Áo dài - một bản sắc văn hóa hoàn mỹ
(QBĐT) - Cho đến bây giờ chưa ai khẳng định được chiếc áo dài Việt Nam ra đời từ ngày tháng năm nào cụ thể. Ấy nhưng cũng có những giả thiết đặt ra để mọi người hiểu và xác định được thời gian. Dẫu sao, nay mỗi chúng ta đều có niềm tự hào rằng: Áo dài là trang phục hiện thân cho nét duyên dáng người Việt Nam, nhất là đối với phụ nữ.
Cứ khi ta bắt gặp người phụ nữ mặc áo dài trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, là ta thấy nó ẩn chứa những nét tinh tế, đầy sức truyền cảm, hấp dẫn và quyến rũ. Và, tất nhiên, cũng để biết, tà áo dài ở Việt Nam từ trước xa xưa không dành riêng cho người phụ nữ sử dụng mà khắp cả ba miền, cả nam giới cũng đều mặc chiếc áo dài. Hình ảnh nay lưu lại các sĩ tử khăn đóng đội đầu, áo dài loại vải lương đứng vạt, quần buông lá tọa, chân đeo guốc mộc lũ lượt đến các trường thi vẫn là ấn tượng “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ”. Rồi các thầy lý, thầy khóa, thầy giáo dạy tam tự kinh, hay các lão làng, trai đinh khi ra sân đình lễ hội “Xuân thu nhị kỳ”, họ cũng đều có chung một trang phục như là được ấn định có tính quốc thể.
Hễ như mỗi ai đó, khi vận chiếc áo dài đóng quần hai ống rộng lá tọa vào, thì càng tạo thêm vẻ đứng đắn, trang nghiêm cẩn trọng và lịch lãm. Như vậy đủ biết, từ rất lâu, lâu lắm, chiếc áo dài đã gắn bó với người Việt Nam. Có người đặt ra vấn đề rằng, áo dài Việt Nam ra đời từ thời nhà Nguyễn của triều Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), khi Chúa Nguyễn trị vì mảnh đất Đàng Trong đã có câu sấm truyền “Bát đời thời hoàn trung đô”.
Nghĩa là, tám đời hồi sự nghiệp của các Chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong sẽ trở lại Thăng Long đến Chúa Võ là đời thứ tám để hóa giải câu sấm của Trạng Trình “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, bèn cho “đổi y phục, thay phong tục” hòa trong “công cuộc đổi mới” của xứ Đàng Trong. Trong lịch sử sự hóa giải ấy đến nay còn để lại một bài ca dao truyền qua nhiều đời nhằm nhắc đến một thời kỳ gọi là đổi mới ấy:
“Tháng sáu có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/Không đi thì chợ không đông/Đi thì phải mượn quần chồng sao đang/Có quần ra quán bán hàng/Không quần ra đứng đầu làng trông quan”.
Dấu tích để chúng ta nhận biết trang phục phụ nữ Việt Nam xưa là, tà áo tứ thân “mớ ba mớ bảy” còn giữ lại rất nhiều. Đến năm 1956, các nhà khảo cổ học đã khai quật được ở Thanh Hóa các hiện vật, chứng tỏ thời ấy có “tà áo dài năm thân” nữa, cũng gần gũi với áo dài tân tiến ngày nay. Nghĩa là áo dài ở Việt Nam còn xuất hiện từ trước thời Võ Vương nữa.
Tuy nhiên khi lần lại lịch sử áo dài, thì người ta đã hiểu thêm rằng, chính Chúa Nguyễn đã cho tham khảo áo dài phụ nữ vùng tỉnh Thượng Hải (kiểu áo của nhân vật Phồn Y mặc trong kịch Lôi Vũ) cùng áo dài bít kín của người Chăm để lệnh đến các thợ thiết kế y phục, sáng tạo ra kiểu áo dài của người Đàng Trong, trước nhất là cho phụ nữ, và khẳng định áo dài thời nay đã ra đời từ đó. Tính chí ít ra, cũng đã đến trên 240 năm rồi.
