"Quê tôi đó… Bảo Ninh!"

  • 07:19 | Thứ Sáu, 14/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi gặp nhà văn Bảo Ninh tại TP. Đồng Hới nhân dịp ông về dự Đại hội Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027. Khi tôi đặt vấn đề muốn được nghe ông chia sẻ chuyện văn, chuyện về quê hương, bản quán, ông hỏi: “Cô gái quê ở đâu?”. Tôi trả lời: “Thưa chú, cháu sinh ra, lớn lên, lập nghiệp ở Quảng Bình nhưng nguyên quán Thái Bình ạ”. Ông cười hiền và nói: “Vậy là tôi còn Quảng Bình hơn cô đấy nhé! Quê tôi làng Trung Bính, xã Bảo Ninh”.
 
Qua các bài báo viết về ông và một số người quen biết ông, được biết ông là người kiệm lời, nhất là đối với báo chí, nhưng khi trò chuyện với tôi, ông lại rất cởi mở. Có lẽ vì, ông đang ở Quảng Bình, mảnh đất mà ông luôn dành trọn nỗi nhớ, niềm thương.
 
Nhà văn Bảo Ninh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học. Ông là con trai của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, giáo sư Hoàng Tuệ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình ông tản cư ra Nghệ An vì Đồng Hới bị Pháp đánh chiếm và ông được sinh ra ở đó. Năm 1954, gia đình ông chuyển ra Hà Nội sinh sống, lúc đó ông mới lên 2 tuổi. “Vì thế mà tôi nói giọng Bắc”, ông giải thích.

Học hết lớp 10, tròn 17 tuổi, ông tiếp bước cha mình, gia nhập quân đội, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Năm tháng quân ngũ cho ông cái nhìn sâu sắc về cuộc sống để rồi hình thành nên trang viết đầu tay với những câu chuyện thời chiến. Xuất ngũ, ông tiếp tục sự học, theo đuổi nghiệp văn chương và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Bảo Ninh thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà văn Bảo Ninh thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông kể: Trong thời gian quân ngũ, có lần, cùng đồng đội hành quân ghé Quảng Bình để chờ bốc gạo, ông đau lòng khi chứng kiến một Đồng Hới bị bom đạn Mỹ cày xới. Nhìn từ Nhật Lệ sang quê nhà Bảo Ninh mà xót xa vì sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn Mỹ. Ông thở dài: “Đồng Hới của tôi và cô ngày ấy còn gì nữa đâu. Quê tôi đó, Bảo Ninh còn gì nữa đâu. Tôi đã đi nhiều nơi, chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh nhưng đứng trước một Đồng Hới hoang tàn ngày ấy mới thấy chiến tranh nó khủng khiếp không thể tả nổi. Hình ảnh một Đồng Hới xác xơ cứ hiện hữu trong đầu tôi nên khi hòa bình, gắn bó với công việc viết văn tôi tự đặt cho mình bút danh là Bảo Ninh".
 
Dẫu xa quê nhưng nhà văn Bảo Ninh vẫn rất hay về quê, nhất là các dịp việc họ, việc làng. Mỗi lần về quê lại thấy vui hơn khi chứng kiến quê hương ngày càng đổi mới. “Bảo Ninh quê tôi đó, giờ là làng tỷ phú, là địa danh du lịch. Những cây cầu nối liền hai bờ Nhật Lệ làm cho Bảo Ninh đẹp gấp bội lần. Đi khắp phố phường Đồng Hới đâu đâu cũng đẹp. Những người tận mắt chứng kiến một Đồng Hới xưa và nay mới cảm hết sức vươn của vùng đất này”, nhà văn Bảo Ninh trải lòng.
 
Ông bày tỏ quan điểm: "Tôi vẫn nghe đâu đó câu nói rằng, Quảng Bình là một tỉnh nghèo và tôi không đồng tình với câu nói đó. Tôi tâm đắc với chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong tại đại hội rằng: Quảng Bình bây giờ không còn nghèo mà chỉ còn một số vùng khó khăn thôi. Câu ca xưa: “Quảng Bình là đất Ô Châu. Ai đi đến đó quẫy bầu về không” nên chăng sửa lại là: "Ô Châu là đất Quảng Bình. Ai đi đến đó nặng sâu ân tình” bởi họ đến Quảng Bình sẽ mang về tình thương dào dạt của người Quảng Bình thân thiện, hiếu khách và các sản vật nắng gió của vùng đất đầy tiềm năng…
 
Tôi cho rằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong nói rất đúng, người Quảng Bình phải thay đổi tư duy để phát triển hơn nữa. Một Quảng Bình, nhất là Đồng Hới trong chiến tranh hầu như không còn gì mà bây giờ đẹp, hiện đại như thế khẳng định bước phát triển rất đáng nể nên không thể nói là nghèo được. Nói rồi, ông nhìn tôi nhắc nhở: “Cô cũng vậy, đi đâu, đến các hội nghị tầm cỡ đừng nghĩ mình là phóng viên làm báo tỉnh lẻ mà phải luôn nhớ rằng, cô đang làm việc ở một tờ báo Đảng trên vùng đất đã viết nên nhiều kỳ tích trong chiến tranh và trong công cuộc xây dựng đời sống mới”.
 
