Những gốc chè của cha

  • 14:46 | Thứ Ba, 25/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi không nhớ cha mình đã ghiền nước chè xanh từ bao giờ. Chỉ biết, chừng lên bốn, lên năm gì đó, những cây chè trong vườn của cha đã cao hơn người tôi. Mỗi sáng, trước khi đi cày ruộng, cha mở then để “lão đực” ra ngoài kiếm chút cỏ tươi lót dạ. Mẹ tôi biết sở thích của chồng, lui thui nhóm lửa đun ấm nước sôi. Trở vào, ông tìm chiếc liềm thường dùng để bứt rạ, đi thẳng ra vườn. mấy phút sau cha đã mang vào một bó chè tươi xanh.
 
Cây nhà lá vườn, gương mặt cha đầy mãn nguyện. Hí húi rửa sạch từng nhánh, đoạn ông bẻ nhỏ cho vào cối giã gạo, giã nhẹ, để những gọng chè vừa đủ nát. Công đoạn tiếp theo, ông cho hết vào chiếc bình tích, loại ấm bằng sứ thường dùng để ủ chè ngày trước, đổ đầy nước sôi rồi vê một điếu thuốc lá, ngồi phả khói một cách thỏa mãn. Ước thời gian đủ chín, ông xách bình, rót nước ra chiếc bát sành chẳng mấy tròn trịa và không rõ thương hiệu nào. Những sợi khói từ điếu thuốc trên môi ông và từ bát nước cùng bay lên, quyện vào nhau, đến là vui mắt. Nhâm nhi xong hai bát nước chè đặc quánh, ông bắt đầu vác cày lên vai, tay cầm dây bò, lỉnh kỉnh hành quân ra ruộng.
 
Thuở ấy chưa có hợp tác xã, chỉ mới có các tổ đổi công. Mấy gia đình luân phiên giúp nhau cấy, gặt… cho kịp thời vụ. Ruộng nhà tôi lúc đó tới gần một mẫu, tất cả do mình cha cày bừa, gieo cấy, kỹ thuật chăm bón... như một kỹ sư canh nông. Mẹ chỉ mỗi chăm sóc bọn tôi, tới mùa thì mướn người gặt hái, phơi phóng.
 
Tôi nhớ nhất một câu mà cha thường nói lúc ngồi uống chè cùng bạn bè: “Tui không uống thì thôi, đã uống là phải cặm đụa không bổ” (cắm đũa không ngã). Ý cụ nói, đã uống là bát nước phải đặc như thế, đặc đến mức cắm chiếc đũa vào vẫn không ngã!      
 
Cuộc sống đang yên lành, bỗng đâu giặc Mỹ ào ạt cho máy bay ném bom, đánh phá cầu đường, xóm làng, cơ quan, trường học… gây đau thương, ly tán cho bao gia đình. Nào bom phá, bom bi, bom na-pan, hỏa tiễn... Nguy hiểm hơn, chúng còn dùng cả bom nổ chậm. Cốt để tạo sự chủ quan cho ta, khi các hoạt động trở lại bình thường, quả bom phát nổ sẽ gây thương vong lớn hơn.
 
Chiến tranh xảy ra, mẹ và các em gồng gánh đi sơ tán. Chỉ cha và tôi, lực lượng ưu tiên được bám làng, bám ruộng để sản xuất, trực chiến. Hôm ấy, cha đang cày ở đám ruộng gần nhà, máy bay nhào xuống cắt một lúc hai quả bom đen trùi trũi. Một quả rơi gần chân núi, quả còn lại cắm phập đúng ngay đám ruộng cha cày. Làng tôi cạnh quốc lộ, nhà cửa lúc này đã được tháo dỡ. Ngồi dưới căn hầm vừa để trú ẩn vừa làm nơi ngủ ngáy, hai cha con bít tai chờ nghe tiếng nổ nhưng tuyệt nhiên bốn bề vẫn im ắng. Thì ra chúng đánh bom nổ chậm. Đực bò nhà tôi, may mắn vẫn an toàn, bình thản đứng nhai lại một cách vô tư. 
 
