Văn Lợi… "nỗi nhớ" Đồng Hới!
(QBĐT) - Không sinh ra ở Đồng Hới, vậy mà nhà thơ Văn Lợi vẫn yêu thành phố nhỏ bên bờ Nhật Lệ này với một tình cảm mà có lẽ không thua kém gì với một người “Đồng Hới gốc”. Với ông, Đồng Hới là cả một thuở ấu thơ theo mẹ, theo chị rời Ba Đồn với cuộc sống mới, thời thanh niên sôi nổi, lý tưởng, ấp ủ bao hoài bão, cống hiến và cả những giai đoạn thăng trầm của cuộc sống. Phải chăng vì thế mà những bài thơ ông viết về thành phố Hoa Hồng lại luôn vẹn nguyên, đong đầy cảm xúc đến vậy? Và với ông, Đồng Hới chưa bao giờ cũ, ngược lại luôn trẻ trung, chan chứa yêu thương như ngày đầu cậu bé 4 tuổi được mẹ dắt tay đi cả hành trình dài từ đôi bờ sông Gianh đến bờ Nhật Lệ.
P.V: Thưa nhà thơ Văn Lợi, không ít người vẫn nhầm tưởng ông là người “Đồng Hới gốc” bởi những tình cảm ông dành cho mảnh đất này. Vậy theo ông, cơ duyên nào cho sự “gắn bó” mật thiết này?
Nhà thơ Văn Lợi: Bố tôi mất năm 32 tuổi, khi đó chị tôi mới 9 tuổi, còn tôi mới tuổi lên 4. Mẹ tôi dắt 2 chị em rời Ba Đồn vào Đồng Hới để bắt đầu một cuộc sống mới. Vậy là từ đó, tôi gắn bó với Đồng Hới như một người con ruột thịt của phố biển. Hầu hết những kỷ niệm tuổi thơ, thời thanh niên sôi nổi và cả thời gian cống hiến cho ngành văn hóa, nghệ thuật của tôi đều có sự “chiêm nghiệm”, chứng kiến của Đồng Hới.
Thuở bé, tôi cũng các bạn nô đùa trên từng con phố, những buổi tan trường tránh nắng dưới cây đa chùa Ông, ghé thăm vườn hồng Đồng Hới, rồi trộm hoa tặng bạn gái… Đồng Hới cũng là “chứng nhân” cho những cảm xúc đầu đời chớm nở. Nhất là khoảng thời gian năm 1964, tôi nô nức tham gia xây dựng làng mới (phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới ngày nay).
Thời điểm đó, vừa tốt nghiệp Trường trung cấp kỹ thuật Trung ương phân hiệu 5 ở Vinh (Nghệ An), tôi tích cực tham gia làm trại, lán ở làng mới để đón bà con từ thị xã lên tránh bom đạn của đế quốc Mỹ. Thời thanh niên sôi nổi, say mê cống hiến thúc giục tôi làm bài thơ “Những bước đầu tiên”.
P.V: Vậy là từ chính bài thơ “Những bước đầu tiên” về những năm tháng gian khó nhưng sôi nổi, cống hiến đó đã góp phần hình thành nên một Văn Lợi của ngụ ngôn và thơ như hôm nay, thưa ông?
Nhà thơ Văn Lợi: Đúng như vậy, bài thơ đã góp phần định hình nên một Văn Lợi của ngày hôm nay, “chuyển hóa” một anh chàng chuyên cầm máy móc cơ khí sang nghề cầm bút. Năm 1965, Hội sáng tác văn nghệ, thuộc Ty Văn hóa Quảng Bình lần đầu tiên tổ chức cuộc thi về thơ. Bài thơ “Những bước đầu tiên” sau đó đã được giải ba.
“Nhớ!
Buổi ấy đoàn quân xung phong tình nguyện
Mang nặng đau thương căm giận lên đường
Đêm ngủ lán, rừng bất ngờ sóng biển
Ngay sau đồi đất sáng bóng quê hương
Phố đổ trông theo đoàn quân trẻ tuổi
Ngực căng phồng sức sống lứa tuổi hai mươi
Đi phá rừng sâu dựng đời sống mới
Biến núi rừng thành mảnh đất miền xuôi…”
Sau bài thơ này, tôi được chú ý và giao những nhiệm vụ liên quan đến văn học, nghệ thuật và từ đó, tôi dấn thân với nghiệp cầm bút, khi thì là một nhà báo, khi lại là nhà thơ, nhà “ngụ ngôn học”.
P.V: Có thể nói, ông là một trong những tác giả viết nhiều về Đồng Hới với kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trong đó, bài thơ “Phố biển tình anh” được nhạc sĩ Hoàng Sông Hương phổ nhạc thành ca khúc cùng tên được đông đảo công chúng yêu thích. Ông có thể chia sẻ thêm câu chuyện xung quanh ca khúc nổi tiếng này?
