Cảnh Tiên cổ tự

  • 07:42 | Thứ Ba, 08/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù đã hoang tàn, đổ nát nhưng dấu ấn còn lưu lại trong các thư tịch cổ, văn bia khắc bằng chữ Hán Nôm là minh chứng chùa Cảnh Tiên ở thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh (Quảng Ninh) đã tồn tại trong lịch sử phát triển của Phật giáo Quảng Bình.
 
Mang tinh thần “hộ quốc, an dân”, tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi tầng lớp người dân Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình khởi nghiệp gây dựng xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đều hết sức chăm lo xây dựng Phật giáo nhằm quy tụ, tập hợp sức mạnh đoàn kết, gắn kết cộng đồng dân cư, đồng thời làm chỗ dựa nuôi dưỡng tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng cho tín đồ mộ đạo.
 
Một trong các ngôi chùa ở Quảng Bình được xếp vào hàng đại danh lam cổ tự xưa nay, đó là chùa Cảnh Tiên. Cho dù ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát nhưng dấu ấn lưu lại đậm nét qua các thư tịch cổ cũng như văn bia khắc bằng chữ Hán Nôm, đặc biệt là trong tiềm thức của những người dân sở tại chính là những minh chứng về một di sản văn hóa vô giá của lịch sử Phật giáo Quảng Bình.
 
Cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn diễn ra trong suốt gần nửa thế kỷ (1627-1672) đã gây bao cảnh tang thương trên vùng đất Quảng Bình. Trong đó, ác liệt nhất là trận chiến năm 1648 diễn ra tại chiến địa lũy Trường Dục. Từ khi Trịnh, Nguyễn đánh nhau, chưa có trận nào quân chúa Nguyễn thắng to như trận này.
 
Sau chiến thắng năm 1648, chúa Nguyễn đã giao Thuận Nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến (1602-1666) lĩnh 3.000 quân đóng đồn tại đạo Lưu Đồn ở ấp Tráng Tiệp, Võ Xá (hay gọi là Dinh Mười) để phòng thủ. Mùa hạ năm Giáp Thìn (1664), Nguyễn Hữu Tiến ốm, xin nghỉ, sau khi tham khảo ý kiến quần thần chúa Nguyễn đã cử Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật làm Chưởng dinh Tiết chế đạo Lưu Đồn.
 
Cuộc chiến Trịnh-Nguyễn đã gây ra bao cảnh tang thương, nhiều người dân ngã xuống trong quá trình xây dựng các chiến lũy, hệ thống kho quân lương, vũ khí và hàng vạn vong linh của cả hai phía vùi thây nơi chiến địa. Vốn sẵn lòng từ bi, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật đã phát tâm dựng chùa Cảnh Tiên nằm dưới chân động cát Đại Trường Sa thuộc ấp Tráng Tiệp (Võ Xá), gần đạo Lưu Đồn.
 
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Chùa Cảnh Tiên ở ấp Tráng Tiệp, huyện Phong Lộc do Khai quốc công thần Nguyễn Hữu Dật dựng lên. Tiên triều ban cho biển ngạch rằng “Sắc tứ Cảnh Tiên tự”. Trải qua biến loạn, chùa đã đổ nát. Năm Minh Mạng thứ tám (1827) ban bạc kho ra trùng tu. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ngự giá Bắc tuần, ban cho 100 quan tiền. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) ban cho 100 lượng bạc để trùng tu”[1]. Đây là nơi siêu linh tịnh độ cho vong linh các quân sĩ, dân chúng tử trận, cũng là nơi quy hướng tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng cho binh lính và dân chúng trong vùng.
Khuôn viên chùa Cảnh Tiên hiện tại.
Khuôn viên chùa Cảnh Tiên hiện tại.

