"Đẹp sao năm gái quê ta"

  • 07:41 | Thứ Tư, 19/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quê hương Quảng Bình có những người phụ nữ được tuyên dương Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), đó là: Mẹ Nguyễn Thị Suốt, mẹ Nguyễn Thị Khíu, chị Trần Thị Lý, chị Đinh Thị Thu Hiệp... Các mẹ, các chị trở thành niềm tự hào của nhân dân Quảng Bình nói chung, phụ nữ Quảng Bình nói riêng và là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Lấy cảm hứng từ các nữ anh hùng trên quê hương, nhạc sĩ Quách Mộng Lân sáng tác ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta”: “Đẹp sao năm đóa hoa tươi, ơi người bạn gái quê ta/Đẹp sao năm nữ anh hùng trên mảnh đất Quảng Bình, ngời ngời soi sáng tấm gương trung hậu đảm đang…”.
 
Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Quảng Bình-tiền tuyến lớn của miền Bắc, hậu phương lớn của miền Nam trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của bom đạn giặc Mỹ. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình bước vào trận tuyến đối đầu với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Mỗi người tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động của mình để cống hiến, lao động, sản xuất và chiến đấu. Các nữ anh hùng của Quảng Bình có mặt ở những lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một ý chí, một mục tiêu là chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
 
Mẹ Nguyễn Thị Suốt quê ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) làm nghề lái đò chở khách trên sông Nhật Lệ. Khi chiến tranh lan miền Bắc, trong bốn năm từ 1964-1967, mẹ xung phong tham gia chở bộ đội, thương binh, vận chuyển đạn dược và đưa thông tin liên lạc phục vụ chiến đấu qua sông. Không ai đếm được đã có bao nhiêu chuyến đò của mẹ, chỉ biết rằng suốt những tháng năm chiến tranh ngày nắng cũng như ngày mưa, ban ngày hay đêm tối, mặc cho máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời Đồng Hới, có việc cần là mẹ xuống đò xuất bến.
 
Nếu nhà thơ Tố Hữu kể về mẹ bằng những dòng thơ giản dị: “Một tay, lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/Sợ chi sóng gió tàu bay/Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!" thì trong ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta”, nhạc sĩ Quách Mộng Lân hát rằng: “Nhật Lệ sông sâu in bóng mái chèo mẹ Suốt/Băng qua đạn bom đem tuổi già đánh Mỹ giữ làng quê”. Chỉ với hai dòng ca từ khúc chiết mà giàu hình ảnh, nhạc sĩ đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ chèo đò dưới mưa bom bão đạn của quân thù với tâm thế bình thản trước hiểm nguy. Mẹ anh hùng không chỉ thể hiện bằng hành động mà từ trong tâm thế bình thản ấy.
Tượng
                     Tượng đài Mẹ  Suốt.                          Ảnh: T.H
Cũng giữa những tháng năm chiến đấu oanh liệt của quân dân Đồng Hới, có một nữ dân quân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi tuổi đời vừa mới đôi mươi. Đó là chị Trần Thị Lý. Tham gia du kích xã Phú Hải (TX. Đồng Hới) khi vừa tròn 18, 19 tuổi chị Lý được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Quê hương chị Lý ở cửa ngõ vào thị xã, phía bên kia cầu Dài. Trong chiến tranh mảnh đất bé nhỏ này trở thành điểm oanh kích khốc liệt của máy bay Mỹ. Ngoài nhiệm vụ liên lạc cho Đảng ủy và xã đội, chị Lý tình nguyện làm chiến sĩ phòng không ở trận địa phía Nam cầu Dài và tham gia nhiều hoạt động phục vụ chiến đấu như liên lạc, cứu thương, chuyển đạn.
 
