Chúng tôi lên cột mốc 543
(QBĐT) - Tôi may mắn được tham gia cùng các đồng nghiệp chuyên ngành Âm nhạc, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình đi thực tế lên vùng núi cao, biên giới Cà Roòng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) với bao phấn chấn và cảm xúc. Trở lại con đường xưa từng bao lần đi qua, đi trọn chiều dài đường 20 Quyết Thắng, tôi bỗng nhớ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: "Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình!".
Với nhà thơ, đó là những lời nhắn nhủ, động viên cổ vũ toàn quân và toàn dân ta, dồn tất cả sức lực, trí tuệ, tinh thần và của cải vật chất… vượt Trường Sơn, chi viện cho đồng bào miền Nam thân yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành lại hòa bình, thống nhất non sông. Đến Trường Sơn để hiểu hết những sự hy sinh, cam go và gian khổ của bao lớp người hiến cả tuổi thanh xuân vì "đường chưa thông không tiếc máu xương!" và bao lớp người hành quân qua đường Trường Sơn, dưới hàng ngàn lần mưa bom, bão đạn mang tính hủy diệt của quân thù, hiểu hết những kỳ tích và huyền thoại trên con đường huyền thoại này!
Dù là người đã từng có mặt trên tuyến đường 20 Quyết Thắng với tư cách là một người làm báo trong những tháng ngày các lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong... giành giật từng mét đường an toàn cho những đoàn quân, đoàn xe vào chiến trường giải phóng miền Nam, dưới hàng vạn trận mưa bom bão đạn của quân thù, nhưng mỗi lần trở lại tuyến đường này, vẫn không sao tưởng tượng nổi sự hình thành và sức sống của con đường! Hôm nay, đi trên con đường đã rải nhựa, bêtông xi-măng, ca sĩ Ngọc Tân nói:
- Em đi lại trên tuyến đường này nhiều lắm, nhưng không bao giờ hiểu nổi những kỳ tích của con đường. Sức người quá vĩ đại! Xẻ núi, lấp sông suối, bạt lèn cao với phần lớn là những cô thanh niên mới lớn, bé nhỏ, với công cụ thô sơ đã là một huyền thoại. Cứ nghĩ, con đường đá sỏi trong chiến tranh, bom đạn thù băm đi, băm lại mà đoàn lái xe con gái mới học lái được vài ngày đã cầm vô lăng chiếc xe Zin ba cầu to lớn, vượt bom đạn và đường đầy ổ bò, ổ voi, suốt ngày đêm vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí và hàng hóa vượt qua tuyến đường này, càng khâm phục!...
Đứng trước Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn-Đường 20 Quyết Thắng, phóng mắt nhìn về phía con đường bao nhiêu hình ảnh kỳ diệu lại hiện lên.
"Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên". Đó là lời đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi vào thăm tuyến đường vào năm 1973.
“Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng”
("Khoảng trời, hố bom", Lâm Thị Mỹ Dạ)
"Gương mặt em", gương mặt của hàng vạn con người, là những tấm gương chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của đội ngũ sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong và nhân dân trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Đó là những chàng trai, cô gái liên tục bám chắc, trụ vững trên các trọng điểm địch thường xuyên đánh phá ác liệt. Là những chiến sĩ lái xe, căng mắt qua ánh đèn gầm nhỏ xíu, tay mỏi rã rời trên vô lăng, lúc cài, lúc nhả số, tăng giảm tốc độ, vật lộn với trên mặt đường vừa bị bom địch cày xới mới san lấp xong, đầy ổ gà, ổ voi, lầy lội... dưới hàng trăm trận trút bom, nhả đạn của quân thù.
Là những người phá bom nổ chậm, bom từ trường, biết cái chết có thể đến bất cứ giây phút nào đối với mình, nhưng vì nghĩa lớn, họ không đắn đo, do dự. Đó là những anh chị em “bom nổ xỏ giày, cuốc xẻng cầm tay, ra ngay trận địa”, để cứu thương, cứu xe, cứu hàng, giải quyết những ca tử vong; hoặc làm “cọc tiêu sống” tại những con suối, những cua ngoặt hiểm trở, cho những “phi công mặt đất” lái xe vượt qua an toàn...
Buổi chiều,chúng tôi theo các chiến sĩ biên phòng lên cột mốc biên giới, lại là Tây nắng, Đông mưa! Mưa như trút nước. Cách cột mốc 543 chừng 300m là đường đất, lầy lội.
Rời cột mốc, chúng tôi về vui bữa cơm thân thiết với Bộ đội Biên phòng và đêm hôm đó lại vui lửa trại kỷ niệm 19 năm thành lập Chi cục Hải quan cửa khẩu Cà Roòng. Quân dân sum vầy, múa hát rộn cả vùng biên.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, từ buổi bình minh của dân tộc cho đến hôm nay, biên ải và các cột mốc chủ quyền luôn là những điều thiêng liêng nhất trong lòng mỗi người dân đất Việt. Cũng chỉ vì muốn cho bao em thơ yên giấc ngủ ngon, cho lúa reo vui trên đồng nắng mới, cho cây lá rừng già biên giới thêm xanh… nên các anh, những chiến sĩ biên phòng vẫn luôn vững đôi chân, chắc tay súng ở miền biên viễn. Cột mốc, đường biên như là hiện hữu của tất cả tình thân, tình yêu. Có đi, có thấy, có trải qua, mới thấu hiểu về các anh-những chiến sĩ biên phòng vẫn đang dầm mình nơi xa xôi, rừng thiêng, nước độc…
Những bước chân không mỏi…, những kính cẩn nghiêng mình…, những ghi dấu tình hữu nghị…, cho đến việc hồi sinh những cuộc đời lầm lỗi…, nâng bước trẻ thơ đến đường…, những chiến sĩ mang quân hàm xanh không chỉ bảo vệ sự bình yên nơi biên giới xa xôi mà còn mang đến sự đổi thay của biết bao mảnh đất, cuộc đời. Bằng trách nhiệm, bằng tấm lòng của mình, những chiến sĩ biên phòng đã làm nên sự thiêng liêng nơi đường biên, cột mốc.
Bút ký của Kim Cương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.