Vợ chồng họa sĩ Quảng Bình và nhân duyên song hành

  • 07:49 | Thứ Sáu, 16/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng 8 vừa qua đánh dấu sự thành công từ triển lãm chung thứ hai của hai vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy (đều quê ở TP. Đồng Hới) tại TP. Hồ Chí Minh. Hiếm có cặp đôi họa sĩ nào lại có sự gắn kết, tương đồng từ đời sống đến nghệ thuật hòa quyện như An và Huy, phải chăng vì thế mà triển lãm nhận được sự thu hút mạnh mẽ với công chúng yêu nghệ thuật, từ tò mò, xen lẫn ngạc nhiên cho đến ấn tượng và yêu thích. Dù lập nghiệp ở TP. Huế, nhưng với vợ chồng họa sĩ Thu An, Đức Huy, quê hương Quảng Bình vẫn in dấu những nét không phai trong hành trình sáng tạo.
 
P.V: Triển lãm “An&Huy” của anh chị vừa được tổ chức thành công tại TP. Hồ Chí Minh và nhận được sự quan tâm, phản hồi tích cực của giới nghệ thuật cũng như người yêu tranh. Anh chị có thể phác thảo với độc giả Báo Quảng Bình những nét chính của cuộc triển lãm và thông điệp mà triển lãm gửi gắm?
 
Họa sĩ Thu An và Đức Huy: Cuộc trưng bày tranh của chúng tôi lần này gồm 60 tác phẩm với các chất liệu sơn dầu và Acrylic. Trong đó, 34 bức tranh gồm “Hương thời gian”, “Duyên”, “tuổi thần tiên” do Thu An sáng tác với chất liệu sơn dầu. Còn lại 26 bức tranh là của Đức Huy với các seri tranh “Ánh sáng”.
 
Đối với triển lãm lần này, chúng tôi muốn đưa đến người xem những sắc màu tươi mới, cái đẹp gần gũi thường gặp trong cuộc sống như con người với thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, với ánh sáng niềm tin, ánh sáng khát vọng cho công chúng và người yêu nghệ thuật sau một thời gian dài ngưng trệ bởi đại dịch Covid-19.
 
P.V: Hành trình để có “quả ngọt” triển lãm “An&Huy” chắc hẳn có những kỷ niệm đáng nhớ?
 
Họa sĩ Thu An và Đức Huy: Trong triển lãm lần này, chúng tôi đặc biệt dành cho giới quan tâm thưởng lãm những tác phẩm đã được ấp ủ, làm việc trong một khoảng thời gian khá dài (5 năm kể từ triển lãm chung lần đầu tiên ở TP. Hà Nội năm 2017 mang tên “Men đàn bà”). Do đó, có sự chọn lựa cẩn trọng với các tác phẩm tâm huyết mà chúng tôi thực sự yêu thích trong khoảng thời gian sáng tác suốt mấy năm qua.
 
Kỷ niệm trong triển lãm lần này có nhiều lắm, bởi chúng tôi thực sự hạnh phúc và vui sướng có được sự đón nhận nhiệt tình của giới chuyên môn là các anh chị em họa sĩ của TP. Hồ Chí Minh và đặc biệt là các anh chị sưu tập. Mọi người dành cho chúng tôi những sự quý mến và chúng tôi trân trọng tất cả.
Vợ chồng họa sĩ Thu An và Đức Huy.
Vợ chồng họa sĩ Thu An và Đức Huy.
Một kỷ niệm khá đặc biệt là có một cặp vợ chồng trẻ đã mua những tác phẩm của chúng tôi để dành tặng cho hai người con (còn bé) có tên An và Huy, một sự trùng hợp tuyệt vời tại triển lãm, một cái duyên mang đến cho chúng tôi nụ cười hạnh phúc. 
 
Tại triển lãm, chúng tôi còn tổ chức các buổi ký họa chân dung dành tặng cho một số khách mời và nhà sưu tập đặc biệt, một chương trình giao lưu để chia sẻ về quan điểm sáng tác, cũng như cảm nhận của những người yêu nghệ thuật với họa sĩ, vậy nên, chúng tôi có được rất nhiều điều thú vị tại thời gian triển lãm.
 
P.V: Triển lãm đầu tiên và triển lãm thứ hai, anh chị đều song hành với nhau, nhiều người nhận định vui rằng sự gắn bó từ đời sống đến nghệ thuật này một phần khởi nguồn từ chính nguyên nhân “cùng quê, cùng hít thở chung bầu không khí từ thuở nhỏ” ở TP. Đồng Hới. Anh chị có thể chia sẻ về cơ duyên này?
 
Họa sĩ Thu An và Đức Huy: Nhận định đó hoàn toàn đúng bởi chúng tôi cùng lớn lên tại những con dốc, đồi hoang của vùng quê nghèo từ ngày tấm bé tại TP. Đồng Hới, Quảng Bình. Hai nhà cách nhau cũng tầm chừng 3 cây số, cùng hít thở chung bầu không khí của một vùng quê nghèo khó, cái chúng tôi nhìn thấy ngoài cỏ cây hoa lá, ngoài ruộng lúa bờ mương là con dốc cao khô cằn đá sỏi và còn có cả sự vất vả, khó khăn thời đó của mẹ cha.
 
