Khăn đam duyên mộc sơn cước

  • 07:15 | Thứ Ba, 15/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống tại các xã miền núi, rẻo cao thuộc các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Thuở xa xưa, trang phục nam giới của người Bru-Vân Kiều là ở trần, đóng khố, để tóc dài; còn nữ giới mặc áo xẻ ngực, hai hàng cúc áo và hai bên nẹp áo được đính chỉnh chu hai dãy đồng bạc Đông Dương. Váy nữ thường có màu đen, được trang trí hoa văn với các mảng lớn theo bố cục dải ngang. Điểm xuyết ấn tượng nhất trong trang phục nữ giới Bru-Vân Kiều chính là hai chiếc khăn đam họ luôn mang trên thân mình, một chiếc quấn nhiều vòng quanh đầu và chiếc còn lại vắt chéo từ vai qua thân mình.
 
Cũng như chiếc khăn “mỏ quạ” của phụ nữ Kinh Bắc, khăn piêu của phụ nữ Thái, khăn vuông của phụ nữ Tày, khăn mat’ra của phụ nữ Chăm…, khăn đam chính là hiện thân cho nét đẹp văn hóa, sự duyên dáng và kín đáo của phụ nữ Bru-Vân Kiều qua bao thế hệ.
 
Đối với phụ nữ Bru-Vân Kiều, khăn đam không đơn thuần là phụ kiện tạo nên điểm nhấn tinh tế cho trang phục áo váy truyền thống, mà đó còn là sự sáng tạo trong tạo hình, thẩm mỹ; là chuẩn mực để đánh giá mức độ khéo léo, cần mẫn và phẩm hạnh của người phụ nữ. Nổi bật hơn hết, khăn đam xưa-nay vẫn luôn hiện hữu trong tục ba lần cưới, trong các nghi lễ vòng đời của tín ngưỡng đa thần, như: Lễ buộc chỉ cổ tay, lễ vào nhà mới, lễ cúng cơm mới, lễ hội lấp lỗ…
 
Khi nghề trồng bông, đay để xe sợi dệt vải còn phổ biến, nhiều gia đình người Bru-Vân Kiều có tới 2-3 khung dệt trong nhà nhằm tự tay dệt vải để may quần áo, đóng khố, chăn màn hay làm khăn đam. Buổi ấy, tất cả các công đoạn đều tiến hành thủ công nên để làm ra một chiếc khăn đam hoàn chỉnh phải tốn rất nhiều thời gian, có thể phải mất đến hàng tháng trời thêu dệt với nguyên liệu chính là sợi bông. Để khăn đam có được đường nét tinh xảo, màu sắc bắt mắt và hoa văn độc đáo là câu chuyện của sự sáng ý, của hiểu biết thiên nhiên và thấu cảm cuộc sống xung quanh…
Khăn đam của phụ nữ Bru-Vân Kiều được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Khăn đam của phụ nữ Bru-Vân Kiều được trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.

Tạo hình trên nền khăn đam có khi thật tối giản với những đường thẳng dọc ngang trật tự, đối xứng nhưng đó chỉ là số ít, người Bru-Vân Kiều thích dệt nên những chiếc khăn đam tinh xảo nhằm tạo nên bản sắc riêng có hơn, điều đó được thể hiện trên hệ thống hoa văn cách điệu. Hoa văn mà nghệ nhân Bru-Vân Kiều thích trang trí nhất vẫn là bông lúa, muông thú, là trập trùng núi đồi, khe suối uốn lượn, cũng có thể là hình dích dắc, hình xương cá, hình răng cưa…

Ngày trước, các bé gái người Bru-Vân Kiều được các bà, các mẹ truyền dạy cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Để dệt hoàn chỉnh khăn đam là cả một quá trình uốn nắn, nhẫn nại; là sự kết hợp của khéo tay, chăm chỉ và tích lũy lâu dài. Đến tuổi cập kê, khi đã thuần thục kỹ năng thêu dệt, các cô gái Bru-Vân Kiều sẽ tự tay làm cho mình tấm khăn ưng ý nhất để mang về nhà chồng.

Với bộ áo váy xúng xính, chiếc khăn đam quấn trên đầu, quàng qua vai cô dâu trong ngày cưới là hình ảnh không thể thùy mị, đằm thắm hơn tượng trưng cho sự tháo vát, chuẩn mực của cô con gái đã trưởng thành và hơn hết đó chính là sợi dây tình cảm gắn kết tình yêu đôi lứa. 

Khăn đam được trưng diện đa phong cách, đa sắc màu hơn trong các lễ hội truyền thống của người Bru-Vân Kiều, điển hình là lễ hội lấp lỗ, lễ hội cổ truyền lớn nhất được đều đặn diễn ra vào ngày 12/7 âm lịch hàng năm với ý niệm cầu mong thần lúa ấp ủ và dưỡng nuôi hạt mầm để có ngày thu hoạch bội thu…     
 
Đến với lễ hội lấp lỗ, nam nữ Bru-Vân Kiều được mặc lên mình những bộ váy áo mới rực rỡ. Náo nức nhất vẫn là phần hội với màn hát đối đáp giao duyên của trai gái Bru-Vân Kiều. Ngoài giai điệu da diết, lời hát tỏ tình tinh tế thì những chiếc khăn đam đậm nét truyền thống mà các cô con gái tuổi đôi mươi đang mang trên mình càng khiến cho các chàng trai xao xuyến hơn. Nếu cảm mến nhau, khăn đam sẽ là tín vật mà người con gái có thể trao gửi cho một chàng trai cùng với lời hẹn ước. Mùa lễ hội cũng là lúc thiếu nữ Bru-Vân Kiều được dịp thi thố tay nghề và học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thêu thùa.
 
Khăn đam-nét duyên mộc mạc của miền sơn cước ngày càng được vun đắp và phát huy hơn khi một số lễ hội của đồng bào Bru-Vân Kiều được phục dựng, bảo tồn; trang phục truyền thống ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được sưu tầm đủ bộ, trưng bày và giới thiệu đến khách tham quan và hơn hết là nữ giới Bru-Vân Kiều vẫn luôn trân quý khăn đam như một kỷ vật vô giá, neo giữ hồn cốt dân tộc.
 
Tạ Thị Thu Hà

tin liên quan

Hơn 2.300 nhà báo đăng ký đưa tin về Hội nghị APEC 2022

Số lượng nhà báo nước ngoài đông nhất đến từ Trung Quốc với hơn 200 người, tiếp đó là Nhật Bản (hơn 100 người) và Mỹ (khoảng 50 người).

Tổng duyệt chương trình Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của các AHLS tại hang Tám TNXP

(QBĐT) - Tối nay, 13/11, tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20-Quyết Thắng (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch), UBND tỉnh tổ chức tổng duyệt chương trình Lễ tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của các AHLS tại hang Tám TNXP và đường 20-Quyết Thắng.

Sống trọn với đam mê

(QBĐT) - Như con tằm lặng lẽ ươm tơ, nhạc sĩ Phạm Văn Quyền (SN 1967), công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Quảng Ninh luôn sống trọn vẹn với niềm đam mê âm nhạc.