Món ăn ngọt ngào từ đá

  • 08:43 | Chủ Nhật, 31/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đọc cái tựa của bài viết này, chắc chắn không ai cho rằng, có một món ăn được làm từ đá. Có chăng, sẽ có người nghĩ đến món ăn “mầm đá” của Trạng Quỳnh “đãi” Chúa. Nhưng nếu nói rằng, đó chính là món hàu được “khẻ” ra từ những hòn đá, thì từ cao sang đến dân dã, chẳng mấy ai lạ.
 
Nói đến đặc sản hàu, ở Quảng Bình ai cũng biết địa danh Quán Hàu. Có lẽ, do hàu ở đó nhiều và ngon hơn chăng? Tôi cũng đã có vài dịp ghé ăn, nhưng chưa cảm thức được điều khác lạ. Cũng có lẽ do giữa cái thời thông thương, luôn đầy đủ “cao lương, mỹ vị”, mọi khác biệt đã được bão hòa?
 
Thật vậy, nếu bạn đến Ba Đồn và muốn thưởng thức nhưng món ăn từ hàu, bạn có thể bước vào bất cứ nhà hàng nào, đều được đáp ứng. Nhà hàng cũng sẽ tận tụy chế biến hàu theo cách mà bạn muốn. Từ những món cầu kỳ, như hàu nướng mỡ hành, hàu phô mai đút lò, hàu nấu canh chua, cháo hàu nấu hạt sen, cho đến cách chế biến dân dã nhất của người Ba Đồn là cháo canh nấu hàu hay hàu xào bù (bầu)…
 
Tuy nhiên, đa số các món hàu mà bạn đang ăn đều có xuất xứ từ hàu nuôi cả đấy. Tất nhiên rồi, để có những con hàu to nướng mỡ hành hay phô mai đút lò… Thì làm gì có hàu từ tự nhiên. Nhưng, có thể những con hàu sữa nhỏ bé, trắng đục, ngọt ngào cũng là hàu nuôi... Bởi số hàu sữa tự nhiên được những người dân nghèo sống bên bờ sông Gianh “khẻ” ra từ đá ven bờ, chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ của nhu cầu.
 
Có cầu ắt có cung, một số người thức thời đã khoanh vùng, vùng biển Quảng Phúc (TX. Ba Đồn) để nuôi hàu sữa. Vận dụng tập quán của con hàu sữa có thể bám bất cứ vật gì có ở bãi nước mặn, nên người ta thả rất nhiều lốp ô tô và cứ thế hàu bám vào phát triển. Lúc thu hoạch, chỉ cần kéo lốp xe lên bờ và “khẻ” lấy thịt, rất tiện lợi.
 
Vì là hàu nuôi, được chăm sóc, bảo vệ, nên con hàu nuôi thịt to, đều hơn hàu tự nhiên sống trên đá. Tuy là hàu sữa tự nhiên, nhưng ở môi trường bám khác nhau, cũng cho chất lượng khác nhau. Với con hàu sống trên đá, tuy nhỏ (cũng có nhiều con to) nhưng bóng nhẫy hơn. Khi gặp nhiệt độ chế biến nó vo tròn lại một cục, có mùi thơm rất lôi cuốn. Hàu nuôi trên lốp xe không được như vậy, gặp nhiệt độ cũng vo lại, nhưng không tròn, nhất là hương vị thì kém xa hàu trên đá.
 
Tôi còn nhớ, lúc ấu thơ, nhà tôi ở gần chợ Họa, nằm bên bờ bắc hạ lưu nguồn Nậy của sông Gianh, phía bên kia là Cồn Két. Ngư dân Cồn Két họ chỉ đánh bắt cá, chẳng mấy ai đi “khẻ” hàu, nên hàu chưa bao giờ là hàng hóa. Chiều chiều, khi nước rút, các bãi đá ven bờ nhô lên. Người dân quê tôi lại ra sông “khẻ” hàu cải thiện bữa ăn. Dụng cụ là cái đinh nôốc (đinh đóng thuyền) có bốn cạnh, được mài dẹp, sắc và tôi lửa, cùng cái búa con con và bất cứ cái gì đựng được. Họ ra bãi đá có hàu chi chít, tìm những con hàu sống và đục, khẩy nhẹ nhàng, có lẽ vì thế nên quê tôi gọi là “khẻ” hàu.
 
