Thơ chọn-Lời bình: Tôi ra cửa biển
(QBĐT) - Tôi ra cửa biển
Em đi góc biển chân trời
Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên
Mùa đông rụng lá ưu phiền
Sang xuân có bớt nỗi niềm nhớ mong?
Biết là nhớ cũng bằng không
Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm
Tôi rơi vào cuối ngọn nồm
Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi
Nỗi buồn như tấm gương soi
Gặp em không gặp thì tôi gặp mình
Chẳng là như chỉ với kim
Chẳng là như bóng với hình ngày qua
Thì thôi xa thế đành xa
Em đi để đó cửa nhà vắng hoe
Mùa thu mặc áo gì kia
Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu.
Hải Kỳ
Lời bình:
Bài thơ “Tôi ra cửa biển” của nhà thơ Hải Kỳ được chọn in trong “Tuyển tập thơ Việt Nam (1975-2000)”, là một bài thơ lục bát hay của thi sĩ. Tôi tin rằng: Nếu chọn một tập thơ lục bát hay của thơ Việt Nam đương đại thì thế nào cũng có bài thơ này. Cũng như thế, nếu chọn một tập thơ hay về biển thì chắc chắn “Tôi ra cửa biển” sẽ có mặt xứng đáng trong thi phẩm này…
Nhà thơ Hải Kỳ quê ở Quảng Bình và cửa biển trong bài thơ này là Nhật Lệ mà đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”. Bài thơ ra đời khi người vợ thân yêu của ông do gánh nặng mưu sinh phải ra nước ngoài lao động để lại mình ông chăm sóc hai con nhỏ. Biền biệt chia ly tháng ngày dằng dặc cách xa, nhớ vợ ông tìm ra cửa biển như một đối tượng chủ thể để giải bày tâm trạng sâu lắng của mình trước trùng điệp lớp sóng trùng khơi mênh mông bất tận.
Tiếng lòng và tiếng biển như những dư âm, dư chấn chạm tới những rung cảm của nhà thơ đầy trực cảm và yêu thương này. Mở đầu bài thơ như một lời tự vấn: “Em đi góc biển chân trời/ Tôi về nhặt lại những lời bỏ quên”. Thiên nhiên cũng như đồng cảm với thi sĩ khi “Mùa đông rụng lá ưu phiền”. Hải Kỳ có một nội cảm mạnh và linh cảm trực giác trước cái mênh mông mơ hồ bỏ ngõ, trước sự dịch chuyển của thời gian: “Sang xuân biết có nỗi niềm nhớ mong?”.
Khổ thơ hay nhất của bài thơ là: “Biết là nhớ cũng bằng không/ Tôi ra cửa biển ngồi trông cánh buồm/ Tôi rơi vào cuối ngọn nồm/ Em rơi vào cuối nỗi buồn của tôi”. Xét theo sự vận động cảm xúc tuyến tính thì cánh buồm hay còn gọi là lá buồm, ở đây có mối liên hệ giữa lá rụng mùa đông và lá buồn khơi xa phiêu dạt như bóng dáng người thân. Và chính lá rụng ấy mới có “rơi”: “Tôi rơi” và "Em rơi".
Đó là hình tượng liên tưởng siêu thực thật ám ảnh ngỡ như phi lý mà thật có lý biết bao, vượt lên cả hiện thực để nói về tâm trạng ảo giác; vượt lên cảm xúc để nói về cảm giác-Một tần số rung động cao hơn cảm xúc như là một sự hóa thân kỳ diệu. Rơi cuối “ngọn nồm” và rơi cuối “nỗi buồn” đều là những thi ảnh đầy ấn tượng trực giác chạm đến cuối thì lại gặp mình: “Nỗi buồn như tấm gương soi/ Gặp em không gặp thì tôi gặp mình”. Một sự thẩm thấu kỳ lạ, một nỗi buồn đẹp trong veo vừa hoài niệm vừa nhớ thương vừa tự nhủ: “Chẳng là như chỉ với kim/Chẳng là như bóng với hình ngày qua”. Câu thơ cách xa dằng dặc lại dằng dặc trở về ký ức, kỷ niệm thật nhân hậu trìu mến. “Chẳng là” là một cách nói và cao hơn đó là sự nâng niu trân trọng của tấm lòng người chồng thi sĩ.
Tôi cứ hình dung nhà thơ Hải Kỳ ngồi một mình bên cửa biển Nhật Lệ mắt ngóng trông khơi xa và sau lưng ông là làng quê, là nếp nhà trống vắng người vợ thân yêu mà ông đã dùng hai từ rất hay “vắng hoe” như mở ra một không gian hun hút thăm thẳm. Và bất ngờ một động thái khi ông đứng dậy “Thì thôi xa thế đành xa” có chút gì nuối tiếc tự thú thật chân thành để nhận thêm trách nhiệm của người chồng, người cha trước cảnh: “Em đi để đó cửa nhà vắng hoe”.
Mặc dù không biết thời điểm nhà thơ viết bài thơ nhưng tôi linh cảm mô hồ đó là mùa thu. Bài thơ ba lần nhắc đến các mùa: Đông, xuân và thu. Nhưng cái nỗi buồn rơi, rụng thường chỉ trạng thái của thiên nhiên mùa thu; và chính hai câu kết của bài thơ phần nào nói lên điều đó khi nhà thơ hỏi và cũng tự trả lời: “Mùa thu mặc áo gì kia/ Còn tôi mặc sợi đầm đìa mưa ngâu”. Đó là sự giao hòa, giao cảm giữa con người với thiên nhiên một cách kỳ diệu và cửa biển mùa thu cứ dào lên từng đợt sóng nhớ thương cách xa. Và mưa ngâu mùa thu cứ dằng dịt dệt nên đan cài từng sợi “đầm đìa” một nỗi buồn cách xa thật đẹp và cảm động.
Nguyễn Ngọc Phú
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.