Không chỉ là vị tướng văn võ song toàn có công lao to lớn trong việc đánh bại các cuộc tấn công của quân Trịnh, giúp chúa Nguyễn trấn giữ vùng phên dậu phía Bắc, yên tâm mở cõi về phương Nam, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật còn là người có nếp sống đạo hạnh, sùng Nho, mộ Phật và tấm lòng quảng đại, chăm lo đời sống chúng sinh, công đức vô lượng. Mùa xuân năm Tân Dậu (1681), Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật qua đời, thọ 78 tuổi.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, trong những năm tháng trị vì (1802-1819), vua Gia Long đã quan tâm đến việc truy thưởng, thờ phụng các bậc khai quốc công thần và phục hồi hệ thống các cổ lũy, đình chùa, miếu mạo. Tiếp đó, các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều ban ngân khố để trùng tu, tôn tạo lại chùa. Do được nhiều vị hoàng đế triều Nguyễn quan tâm cấp tiền bạc để trùng tu, tôn tạo nên nhân dân tôn kính gọi chùa Cảnh Tiên là chùa Vua. Điều này cho thấy, chùa Cảnh Tiên có vị trí và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng trong đời sống tín ngưỡng đối với vùng đất Quảng Bình.
 
Trong tư liệu chữ Hán hiện được lưu giữ tại nhà thờ họ Trần ở làng Đức Phổ, Đức Ninh (TP. Đồng Hới) được cho là chép lại văn bia chùa núi Thần Đinh, hành trạng của đại sư Trần Gia Hội và một số sinh hoạt tín ngưỡng của chùa này có liên quan đến chùa Cảnh Tiên. Văn bản thứ nhất, nói về chùa non trên đỉnh Thần Đinh có đoạn: “Gia Long thất niên, đồng huyện Cảnh Tiên tự thiện hội… , tu sơn tự,… canh tự điền nhi tu tạo chi công, nhược sở đãi nhi vị tựu”[2], phỏng dịch: Năm Gia Long thứ 7 (1808), đạo tràng chùa Cảnh Tiên cùng huyện có ước nguyện trùng tu chùa trên núi, cho canh tác ruộng nhà chùa để lấy tiền tôn tạo, song việc không thành.
 
Văn bản thứ hai nói về hành trạng của đại sư Gia Hội có đoạn “Sư pháp danh Tiên Ngộ, tục tính Trần, Phong Lộc chi, Đức Phổ nhân, đồng niên xuất gia Cảnh Tiên tự, ký trưởng thụ giới ư Thiên Mụ, Mật Hoằng Hòa thượng vi đại sư. Minh Mạng lục niên kết thảo am vu Thần Đinh sơn tự cố chỉ”[3], phỏng dịch: Sư pháp danh Tiên Ngộ, họ Trần, người làng Đức Phổ, Phong Lộc, Quảng Bình. Khi còn nhỏ đi tu tại chùa Cảnh Tiên, lớn lên thụ giới với đại sư Mặt Hoàng chùa Thiên Mụ. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), sư lập thảo am trên nền cũ của chùa Thần Đinh.
 
Trải qua biến động của lịch sử, các tư liệu ghi chép về kiến trúc, cảnh quan và các lần trùng tu chùa Cảnh Tiên không còn. Tuy nhiên, qua trao đổi của ông Hoàng Văn Minh (78 tuổi) hiện sống ở thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh có thể hình dung được quy mô, kiến trúc của chùa vào giai đoạn cuối cùng. Ông cho biết: Khuôn viên chùa Cảnh Tiên trước đây khá rộng. Đất chùa mở rộng ra đến Quốc lộ 1 hiện giờ, xung quanh xây thành, có cây gạo mọc sát đường. Chùa quay về hướng Tây, phía núi Thần Đinh, phía trước có hồ sen, khuôn viên chùa được xây bằng đá bao quanh. Kế đến là cổng tam quan, có tấm đá phiến gác ngang, phía trên đắp các họa tiết phong cảnh sơn thủy hữu tình, trông rất đẹp.
 
Chùa có 2 nhà được kết nối theo hình chữ T, trước là nhà dọc, sau là nhà ngang. Hai bên nhà dọc bố trí 2 dãy nhà nhỏ thờ 18 vị La Hán. Tại nhà trước, ở bậc dưới thờ 3 tượng Phật tam thế ngồi trên tòa cửu long, bậc cao là tượng Phật Thích ca mâu ni ngồi trên đài sen. Còn nhà ngang thờ các thổ thần, nhân thần. Nhà làm bằng gỗ, tường xây bằng đá, kết hợp vôi vữa, mái lợp ngói âm dương.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nghi ngờ Việt Minh thường hay hội họp, cất giấu vũ khí ở trong chùa nên địch thường xuyên đến tuần tra, lùng sục. Do lo sợ chùa bị đập phá nên ông Hoàng Nuôi, bố đẻ của ông lúc bấy giờ là Hội trưởng Hội Phật học của chùa đã bí mật cho người giấu các tượng Phật dưới hồ sen. Năm 1947, sau khi chùa bị quân Pháp đốt, vốn là dân mộ đạo, bố ông đã vận động con em, tín đồ quanh vùng xây lại ngôi chùa khác cách chùa Cảnh Tiên khoảng 1km về phía Nam.
 