Có một điều cho ta cảm phục những người thợ xưa, là họ đã may những chiếc áo dài hoàn toàn bằng tay (may tay). Đột mũi kim kiên nhẫn ngày này qua ngày khác, hàng ngàn mũi cho từng chiếc áo ra đời. Vậy để hay, từ cách “lộn cổ kiềng” (cổ áo có một viền vải tròn nhỏ hơn đầu đũa nhỏ cặp vào khi mặc cho êm vòng cổ), cách “đơm khuếc” (khuy gài), cách kết hệ thống năm hàng hai dải buộc chéo ngực và kéo thẳng xuống bên hông… đến những đường may dài từ 1,5m đến 2m, mà vẫn tăm tắp chỉnh chu giấu múi đẹp. Điều đó càng thể hiện tính công phu, tính kiên trì, tỉ mẩn, trách nhiệm của công việc người thợ. Dụng cụ may rất đơn giản, chỉ có chiếc kim khâu nhỏ xíu, những sợi chỉ tự xe tay bằng sợi tơ mảnh và một viên sáp ong để mài mũi kim khi đẩy bị rít tay được nhẹ hơn.
Những người thợ may áo dài xưa của làng Quảng Xá quê tôi hàng trăm năm trước vẫn được nhắc tới trong gia phả làng một cách quý trọng. Đó ông Giáo Thiệp, ông thợ Duệ, thầy Liêm, ông thợ Triến, ông thợ Càng, ông thợ Đa, ông thợ Quả… Quảng Xá là làng có một trăm phần trăm nhà phát triển nghề dệt bông vải sớm, nên ai muốn tạo ra chiếc áo dài cho mình mặc cũng rất dễ. Cứ vải dệt rồi đem nhuộm lá bàng mấy nước, rồi nhuộm bùn có màu đen hay nhuộm củ nâu một thời gian sẽ cho vải đen mượt hay nâu bóng trông mê mắt.
Từ xưa quê tôi vẫn phân biệt ba loại áo mặc chính. Áo ngắn gọi là áo khách (có lẽ khách là tiếng lóng chỉ các chú khách người Quảng Đông sang nước ta buôn bán mặc, rồi ta thấy thuận lợi bắt chước theo). Áo khách trước thì buộc dây một bên, sau ta lại sáng tạo ra kết khuy gài ở giữa.
Áo dài khác áo khách là có hai vạt trước và sau lơ lửng vừa cao quá đầu gối mười phân, tên gọi là áo khách lợ (lơ lửng). Và sau nữa là áo dài. Áo dài vạt kéo xuống phủ kín hai bắp chân để khi đi, khi đứng và cơ bản là khi ngồi vái lạy trước bàn thờ tiên tổ đậy kín phần trước, phần sau được lịch lãm. Và dù kiểu áo nào thì ngày trước cũng may kích rộng thùng thình để mặc cho thoáng mát tháo mồ hôi dễ.
Ngày nay, kỹ nghệ may, nhiều khâu được cải tiến, may áo quần bằng máy nên rất nhanh. Các nhà tạo mẫu cũng có nhiều tư duy mới, nên dần dần kiểu áo ngắn loại này có thu hẹp lại như áo cánh phin, áo bà ba… Nhất là chiếc áo dài phụ nữ thì được chú ý thu lại theo kích cỡ từng người thích hợp với các vòng eo, mông, hông, ngực, cổ…
Mặc dù có những lúc này, lúc khác, áo dài có đổi thay đường nét, nhưng rồi có một loại đông đảo phụ nữ ưa chuộng là kiểu áo dài mặc vào kín đáo, có cổ cao, xẻ nách vừa, vạt dài gần chấm gót. Màu sắc áo thì càng phong phú, xanh, đỏ, tím, vàng hay đồng bộ tuyền trắng, tuyền hồng, tuyền đen… tùy màu da, tùy sự ưa thích từng người, để thợ may cho ra thành phẩm.
Bây giờ có kỹ nghệ in hoa nên áo dài phụ nữ càng phong phú kiểu dáng, tạo sức thu hút cao. Điển hình như, chiếc áo dài tím Huế đã trở thành một biểu tượng văn hóa Việt trong thơ ca.
Việc làm đẹp cho người phụ nữ Việt Nam, trước hết là công lao của các nhà thiết kế, kế đến là các họa sĩ công nghiệp tân tiến, họ luôn suy nghĩ, tạo những ý tưởng giàu giá trị nhân văn, trong xu thế hội nhập văn hóa. Nay càng phù hợp với ý nghĩa “Tuần lễ áo dài” hàng năm do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, sẽ làm cho người phụ nữ Việt Nam giữ được vẻ đẹp vĩnh hằng.
Không biết rồi đến một thời gian sau nữa, áo dài còn có đổi khác gì thêm, các thế hệ trẻ hẳn kiên trì chờ đợi. Nhưng hiện nay, chiếc áo dài truyền thống phụ nữ Việt Nam đã luôn tạo nên một bản sắc văn hóa vô cùng hoàn mỹ.
Ghi chép của Văn Tăng
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.