Cha đưa ra quyết định, phải rút ra căn hầm chữ A đào sẵn ngoài đồng. Trước khi rời khỏi đây, cha liều lĩnh chạy vội ra vườn, lần này ông không dám mang theo câu liêm như trước, vì sợ nếu là bom từ trường sẽ hút sắt và phát nổ, trên đã từng phổ biến rồi mà. Tay không nhưng cha cố “bẻ lấy bẻ để” một bó chè xanh mang theo. Ông có thể nhịn cơm nhưng không thể thiếu chè!
 
Chừng ba bốn giờ sau tử thần điểm hỏa. Tôi cảm nhận trước hết, sự chấn động trong lòng đất. Sau đó... oàng... Cột khói đen ngòm phủ lấy vạt ruộng và vườn chè của cha tôi. Lát sau, cha con hớt hải chạy về vườn cũ. Phần lớn các gốc chè bị quả bom xới tung, bưng vứt khắp nơi. Xót mồ hôi nước mắt của mình, cha nhặt nhạnh mang trồng phía trước vườn nhưng chẳng được mấy cây đâm chồi. Hơi bom đã làm tất cả lá chè cháy sém, chỉ còn lại những nhánh cành trơ khấc... Sau chiến tranh, cha quyết tâm khôi phục lại vườn chè. Ông là tổ trưởng phụ lão, được giao khu đất chân đồi để trồng chè xanh. Dịp này, cụ mua thêm hạt giống về ươm và củng cố lại khu vườn. Tôi cũng xa nhà phục vụ xã hội, lúc nghỉ hưu thì cha đã qua đời hơn chục năm. Dù có chu đáo lúc cụ lâm chung nhưng trong thời gian người lâm bệnh, tôi chẳng mấy khi gần gũi để chăm sóc cha, nay thì tất cả đã muộn rồi. Sống xa quê nhưng mỗi lần về thăm, tôi không quên ra ngắm lại những gốc chè, dấu tích xưa lại rơm rớm hiện về…
 
Chừng chục năm lại đây, con cháu ngày thêm sung túc nhưng đất thổ cư ngày càng khan hiếm. Vả lại, thị trường nước lọc, nước suối đóng chai khiến nhiều người quên bẵng bát chè xanh cội nguồn. Các em tôi quy hoạch lại nhà ở, đất vườn hầu như chỉ còn đủ để trồng rau. Vườn chè cũng thế, chịu đựng cắt tỉa, đào bới, hy sinh để phục vụ con người. Tôi chỉ biết nhặt lấy mấy gốc chè đã khô, mang về làm vật kỷ niệm. Mỗi lần nhìn tới, tôi lại hồi tưởng cái cảnh vườn chè của cha tan hoang sau vụ bom nổ chậm.
 
Thế rồi, một người em quen biết, làm nghề bốc thuốc ở xã bên, nghe tôi có gốc chè khô, ngỏ lời xin về chế vào thang thuốc cho bệnh nhân. Tôi không hỏi bệnh gì, chỉ nghe nói thế “tặng” luôn! Thì ra, cho đến lúc trở thành “kỷ vật”, gốc chè của cha vẫn sẵn sàng mang tới sự sống cho đời. Tôi tin là cha cũng đang mỉm cười, ở một nơi nào đó chốn thiên thu…
 
                                                                                                 Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Nét đặc thù văn hóa chợ Quảng Bình

(QBĐT) - Chợ không chỉ nằm trong phạm trù kinh tế mà nó còn biểu hiện văn hóa đặc thù đậm nét của cả một cộng đồng, một địa phương, một đất nước.
 

Áo dài - một bản sắc văn hóa hoàn mỹ

(QBĐT) - Mỗi chúng ta đều có niềm tự hào rằng: Áo dài là trang phục hiện thân cho nét duyên dáng người Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ. 

Người đẹp Quảng Bình đăng quang Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022

(QBĐT) - Tối 22/10, tại TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), người đẹp Quảng Bình Đinh Như Phương đã xuất sắc vượt qua các thí sinh trong Top 36 để đăng quang Hoa hậu Biển đảo Việt Nam 2022.