Tình yêu dệt những ước mơ trong cái nhìn và tìm đến cái đẹp từ cây bút, vệt màu non nớt trong từng bức hình ngây ngô để chúng tôi tìm đến các lớp học của Nhà Thiếu nhi tỉnh, rồi mang theo tất cả hành trang đó vào đất Cố đô học tập và thực hiện giấc mơ trở thành họa sĩ.
 
P.V: Sinh ra và lớn lên ở TP. Đồng Hới, học tập và lựa chọn TP. Huế để làm nơi ươm mầm nghệ thuật, quê nhà có ảnh hưởng như thế nào đến các tác phẩm của anh chị? Đặc biệt, hình tượng người phụ nữ trong tranh của chị Thu An liệu có nét phảng phất nào của người phụ nữ Quảng Bình?
 
Họa sĩ Thu An: Hình tượng hay chi tiết trong các tác phẩm của chúng tôi đương nhiên ít nhiều có hình bóng quê nhà. Như bộ tranh “Hương thời gian”, những hoa lá cỏ cây tôi thường vẽ khi nhớ về quê, nhớ căn nhà của mẹ ở đó có mùi hoa bưởi nồng nàn trong chậu nước gội đầu ngày nào mẹ hay làm cho tôi, nhớ mùi mặn rít của gió biển dính vào da vào tóc và cả cái nóng rát da của cơn gió Lào quê mẹ.
 
Sẽ không hiện hữu thật rõ ràng nhưng tình cảm và cái rưng rưng mỗi khi nhớ về gia đình quê hương đã ảnh hưởng rất nhiều trong dòng cảm xúc khi tôi thực hiện bộ tranh, đặc biệt là bộ tranh “Hương thời gian”.
 
P.V: Từ TP. Huế, anh chị lặn lội đưa những đứa con tinh thần của mình vào tận TP. Hồ Chí Minh để triển lãm, vậy với quê hương Quảng Bình, có khi nào anh chị dự định sẽ tổ chức 1 triển lãm ở đây không? Trên thực tế, Huế được nhiều văn nghệ sĩ Quảng Bình lựa chọn là “quê hương thứ 2” để sáng tạo nghệ thuật và thành danh, trở thành những tên tuổi đáng chú ý trong giới văn học nghệ thuật. Tuy vậy, vẫn rất ít văn nghệ sĩ Quảng Bình đưa tác phẩm của mình về giới thiệu tại quê hương.
 
Họa sĩ Thu An và Đức Huy: Huế là nơi chúng tôi chọn để làm nơi học tập và xem như là “quê hương thứ hai” để làm nghệ thuật. Chúng tôi đã trưởng thành về sự nghiệp cũng như rất nhiều dự định của tuổi trẻ, ước mơ của chúng tôi đã thành hiện thực trên mảnh đất Cố đô. Và hiện tại, có rất nhiều văn nghệ sĩ dù đã có tên tuổi nhưng vẫn chọn ở lại Huế hay các tỉnh, thành khác để tiếp tục sự nghiệp. Đó là thực tế chúng ta không phủ nhận.
 
Nhưng không có nghĩa chúng tôi chọn mà không trăn trở và ấp ủ những ước mơ, dự định trở về. Chúng tôi sẽ vẫn nỗ lực sáng tác, làm việc với mong muốn một ngày nào đó sẽ trở về khi tỉnh nhà có những sự thay đổi tích cực hơn, tạo nhiều điều kiện hơn… Nếu được như vậy, không riêng gì chúng tôi mà ngay cả các anh chị em nghệ sĩ đang sinh sống tại tỉnh nhà cũng sẽ có nhiều cuộc triển lãm giới thiệu cho công chúng cả nước biết đến.
 
P.V: Sau triển lãm “An&Huy”, anh chị hiện ấp ủ dự định nào?
 
Họa sĩ Thu An và Đức Huy: Sau triển lãm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thành bộ tranh để triển lãm riêng cho mỗi cá nhân, và sau mỗi triển lãm riêng, chúng tôi lại sẽ trưng bày tranh cùng nhau.
 
P.V: Xin cảm ơn anh chị về cuộc trao đổi thú vị này!
 
Họa sĩ Đặng Thị Thu An (SN 1983) và Nguyễn Đức Huy (SN 1976) đều quê ở TP. Đồng Hới, học chung Trường đại học Nghệ thuật Huế. Song hành cùng tình yêu hội họa, hai họa sĩ đã tổ chức chung triển lãm “Men đàn bà” năm 2017 tại TP. Hà Nội và nay là “An&Huy” tại TP. Hồ Chí Minh.
 
Mai Nhân (thực hiện)

tin liên quan

Phác thảo thu

(QBĐT) - Có con phố đã vàng hoa
Bâng khuâng một thoáng hương mùa về qua
 

Người "tạc hồn" cho gỗ

(QBĐT) - Tưởng chừng những gốc cây, thân cây xù xì, thô ráp chỉ là thứ vô tri, vô giác, nhưng qua bàn tay chế tác tài hoa của nghệ nhân Trần Văn Sáu, chúng đã biến thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Khiêu vũ-sức hút với mọi lứa tuổi

(QBĐT) - Không chỉ mang lại sức khỏe, khiêu vũ thể thao còn tạo sự thoải mái về tinh thần cho những người tham gia tập luyện, giúp họ tự tin hơn vào bản thân, xua tan bao căng thẳng, phiền muộn của cuộc sống. Bộ môn này đã trở thành luồng gió mới trong phong trào tập luyện thể dục, thể thao tại nhiều xã, phường ở các huyện trên địa bàn tỉnh, thu hút số lượng lớn thành viên tham gia.