Nhà thơ Văn Lợi: Năm 1982, tôi công tác ở Huế sau khi ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nhập tỉnh. Vậy nên nỗi nhớ Đồng Hới luôn cồn cào trong tôi, thôi thúc tôi cầm bút sáng tác. Đầu tiên, bài thơ có tên “Phố biển” và chỉ có 8 câu. Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương rất yêu thích và muốn phổ nhạc cho bài thơ này. Ông tìm đến tôi chia sẻ ý định và nhắn nhủ thêm: Bài thơ hơi ngắn, có lẽ nên sáng tác dài thêm để phổ nhạc. Vậy là một nhạc sĩ, một nhà thơ cùng “chung sức” để hình thành nên một “Phố biển tình anh” mang dấu ấn của thành phố Hoa Hồng:
“Anh sinh ra nơi phố nhỏ khiêm nhường
Bên chân sóng của sông liền với biển
Anh hiểu rõ những cánh buồm thoáng hiện
Thoáng mất đi trong bát ngát trùng khơi…”
Ngoài “Phố biển tình anh”, tôi cũng sáng tác nhiều bài thơ về Đồng Hới, như: “Đồng Hới và em”, “Em gái thị xã”, “Về thăm làng mới”, “Nhật Lệ tự khúc”, “Đây, Cổ thành Đồng Hới”…
P.V: Như ông chia sẻ, Đồng Hới gắn bó với ông suốt cả hành trình cuộc đời và dường như theo đó, các tác phẩm thơ của ông cũng là sự phản ánh sinh động, cụ thể “mối quan hệ” khăng khít này?
Nhà thơ Văn Lợi: Dường như mỗi tác phẩm thơ về Đồng Hới của tôi đều “gắn” với những kỷ niệm của cả một quãng đời cống hiến sôi nổi. Phải chăng vì thế mà ý thơ, tứ thơ luôn dào dạt và xúc cảm luôn vẹn nguyên, thanh khiết? Tôi nhớ mãi ngày thị xã được giải phóng (18/8/1954), tôi còn bé nhưng vẫn vẹn nguyên cảm xúc tự hào, xúc động khi cùng mẹ đứng vẫy cờ chào đón đoàn quân chiến thắng.
Rồi cả những ngày Tết theo mẹ đi đánh bài chòi, chơi đu ở Quảng Bình quan với sự háo hức, mong chờ, những đêm giáp Tết theo chúng bạn men theo các lán hàng trong phiên chợ Tết… Sau đó là quãng thời gian chiến tranh ác liệt, thị xã bị ném bom phá hoại, người dân kiên cường bám trụ bắt tay xây dựng lại từ đầu.
Rồi không thể quên thời điểm sau tái lập tỉnh với bộn bề gian khó. Tất cả những ký ức đó vẫn vẹn nguyên trong tôi, để rồi hun đúc nên một hồn thơ Văn Lợi. Dường như qua thơ, tình cảm của tôi dành cho Đồng Hới được bộc lộ vẹn tròn.
P.V: Yêu Đồng Hới đến vậy, chắc hẳn còn nhiều trăn trở với thành phố ông muốn gửi gắm?
Nhà thơ Văn Lợi: Trên cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin trước đây, tôi luôn canh cánh nỗi trăn trở phục hồi những nét văn hóa phong tục tập quán truyền thống xưa của Đồng Hới. Sau nhiều nỗ lực của ngành Văn hóa, các cấp, ngành, chính quyền địa phương, một số lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, phong tục đẹp… của Đồng Hới đã được phục hồi và vẹn nguyên giá trị, đáp ứng mong mỏi của người dân. Trong đó, phải kể đến lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ, vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tuy nhiên, cũng vẫn có một số điều còn dang dở để Đồng Hới bảo tồn và phát huy những nét truyền thống xưa. Nhưng, thời gian tới, kỳ vọng Đồng Hới sẽ tiếp tục duy trì “hồn cốt” thông qua nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này, chúc ông luôn sức khỏe để tiếp tục sáng tạo, nhất là cho ra đời những tác phẩm hay về Đồng Hới!
Nhà thơ Văn Lợi, tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1942, hiện ở phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới). Ông nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Bình, đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Giải thưởng văn học nghệ thuật Lưu Trọng Lư… Bên cạnh thơ, ông nổi bật với các sáng tác về ngụ ngôn. Nhà thơ Xuân Hoàng từng khẳng định: “Văn Lợi là một trong số ít ỏi những tác giả viết thơ và truyện ngụ ngôn hiện nay. Anh nổi lên như một hiện tượng hiếm hoi đáng quý trong cả nước”. |
Mai Nhân
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.