Thơ chọn - Lời bình: Rượu quê
(QBĐT) - Lâng lâng nâng chén rượu quê
Uống mừng gặp gỡ bạn bè, anh em...
Đã từng nếm rượu trăm miền
Vẫn không quên được chất men quê nhà!
Rượu quê không trộn, không pha
Mới đôi ba chén mà ngà ngà say
Chuyện xưa lẫn với chuyện nay
Được thua, khôn dại, rủi may, vui buồn...
Men quê đã ngấm vào hồn
Rưng rưng: còn, mất... chập chờn, hợp, tan...
Mặc đời bao nỗi bi, hoan...
Gặp nhau ta cứ say tràn cung mây!
Khi nào về với cỏ cây
Chỉ xin rưới: một chén đầy... Rượu quê!
Mai Văn Hoan
Lời bình:
Thi sĩ Mai Văn Hoan vốn là một thầy giáo dạy văn và rất mê Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhịp thơ lục bát đã ngấm vào ông như một chất men của “rượu quê” để ông say đắm, để ông lan tỏa, để ông phiêu diêu truyền cảm. Và chính bài thơ lục bát “Rượu quê” của ông đã chưng cất nên một hồn thơ vừa thăng hoa bay bổng, vừa tha thiết ân tình, vừa đắm say tận hiến.
Mở đầu bài thơ “Rượu quê” đã có chút nghiêng ngả biêng liêng của tình bạn: “Lâng lâng nâng chén rượu quê - Uống mừng gặp gỡ bạn bè, anh em”. Một nghi lễ thật trân trọng và cảm khái, một ung dung tự tại với bao khấp khởi lan truyền. Đó là thứ rượu quê lại uống với anh em bạn bè như trở về mạch nguồn, cội nguồn của “chất men quê nhà”.
Cái thật thà, chân tình bộc bạch ở đây thật hồn nhiên: “Rượu quê không trộn, không pha - Mới đôi ba chén mà ngà ngà say”. Hơi rượu, men rượu của tình người, tình quê cứ thế rạo rực, cứ thế sẻ chia, cứ thế đồng cảm chung tình. Cái hay của bài thơ, uống rượu chỉ là một cái cớ, một chất xúc tác để nhà thơ được dịp giãi bày, được dịp bộc bạch những thổn thức, những ngẫm ngợi bấy lâu chất chứa trong lòng bây giờ được rượu khơi nguồn cảm hứng, được rượu lan tỏa tâm tình, được rượu cất cánh thăng hoa.
Đó là: “Chuyện xưa lẫn với chuyện nay - Được thua, khôn dại, rủi may, vui buồn”. Các cặp tâm trạng đan xen nhau thấp cao, lên xuống như cái nhịp nâng lên, đặt xuống của chén rượu quê sóng sánh bao nỗi niềm. Lại có chút nghiêng ngả mà tĩnh tại bởi định vị cái bền chặt, cái sâu xa hồn cốt, tình làng nghĩa quê giữa bao nhân tình thế thái đổi thay. Và chính rượu quê đã cân bằng lại cái căn cốt: “Men quê đã ngấm vào hồn”.
Có một câu thơ tôi có cảm giác nhà thơ viết trong một tâm trạng “say”, say thật lòng thật cảm động: “Rưng rưng: còn, mất... chập chờn, hợp, tan...” Ở đây có hai trạng thái: “rưng rưng” và “chập chờn” căn độ khá chính xác của tâm trạng nghiêng về cái thiếu hụt. Và “Mặc đời bao nỗi bi, hoan - Gặp nhau ta cứ say tràn cung mây”, có lẽ đây chính là cao trào của cảm xúc uống rượu giữa chiếu rượu của thi sĩ với bạn bè.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đút kết chiêm nghiệm về thơ rất hay: “Thơ chính là kinh nghiệm sống” thì ở đây nhà thơ Mai Văn Hoan đã khá bất ngờ, khá tỉnh và bừng sáng ngộ ra một điều, một chân lý giản đơn mà gây xúc động và đồng cảm với bao người. Đó chính là chất men kỳ diệu có một hiệu ứng lan tỏa rạo rực chảy trong huyết quản, huyết mạch của mình: “Khi nào về với cỏ cây - Chỉ xin rưới: một chén đầy... Rượu quê”.
Tôi lại nhớ đến lời ước nguyện của đại thi hào Nguyễn Du đại ý là: “Lúc sống không uống cạn bình rượu - Chết rồi ai rưới rượu lên mồ cho”. Ở đây với “Rượu quê”, thi sĩ Mai Văn Hoan, một ông giáo dạy văn mê Kiều đã có một tâm nguyện rất thành thực, rất khiêm nhường và ân tình biết bao với cội nguồn, mạch nguồn: Hồn quê Quảng Bình thân yêu của ông!
Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.