Đội ngũ nhà văn trên quê hương có nhiều dòng sông đẹp

  • 07:17 | Thứ Ba, 13/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhắc đến Quảng Bình người ta nghĩ ngay tới dải đất hẹp nhất đất nước tựa lưng dãy núi Trường Sơn điệp trùng và nhìn ra biển Đông mênh mang. Trường Sơn, biển Đông mặc nhiên gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước bi tráng của dân tộc. Ngoài di sản thiên nhiên thế giới lừng danh Phong Nha-Kẻ Bàng, tôi muốn nói rằng Quảng Bình là xứ sở của nhiều dòng sông đẹp, tuyệt đẹp như Linh Giang, Nhật Lệ, Kiến Giang...Các dòng sông ấy đã sinh tạo ra những anh hùng, những tướng lĩnh, những nhà văn... Quảng Bình, xứng đáng được gọi là "địa linh nhân kiệt".
 
Có mối kết nối nào đây giữa điều tôi vừa nói cùng niềm tự hào không giấu giếm nổi về nơi mình sinh ra, lớn lên với các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Tôi nghĩ là có, "văn chương nết đất", trong chặng đời và chặng chữ của các anh chị cầm bút ít nhiều đều có dấu vết quê hương, hồn vía núi sông thấp thoáng trong từng mạch chữ. Tài năng của mỗi nhà văn có phần can dự, sinh bồi của phù sa xứ sở này.
 
Đội ngũ nhà văn Quảng Bình hội tụ nhiều thế hệ. Có nhà văn của thời chiến tranh khốc liệt khi Quảng Bình "Nhà tan cửa nát cũng ừ/Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau", của thời sau năm 1975 và thời đổi mới được tính từ dấu mốc năm 1986. Điều đáng nói hơn, thời nào, thế hệ nào các nhà văn ở Quảng Bình cũng có những đóng góp, những nổi bật với văn chương Việt Nam. Sức bền, sức bật trong sáng tạo văn chương là điều đáng ghi nhận nhất của đội ngũ nhà văn Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
 
Chúng ta không quá khó để chứng minh điều đó. Tên tuổi và tác phẩm của họ khẳng định cái tôi vừa nói không phải là sự khen lấy được, khen lấy lòng. Tôi muốn nhắc tới hai nhà văn, nhà thơ gạo cội của Quảng Bình là Hữu Phương và Hoàng Vũ Thuật. Không nhiều các nhà văn, nhà thơ thế hệ chống Mỹ viết khỏe, viết mới, viết khá như các anh. Tiểu thuyết, truyện ngắn Hữu Phương vẫn đáng được tìm đọc. Thơ Hoàng Vũ Thuật mới mẻ và có chiều sâu bằng những trải nghiệm dày dặn về đời sống và nghệ thuật. Các nhà văn Văn Lợi, Hoàng Thái Sơn... vẫn thường có tác phẩm xuất hiện trên báo chí với chất giọng khó lẫn của mình.
Dòng Kiến Giang. Ảnh: M.V
                         Dòng Kiến Giang.                                               Ảnh: M.V
Trong những nhà văn, nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 không thể không nhắc tới Nguyễn Thế Tường, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Thái Hải, Nguyễn Quang Vinh. Bạn đọc gần xa biết tới Nguyễn Thế Tường từ cuộc xuất quân đầu tiên đã chiến thắng giòn giã trong cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội với truyện ngắn "Hồi ức của một binh nhì". Giải nhì + của Nguyễn Thế Tường trong cuộc thi thừa xứng đáng. Trong cảm nhận của tôi "Hồi ức của một binh nhì" xứng đáng được trao giải nhất cuộc thi. Sức viết của Nguyễn Thế Tường vẫn chưa có dấu hiệu hao vơi, đó là điều đáng mừng với anh.
 
Nguyễn Quang Vinh với thế mạnh viết kịch bản văn học cho sân khấu và sự kiện. Anh là một tác giả tên tuổi trong lĩnh vực này. Lý Hoài Xuân vẫn giữ chất men say trong thơ. Thái Hải được ghi nhận ở thể loại trường ca viết về quê hương và chiến tranh. Một thể loại và đề tài không dễ viết hiện nay vì trước đó đã có những tên tuổi, tác phẩm lừng lững rồi.
 
Lớp viết văn thời đổi mới không hề bị lép vế với đội ngũ cùng trang lứa, trái lại khá nổi bật với Hoàng Thụy Anh trong chuyên ngành lý luận phê bình văn học; Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên... trong truyện ngắn. Tác phẩm của các bạn "phủ sóng" rộng. Thơ, sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới Đỗ Thành Đồng với những hòa trộn giữa hiện đại với truyền thống khá ấn tượng.
 
Không thể nói khác được; có nhiều lý do để chúng ta yêu quý và tin cậy vào đội ngũ nhà văn Việt Nam tỉnh nhà. Họ đang sống và viết trên quê hương mình với niềm đam mê lớn. Lớp trước, lớp sau hòa chung dòng chảy văn học bất tận, khẳng định cái riêng mình, kết nối xa gần trong ánh sáng của tình yêu đất nước, tình yêu con người và chủ nghĩa nhân văn cao đẹp.
 
Những dòng sông đẹp và những áng văn chương đáng đọc tạo ra ấn tượng khó lẫn về một quê hương trữ tình và bản lĩnh. Tuy nhiên, nó không chịu bó hẹp khuôn khít trong một tỉnh mà tỏa rộng ra cả nước và thế giới. Chúng ta hy vọng vào những người viết trẻ như Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên... và cả những cây viết trẻ chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Văn Lợi… "nỗi nhớ" Đồng Hới!

(QBĐT) - Không sinh ra ở Đồng Hới, vậy mà nhà thơ Văn Lợi vẫn yêu thành phố nhỏ bên bờ Nhật Lệ này với một tình cảm mà có lẽ không thua kém gì với một người "Đồng Hới gốc".

Mùa thu của mẹ

(QBĐT) - Mẹ đi tìm mùa thu
Hoàng hôn đậu trên vai

Cung đường bích họa Cảnh Dương xuống cấp

(QBĐT) - Cung đường bích họa Cảnh Dương (Quảng Trạch) với hơn 50 bức tranh 3D độc đáo đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Tuy nhiên, sau 5 năm, cung đường bích họa này đang dần xuống cấp…