Minh chuông họ Hoàng ở Văn La

  • 14:17 | Thứ Tư, 07/09/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong quá trình sưu tầm tư liệu về thân thế, sự nghiệp Hiệp biện đại học sĩ Hoàng Kim Xán, chúng tôi may mắn phát hiện chiếc chuông quý hiện đang được cất giữ tại nhà thờ họ Hoàng ở Văn La (nhánh Quý), thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh).
 
Năm 1855, nhân trùng tu đền thờ dòng họ Hoàng, Hoàng Kế Viêm đã đúc minh chuông cung tiến dòng tộc. Minh chuông được khắc chạm chữ Hán 4 mặt. Một mặt khắc bài văn có nội dung “Phi anh thanh đằng mậu thị ảm nhi di chương mãn, nhi bất dật hòa, nhi bất lưu thận, nhi hữu tiết, sở dĩ đức âm bất đoạn hiệp hồ, nguyên cát thi vu ngã hậu nhân thế thế kế thuật. Tự Đức cửu niên Bính Thìn trung xuân cát. Tú nam Viêm khể thủ bái tuyên”.
 
Nghĩa là: Tiếng chuông trong sáng bay tỏa khắp không trung, với những âm thanh thầm kín, tràn trề, vang vọng kéo dài rực rỡ. Ai nghe mà không khỏi gợi cảm những đức tính thuận hòa tươi đẹp. Ai nghe mà không khỏi cảm xúc một tấm lòng kính cẩn tôn nghiêm. Ai nghe cũng thấm thía từ các âm tốt lành, có đức, cứ đi xa dần không đứt đoạn nhưng vẫn lắng đọng lại trong lòng những người của thế hệ ngày mai. Tự Đức năm thứ 9, giữa mùa xuân năm Bính Thìn (1856). Con út là Viêm cúi xin được khắc lên chuông.
 
Còn mặt đối diện là cuốn thư ở giữa khắc ghi “Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Văn Ý công”, nghĩa là minh chuông do con cháu Hiệp biện đại học sĩ Văn Ý (tức Hoàng Kim Xán) công đức. Hai mặt còn lại minh chuông khắc ghi kích thước, trọng lượng, đó là “Đỉnh cao thất thốn ngũ phân, ngang ngũ thốn lục phân, trọng thập nhị cân tứ lượng”, nghĩa là đỉnh cao 7 tấc 5 phân (75cm), ngang 5 tấc 5 phân (55cm), nặng 12 cân 4 lạng (7,56kg).
 Minh chuông họ Hoàng ở Văn La được đúc năm 1856.
Minh chuông họ Hoàng ở Văn La được đúc năm 1856.

Ngoài tính năng là loại khí nhạc để dùng trong lễ lạc, cúng tế, hoa văn, họa tiết và đặc biệt là bài văn trên minh chuông giàu giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Quai chuông gồm 2 con rồng đấu lưng vào nhau tạo thành hình vòng cung. Hai đầu rồng đối xứng, miệng ngậm ngọc, mũi to và hếch. Đỉnh quai là hai đuôi rồng xoắn vào vân mây hình khánh, mỗi con có 2 chân, thân rồng có nhiều vảy, móng sắc nhọn.

Thân chuông hình trụ đứng, vai vuông, miệng loe rộng. Thân được chia làm đôi, 2 núm gõ to tròn đúc nổi đối xứng trên thân. Xung quanh bài văn được trang trí hoa lá, hồi văn chữ S, còn thông tin về kích thước, trọng lượng được trang trí bởi họa tiết mắc lưới hình rạn. Vai chuông trang trí hình vân mây, vành chuông là các họa tiết hình cánh sen.

Mỗi lần tiếng chuông ngân lên trong lòng con cháu dâng trào cảm xúc tưởng nhớ đến tổ tiên với tấm lòng thành kính, tôn nghiêm, là một lời nhắc nhở, khơi dậy những truyền thống, đức tính tốt đẹp của dòng tộc. Từ đó, con cháu ai ai cũng thấm thía, lắng đọng ân đức sâu nặng của tổ tiên, là hành trang luôn mang trong lòng để ra sức học hành, thi cử đỗ đạt, làm những điều thiện lành, tốt đẹp cho cuộc sống.

Cùng với Hoàng thị gia huấn được khắc trên bia đá năm 1855, minh chuông đúc năm 1856 thực sự là 2 gia bảo cần được bảo tồn, gìn giữ cho các thế hệ con cháu dòng tộc dòng họ Hoàng hôm nay và mai sau.
 
Hữu Nhật

tin liên quan

Việt Nam đăng cai tổ chức lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, lễ trao giải World Travel Awards 2022 - Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 7/9 tới.

Chào mừng lễ hội đua thuyền truyền thống và đón nhận bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

(QBĐT) - Tối 29/8, huyện Quảng Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội đua thuyền truyền thống và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ-huyện Quảng Ninh". 

Gặp người chụp ảnh cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(QBĐT) - Vào những ngày đầu tháng 9/2004, thầy giáo Trần Văn Nầy cùng đoàn cán bộ cốt cán xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) ra Thủ đô Hà Nội mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 93 tuổi.