế hoạch triển khai, thành lập ban tổ chức lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá…
 
Bên cạnh đó, công tác XHH hoạt động lễ hội rất được huyện quan tâm chú trọng. Huyện vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân, con em quê hương ở mọi miền Tổ quốc và nước ngoài hướng về lễ hội, hỗ trợ kinh phí góp phần tổ chức thành công lễ hội.
 
Qua đó, ban vận động ủng hộ tổ chức lễ hội đã nhận được hơn 2 tỷ đồng. Một số công ty, doanh nghiệp ủng hộ số tiền lớn từ 100-300 triệu đồng. Các xã, thị trấn huy động được trên 5 tỷ đồng (cao hơn năm 2019 là 2,2 tỷ đồng). Một số xã, thị trấn huy động nguồn tài trợ khá cao, như: Hải Ninh, Vĩnh Ninh, Quán Hàu, Hiền Ninh, Lương Ninh…
 
Đáng chú ý, kinh phí vận động tài trợ đã được tiếp nhận, cập nhật công khai trên trang thông tin của huyện, trên trang facebook kịp thời, đầy đủ, chính xác. Những lễ hội tiếp theo, huyện Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác XHH hoạt động lễ hội, thể dục thể thao, vận động các nhà tài trợ để tổ chức phần lễ và hội phong phú, đa dạng hơn.
 
Còn đối với huyện miền núi Tuyên Hóa, công tác XHH hoạt động lễ hội gặp nhiều khó khăn hơn. Ông Trần Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tuyên Hóa chia sẻ, huyện hiện đang bảo tồn và phát huy lễ hội rằm tháng giêng ở đình làng Cao Trạch, xã Phong Hóa và giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh, trong đó, huyện đang nỗ lực để xây dựng giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh được công nhận lễ hội cấp tỉnh.
 
Nếu lễ hội rằm tháng giêng chủ yếu có quy mô nhỏ, thu hút nguồn XHH chưa cao, thì giải đua thuyền truyền thống trên sông Gianh được quan tâm nhiều hơn. Năm 2022, giải có 9 xã tham gia với hơn 300 vận động viên và thu hút được một số doanh nghiệp, nhà tài trợ cùng sự đóng góp của bà con gần xa. Tuy nhiên, nguồn lực XHH vẫn còn hạn chế do trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, đời sống bà con tại một số địa phương còn khó khăn.
 
Thực tế cho thấy, không phải lễ hội nào cũng thành công trong việc XHH, kêu gọi nguồn hỗ trợ. Vẫn còn đó những lễ hội gặp nhiều khó khăn về kinh phí tổ chức, sự tham gia của người dân còn rất hạn chế. Ngoài ra, việc kết hợp giữa phát triển du lịch và hoạt động lễ hội chưa khai thác hết hiệu quả, khâu tuyên truyền, quảng bá lễ hội còn giới hạn quy mô nhỏ, chưa đủ sức lan tỏa.
 
Trong khi đó, XHH là để người dân được tham gia vào tổ chức các hoạt động lễ hội, đưa lễ hội trở về giá trị ban đầu, lễ hội được sống trong cộng đồng phục vụ cho chính lợi ích của người dân. Bên cạnh việc tạo được nguồn kinh phí, XHH còn là cách thức hiệu quả để phát huy sức dân và thu hút sự tham gia tự nguyện của người dân, góp phần phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập quán, phong tục tốt đẹp.
 
Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao cho biết, các lễ hội trên địa bàn tỉnh hiện đều đang được triển khai chủ yếu theo hình thức XHH, trong đó, 5 lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia còn nhận được sự quan tâm lớn của cấp tỉnh, địa phương và một số đơn vị, doanh nghiệp… Thực tế cho thấy, XHH hoạt động lễ hội phụ thuộc vào hai yếu tố chính, đó là quy mô, tính chất của lễ hội và sự phát triển kinh tế của địa phương.
 
Do đó, có những lễ hội nhận được nguồn quan tâm, XHH lớn, nhưng cũng có lễ hội do quy mô nhỏ, mang tính chất cấp thôn, xã, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên nguồn lực XHH khó dồi dào. Thực hiện chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động văn hóa-thể thao, Sở Văn hóa-Thể thao đã và đang tạo mọi điều kiện để thúc đẩy XHH hoạt động lễ hội, tăng cường kết hợp với phát triển du lịch địa phương.
Mai Nhân

tin liên quan

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Sau cơn mưa sắc màu ở TP. Đồng Hới đẹp lung linh và huyền ảo. Tượng đài Mẹ Suốt, hộ thành hào thành cổ Đồng Hới, Quảng Bình quan vốn dĩ cổ kính, trầm mặc nay đổi thay như khoác lên mình chiếc áo mới lưu giữ khoảnh khắc khó quên.

Thơ chọn-Lời bình: Mặt trời

(QBĐT) - Hoàng Hiếu Nhân (1959-2014) quê ở Quảng Bình. Anh làm thơ lúc 8 tuổi và chỉ hoạt động tầm 10 năm, nhưng đủ để anh khẳng định tiếng thơ của mình bên cạnh các cây bút như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ...

Phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 28/10, tại trụ sở Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã diễn ra hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò của báo chí, xuất bản trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng". Đây là hội thảo do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.