Năm 1965, thị xã chìm trong mưa bom, bão đạn, cầu Dài bắc qua sông Lũy bị đánh sập, mặc cho máy bay Mỹ trút bom đạn xuống mảnh đất thị xã quê hương dày đặc, chị Trần Thị Lý tình nguyện chèo đò chở đồng chí Bí thư Đảng ủy xã vượt sông để chỉ đạo dân quân chiến đấu. Cuộc chiến tranh đã lùi xa nhưng những câu chuyện về tấm gương chiến đấu anh dũng, thông minh của chị Lý vẫn còn được các thế hệ sau nhắc nhớ như là bài học về tình yêu quê hương, đất nước. Kể rằng, trong một trận đánh mặc dù bản thân đang gặp nguy hiểm do bị vùi lấp bởi bom Mỹ nhưng chị vẫn bình tĩnh tìm cách bảo vệ vũ khí. Sau khi thoát khỏi đống đổ nát, chị Trần Thị Lý lại tiếp tục chiến đấu.
 
Hình ảnh chị Trần Thị Lý đã được nhạc sĩ Quách Mộng Lân tái hiện lại trong âm nhạc: “Trên dòng sông Lũy tấm gương chị Lý kiên cường, mười chín tuổi đời mặc bom rơi lấy thân mình che súng/nhẹ lướt con đò chuyển lệnh sang sông”. Mỗi câu hát là một câu chuyện, ngắn gọn nhưng vừa đủ để chúng ta hình dung ra hình ảnh của những người phụ nữ Quảng Bình trong chiến tranh bé nhỏ mà gan dạ, ngỡ yếu đuối nhưng thông minh, nhanh nhẹn và can đảm.
 
Điều đặc biệt là trong các nữ anh hùng mà nhạc sĩ Quách Mộng Lân đưa vào ca khúc của mình, có ba người được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Nhật Lệ: Mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông trên dòng Nhật Lệ, chị Lý chèo đò làm liên lạc trên dòng sông Lũy và mẹ Khíu là nữ đội trưởng Đội thuyền đánh cá Minh Khai, xã Bảo Ninh. Mẹ Khíu là người phụ nữ đầu tiên của xã Bảo Ninh đề nghị được tham gia hợp tác xã (HTX) đánh cá, một tổ chức mà trước nay chỉ có những người đàn ông, trai tráng tham gia.
 
Khi đã vào HTX, mẹ lại tiếp tục đề nghị cho thành lập đội thuyền đánh cá riêng của chị em phụ nữ với điều kiện vẫn bảo đảm nhận mức khoán ngang bằng với các đội thuyền của nam giới. Từ một con thuyền đầu tiên, đội thuyền đánh cá Minh Khai của mẹ Khíu được phát triển lên sáu thuyền. Năm 1965, là thời kỳ đế quốc Mỹ đánh phá Đồng Hới ác liệt nhất nhưng đội thuyền của mẹ vẫn ra khơi vào lộng đều đặn, vẫn đạt sản lượng đánh bắt, thậm chí còn vượt các thuyền của nam giới. Trong một đợt oanh kích của đế quốc Mỹ, thuyền của mẹ Khíu bị gãy cột buồm. Để bảo đảm an toàn, chị em trong đội đề nghị vào bờ nhưng mẹ vẫn quyết tâm lãnh đạo toàn đội thuyền không mất ý chí, bám biển vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
 
Sau này, để giúp chị em yên tâm, mẹ Khíu nảy ra sáng kiến, trên mỗi con thuyền ra khơi đều buộc hai bên mạn một số dây thừng, khi máy bay địch đến bắn phá thì chị em nhảy xuống biển bám vào các dây thừng đó để tránh trú, máy bay địch đi thì lại tiếp tục lên thuyền tung lưới đánh bắt hải sản. Sáng kiến này đã giúp đội thuyền của bà và các đội thuyền khác giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do bom đạn Mỹ gây ra, xã viên toàn HTX đánh cá Bảo Ninh càng an tâm bám biển để sản xuất và chiến đấu. Trong ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta” của nhạc sĩ Quách Mộng Lân có những câu hát “Chị Khíu năm con tung lưới dẫn thuyền vượt sóng/Gian nguy hề chi bám biển ngày ngày cô gái Bảo Ninh”.
 