Tuy nhiên, “khẻ” hàu đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Phải nhắm đúng miệng hàu, khẻ nhẹ, khẩy nhẹ rồi gỡ thịt hàu. Nếu làm không khéo, vỏ hàu vỡ còn dính thịt... Khi người “khẻ” hàu nhắm đủ được bữa ăn “mát ruột” là về, không “khẻ” nữa. Duy chỉ trong xóm có ông Tứ lẩn thẩn, sống độc thân, ngoài “khẻ” hàu để ăn, ông còn mang đi đổi gạo. Anh em chúng tôi còn nhỏ, lại chưa biết bơi nên mẹ tôi chỉ cho đứng trên bờ… ngắm. Muốn ăn hàu chỉ có kiếm gạo đổi cho ông Tứ. Đổi được hàu, mẹ tôi chẳng nhọc công chế biến gì, ngoài món canh chua nấu với lá me đất. Thế mà anh em tôi coi bữa ăn đó đặc biệt lắm.
 
Sau năm 1975, nhà tôi chuyển chỗ ở cách xa bờ sông Gianh hơn. Ông Tứ cũng không thấy đến đổi hàu lấy gạo nữa. Bà tôi càng ngày càng già yếu và nằm liệt giường. Một hôm, bà thều thào nói với mẹ là bà thèm bát cháo hàu. Mẹ tôi nhớ đến ông Tứ, cắp nón chạy một mạch đến nhà. Nhưng ông Tứ cũng già yếu lắm rồi, không đi “khẻ” hàu được nữa. Mẹ tôi đi mấy chợ cũng không thấy ai bán, bần thần trở về nhà, nhìn bà chảy nước mắt.
 
Rồi mẹ tôi kiếm đâu ra cái đinh nôốc, về đút lửa, hui hui, đập đập. Xong, xách cái rá nhỏ ra bờ sông. Chập tối, mẹ trở về với bàn tay chi chít vết vỏ hàu cắt tứa máu và hơn một nửa bát ăn cơm thịt hàu. Mẹ bảo, cả đời đây là lần đi “khẻ” hàu đầu tiên, người ta làm quen còn rách tay nữa là...
 
Tờ mờ sáng nay, tôi tha thẩn bên bờ sông Gianh. Gặp lúc nước cạn, các bãi đá và bờ kè đá nhô lên. Tôi thấy rất nhiều phụ nữ cần mẫn “khẻ” hàu. Họ cho biết, nếu chăm chỉ, mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng. Dù hiện nay, ai cũng có bao tay, nhưng không tránh khỏi “tai nạn nghề nghiệp”. Nhìn họ, tôi thấy chát lòng và càng thấu hiểu thêm về món ăn ngọt ngào có từ đá.
       Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Mảng đề tài lớn cho nghệ sĩ tạo hình sáng tạo

(QBĐT) - Đối với các nghệ sĩ sống trên mảnh đất Quảng Bình với bề dày văn hóa và truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, đề tài chiến tranh cách mạng, xây dựng bảo vệ Tổ quốc sẽ luôn là nguồn cảm hứng để họ tiếp tục hành trình sáng tạo. 

Em còn nợ anh

(QBĐT) - Thêm lần lỡ nữa ơi anh
Đưa anh về mẹ nhưng đành hứa suông!...

Chung kết Hoa hậu áo dài Việt Nam năm 2022

(QBĐT) - Tối 28/7, tại Sun Spa resort (TP. Đồng Hới) đã diễn ra chung kết cuộc thi Hoa hậu áo dài Việt Nam 2022 với sự tham gia của 29 thí sinh đến từ các tỉnh, thành trên cả nước.