Đồng thời, bố ông vận động con cháu trong làng khiêng 7 tấm bia, tượng Phật, chuông chùa lên ngôi chùa mới để thờ phụng, sinh hoạt Phật sự. Trải qua chiến tranh, chùa đã đổ nát, rơi vào cảnh hoang tàn, tượng Phật, chuông chùa bị thất lạc, các tấm bia đá bị đập phá. Phát hiện còn sót lại 2 tấm bia, năm 1988, anh trai của ông đã vận động con cháu di chuyển về đặt ở nhà thờ họ Hoàng cho đến giờ.
 
Tấm bia phía bên phải có kích thước cao 106cm, bề ngang rộng 61cm. Nội dung trên bia đã bị bào mòn, không còn chữ gì phản ánh nội dung và thời gian tạo lập, chỉ còn lại dòng chữ trên trán bia “Sắc tứ Cảnh Tiên tự bi”. Tấm bia phía bên trái có kích thước, cao 115,5cm, bề ngang 63,5cm. Mặt trước bia đã bị phong hóa, không còn chữ nào, mặt sau ghi công đức của những tín đồ, phật tử đóng góp tiền trùng tu chùa vào tháng 2 năm Mậu Thân, Tự Đức năm thứ nhất. Tuy nhiên, chữ mặt sau cũng bị phai mờ, nhiều chỗ bị mất hết nét chữ nên rất khó nhận biết.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Cảnh Tiên là nơi cất giấu vũ khí, nơi hội họp bí mật của cán bộ cách mạng để đề ra các chủ trương, kế hoạch nhằm đối phó với kẻ thù xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Bình. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, ngày 29/12/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3829/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử chùa Cảnh Tiên là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
 
Hình thành từ cuối thế kỷ XVII, Cảnh Tiên cổ tự gắn liền với tên tuổi Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, vị tướng văn võ toàn tài. Ngôi chùa chứng kiến bao sự kiện bi tráng, thăng trầm của lịch sử dân tộc và vùng đất Quảng Bình. Bởi vậy, chùa Cảnh Tiên cần được quan tâm phục dựng để xứng đáng với tầm vóc, giá trị văn hóa, lịch sử, sớm trở thành nơi quy tụ tâm linh, nơi sinh hoạt tôn giáo của tín đồ mộ đạo xa gần.
 
Nhật Linh
 
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB Lao động, Hà Nội, 2012, tr.520-521.
[2] Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, Khảo sát một số văn bản Hán Nôm ghi chép về cổ tự Kim Phong ở núi Thần Đinh, Tạp chí Liễu Quán, số 5/2015, tr.79.
[3] Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, Khảo sát một số văn bản Hán Nôm ghi chép về cổ tự Kim Phong ở núi Thần Đinh, Sđd, tr.80.

tin liên quan

Bế mạc, trao giải liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh năm 2022

(QBĐT) - Tối 30/10, tại Trung tâm Văn hoá-Điện ảnh tỉnh, Ban Tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh lần thứ VI năm 2022 đã tổ chức lễ trao giải và công diễn các tiết mục đặc sắc.

Sáng tác và chủ động công bố tác phẩm

(QBĐT) - Những năm gần đây, bên cạnh những hoạt động được bảo trợ tổ chức của Nhà nước và hàng chục cuộc vận động, cuộc thi sáng tác của các ban, ngành trong cả nước, đã xuất hiện những cuộc "gặp gỡ" của các nhóm nghệ sĩ cùng mong muốn giới thiệu tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng.

Khai mạc liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI

(QBĐT) - Tối 29/10, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công-Nông-Binh tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, năm 2022 với chủ đề "Khúc hát quê hương" chính thức khai mạc.