Về anh hùng Trương Thị Diên, nhạc sĩ Quách Mộng Lân viết “Chắc tay súng thép hai trăm trận đánh oai hùng sông núi còn ghi/Trương Thị Diên nữ anh hùng y tế đã lớn lên rồi cùng dòng sông”. Chị Trương Thị Diên sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Trong chiến tranh, quê hương chị bị bom đạn Mỹ cày xới nhằm cắt đứt con đường huyết mạch, ngăn chặn con đường chi viện lương thực, đạn dược phục vụ chiến đấu từ miền Bắc chuyển vào chiến trường miền Nam. Cũng như biết bao chàng trai cô gái trên mảnh đất Quảng Bình, chị Trương Thị Diên đã tích cực tham gia phục vụ cuộc chiến đấu của quân và dân Thanh Khê. Bên cạnh làm tốt nhiệm vụ chính của một cô giáo dạy vỡ lòng, dạy học và bảo vệ học sinh tránh khỏi bom đạn, tìm mọi cách khắc phục khó khăn thiếu thốn vận động nhân dân cho con em đến trường đầy đủ; đồng thời sửa sang lại phòng học và hầm hào trú ẩn để cô trò dạy, học được an toàn, chị Trương Thị Diên còn là một nữ y tá cứu thương gạn dạ, nhanh nhẹn của xã Thanh Khê.
 
Người nữ anh hùng thứ năm được nhạc sĩ Quách Mộng Quân nhắc đến với tình cảm yêu thương, trân trọng trong ca khúc “Đẹp sao năm gái quê ta” là chị Nguyễn Thị Kim Huế: “Trên khắp nẻo đường quê hương sáng soi tấm gương chị Huế/ôi đẹp sao những chuyến xe về”. Trong chiến tranh, đường 12A bị bom đạn Mỹ cày xới ác liệt. Chị Nguyễn Thị Kim Huế là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, C 759 trực chiến đấu bảo vệ con đường. Với tinh thần quyết tử cho con đường “Máu 759 có thể đổ, nhưng đường 759 không bao giờ bị tắc”, chị Nguyễn Thị Kim Huế luôn là điểm tựa của các chị em cùng đơn vị. Tôi đã được gặp chị Huế, chị Huế cười rất hiền: “Quê hương có chiến tranh thì ai cũng như tui cả. Mỗi người một tay thì đất nước mới hòa bình”. Họ anh hùng từ những điều bình dị!
 
“Năm đoá hoa tươi giương cao cờ Bà Triệu, Bà Trưng. Trên đất Quảng Bình chị em ta nối gót. Ơi những người bạn gái, đẹp sao năm đóa hoa anh hùng…”.
 
Nhạc sĩ Quách Mộng Lân là người hiền lành, ít nói nhưng sâu sắc. Tác phẩm của ông cũng vậy. Trong quá trình sáng tạo, cố nhạc sĩ Quách Mộng Lân luôn luôn tôn trọng hiện thực sinh động và chuyển tải hiện thực vào tác phẩm bằng ca từ giản dị và nét nhạc tinh tế. Nói về các nữ anh hùng nhưng không lên gân, ngợi ca họ nhưng không bằng những ngôn từ sáo rỗng, yêu thương, quý trọng họ nhưng không màu mè. Ông kể về họ như chính bản thân họ, những người phụ nữ Quảng Bình nhỏ nhắn, hiền lành, chăm chỉ và kiệm lời. Hành động xả thân chiến đấu vì quê hương, đất nước của họ ở trên mọi mặt trận đã nói lên tất cả.
 
“Gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn” là vậy! Trầm tĩnh nhưng quyết liệt!
 
Trương Thu Hiền

 

tin liên quan

Giao lưu, gặp mặt nữ văn nghệ sỹ nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

(QBĐT) - Ngày 18/10, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu hội viên nữ nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Ấn tượng trưng bày "Mỗi kỷ vật một câu chuyện"

Những ngày này, đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh, công chúng được tận mắt chiêm ngưỡng gần 200 tài liệu, hiện vật độc đáo thuộc trưng bày chuyên đề "Mỗi kỷ vật một câu chuyện" (sưu tập tặng phẩm Bác Hồ 1945-1969). 

Tổ chức lễ cầu Quốc thái dân an, hòa bình thế giới

Ngày 16/10, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ủy ban Hòa bình Việt Nam phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức "Lễ cầu Quốc thái dân an, hòa bình thế giới" và "Buổi chia sẻ thông tin về hòa bình".