Nhà văn Bảo Ninh sinh năm 1952, tên thật là Hoàng Ấu Phương, là thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh”, cuốn sách được mệnh danh là “đại sứ” đưa văn học Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Là người gặt hái nhiều thành tích đáng nể trong sự nghiệp văn chương, nhưng nhà văn Bảo Ninh lại rất ít nói về mình. Ngay cả với cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” được rất nhiều giải thưởng lớn, xuất bản ở nhiều nước trên thế giới, ông vẫn cho rằng đó là sự may mắn. Ông nói về các nhà văn, nhà thơ Quảng Bình, như: Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Nguyễn Thế Tường… với một sự cảm phục; nhắc đến cố nhà thơ Hải Kỳ với sự tiếc nhớ… Ông bày tỏ niềm vui khi Quảng Bình có thế hệ kế cận tài năng, nhiệt huyết, nhất là những nhà văn, cây viết nữ. Ông đánh giá cao sự dấn thân của các nhà văn, trong đó có nhà phê bình văn học Hoàng Thụy Anh. Với ông, Hoàng Thụy Anh là một nhân tố điển hình bởi trong cả nước có rất nhiều tiến sĩ văn học nhưng nhà phê bình, nhất là nữ lại rất ít. “Ở độ tuổi này mà làm được như Hoàng Thụy Anh là rất hiếm, phải có sự dấn thân rất lớn”, ông nói.
 
Trao đổi về thực tế hiện nay là thiếu các tác phẩm văn học chất lượng cao mang hơi thở thời đại từ những gương mặt trẻ, nhà văn Bảo Ninh cho rằng: Mỗi khi muốn sáng tác, điều cần nhất là nhà văn phải có cảm hứng. Như ông, nguồn cảm hứng luôn có là mảng đề tài về chiến tranh, bởi tuổi trẻ của ông trải qua ở đó. Thường thì con người ta khi “có tuổi” lại hay nhớ về thời thanh xuân và viết về thời đó.
 
Mảng đề tài về cuộc sống hiện tại mới thực sự đa dạng nhưng một điều dễ nhận thấy là các cây bút trẻ ngày nay chưa tạo được dấu ấn bởi họ thường viết về câu chuyện mang tính cá nhân, là chuyện của “tôi” hay của một ai đó mà chưa mở rộng ra, chưa nhìn nhận sâu sắc trước những vấn đề mang tính thời cuộc, những vấn đề lớn trong xã hội. Chất liệu cuộc sống ngày nay phong phú hơn ngày xưa rất nhiều nhưng điều quan trọng là cảm hứng để viết.
Nhà văn Bảo Ninh cùng lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sĩ Quảng Bình.
Nhà văn Bảo Ninh cùng lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sĩ Quảng Bình.
Thực tế cho thấy, nhà văn, nhà thơ có tác phẩm thành công đa số đều ở một độ tuổi nhất định nên 40 hay 45 tuổi vẫn được gọi là trẻ. Điều đáng mừng là ở Quảng Bình đã có nhiều gương mặt trẻ ấn tượng để kế cận lớp nhà văn đã thành danh, trong khi nhiều địa phương khác lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ cây viết mới.
 
Điều mà nhà văn Bảo Ninh băn khoăn là Quảng Bình đã làm được việc rất ý nghĩa khi tổ chức giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư nhưng việc quảng bá, giới thiệu giải thưởng chưa được chú trọng. Giải chỉ thu hút các văn nghệ sĩ, chưa tạo được sự quan tâm của toàn xã hội…
 
Ở tuổi 70, nhà văn Bảo Ninh hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ông cho rằng mình là người hạnh phúc bởi có một công việc để lúc nào cũng tìm thấy niềm vui, đó là viết. Ông xem việc viết là nhu cầu tự thân, dẫu nhiều khi viết chỉ để đó, viết cho riêng mình.
 
Dẫu chỉ hơn một giờ đồng trò chuyện cùng nhà văn Bảo Ninh bởi phải nhường thời gian để ông gặp gỡ người thân cùng những bạn văn mà ông yêu mến nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở ông sự giản dị, thân thiện. Và tôi nghĩ rằng, sự mộc mạc chân tình ấy vốn là bản chất của người Quảng Bình, dẫu có đi đến đâu, nói bằng chất giọng, ngôn ngữ nào thì vẫn vẹn nguyên cốt cách quê hương, xứ sở.
 
Nh. V

tin liên quan

Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Hang Tám TNXP và Đường 20 Quyết Thắng tổ chức đầu tháng 11

(QBĐT) - Sáng 12/10, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan để thống nhất Kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Hang Tám Thanh niên xung phong (TNXP) và Đường 20 Quyết Thắng nhân dịp tròn 50 năm ngày hy sinh của các liệt sỹ.

Thi vẽ tranh dành cho thiếu nhi với thông điệp "Em yêu Việt Nam"

Xưởng nghệ thuật ART TREE, Trung tâm UNESCO Bảo tồn và Giao lưu Văn hóa quốc tế ICEP - Hà Nội Classy JSC tổ chức cuộc thi mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam "Cảm xúc trong em" mùa 3 năm 2022 với thông điệp "Em yêu Việt Nam" .

Thành lập Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông huyện Bố Trạch

(QBĐT) - Chiều 11/10, UBND huyện Bố Trạch tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa-Thể thao và Truyền thông và các quyết định về công tác cán bộ.