Quảng Bình trong thơ Phạm Đình Ân
(QBĐT) - Phạm Đình Ân làm thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến nay, ông đã có “gia tài” văn chương với hơn 25 tác phẩm gồm cả thơ, văn; nhận được nhiều giải thưởng. Năm 2019, nhà thơ Phạm Đình Ân cho ra đời “bộ đôi” tác phẩm dày dặn “Dọc đường thơ”, gần 350 trang in và “Thềm trăng trải chiếu”, hơn 350 trang-gồm thơ và văn cho thiếu nhi.
Điều tôi thấy thú vị là cảm xúc thơ dành cho miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng khá đặc biệt. Phạm Đình Ân, có quê mẹ ở Phủ Lý (Hà Nam), quê cha ở Nam Định; từ nhỏ ở Hưng Yên, sau đó chuyển vào Thanh Hóa-tỉnh đầu tiên của miền Trung dằng dặc.
Cuộc đời làm báo, làm văn cho ông cơ hội được đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng với miền Trung là sự ngạc nghiên. “Đi dọc miền Trung/mới thấy dải đất này không thể đẹp hơn được nữa/Tưởng có thể một tay vục vào biển cả/Bàn tay kia vươn tới dãy Trường Sơn” (Đi dọc miền Trung). Đọc bài thơ này đã thấy bóng dáng Quảng Bình. “Bên này đường số Một là cát trắng miên man/Càng đi càng hòa mình vào cát/Cát màu trắng cứ hừng lên nhức mắt/Đất hiếm hoi mà cát trắng quá chừng” (Đi dọc miền Trung). Đọc khổ thơ này, chắc chắn ai cũng nhớ câu thơ đặc biệt của Tố Hữu: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Mẹ Suốt).
Bài thơ “Đi dọc miền Trung” là bài thơ dài, gồm 64 câu; toàn bộ bài thơ đẫm tình người, giữa miền Trung-tác giả và ngược lại. Về hoàn cảnh bài thơ, có thể đó là cảm xúc của nhà thơ Phạm Đình Ân với miền Trung trong những ngày chiến tranh, bom rơi, đạn nổ. Miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình là tuyến đầu những năm tháng đấu tranh thống nhất đất nước.
Nhà thơ Phạm Đình Ân đã có mặt ở Quảng Bình những năm 1971-1972, lúc ấy ông là phóng viên Báo Nhân Dân, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở vào những giai đoạn vừa khốc liệt vừa quyết định. “Tôi tình nguyện đi công tác... Cùng lăn lộn với dân, ăn ở với bộ đội. Có lúc cát bay đầy bát cơm. Tôi đi tự túc đấy, nhảy tàu, nhảy xe đủ cách. Thời trẻ trung nó hừng hực khao khát”, ông tâm sự.
Đó là giai đoạn đế quốc Mỹ tăng cường ném bom miền Bắc, hòng chặt đứt những tuyến đường chi viện cho miền Nam. Mặt trận giao thông vận tải Quảng Bình thời gian này, thực sự nóng bỏng, bi hùng. Đó là những ngày “Cắn nửa củ khoai, ba bận ra hầm/Cấy cày trong mưa bom/Tôi thương những tấm lưng cháy nắng/Những bả vai tấy sần vì vác đạn”. Bài thơ có tính “ký sự”, đọc lên không ai không nhớ về những ngày chiến tranh trên quê hương “Hai giỏi”, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tình cảm quân dân những ngày đó, qua hai nhân vật “mạ” và “tôi” chở che, bọc đùm; đến bây giờ đọc lên vẫn xúc động:
...
Tôi ghé vào một nhà ven đường
nương mình trong bóng mạ
Mạ dúi vào tôi mấy quả dưa
rồi bảo: vô Ngư Thủy thì quành ra biển
tôi rung rung đi tiếp quãng đường
(Đi dọc miền Trung)
Chính nhà thơ Phạm Đình Ân, đến bây giờ vẫn xúc động: “Tình thương sâu không biết nói cho cùng/Chỉ một miếng dưa ăn của miền Trung/đủ ràng buộc cả đời tôi mắc nợ”. Bài thơ giàu tính tự sự nhưng có nhiều câu thơ hay, khái quát: “Thương dải đất miền Trung mảnh mai, gầy guộc/Nắng lửa quanh mình ràn rạt/hầm hập gió Tây/Vì dải đất hẹp nhường này/mà nắng gió xối vào chật quá”. Thi pháp tu từ, làm cho hai câu thơ “Vì dải đất hẹp nhường này/mà nắng gió xối vào chật quá” giàu chất thơ, tạo ra trường mỹ học của liên tưởng. Đó là một trong những “đơn vị câu” sáng tạo về thi ảnh, vững về thi pháp, làm “điểm tựa” cho cả bài thơ dài, rộng về biên độ cảm xúc.
Bài thơ “Đi dọc miền Trung” của Phạm Đình Ân được công bố lần đầu vào năm 1972 trên tạp chí Tác phẩm mới thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhiều bạn đọc, trong đó có bạn đồng nghiệp và một số nhà thơ tên tuổi, chú ý và khẳng định. Dư luận từ ấy cho đến nay cho rằng đó là một trong số những bài thơ nổi bật trong thơ chống Mỹ cứu nước. Tôi từng đọc, nhiều bài thơ thành công về miền Trung như “Trầm tích”-trường ca của Hoàng Trần Cương, “Một khúc miền Trung” của Đoàn Xuân Hòa và “Đi dọc miền Trung” của Phạm Đình Ân. Tác phẩm nào cảm xúc cũng có những thành công trong việc khắc họa vẻ đẹp của cốt cách, tâm hồn miền Trung.
Nhà thơ Vân Long từng nhận xét về Phạm Đình Ân: “Con tằm Phạm Đình Ân ăn dâu miền Trung, lúc đó đã nhả tơ”. Vâng, Phạm Đình Ân “ăn tơ” miền Trung, trong đó có Quảng Bình. Điều đó dễ thấy, trong tập “Dọc đường thơ” ngoài “Đi dọc miền Trung” còn có các bài: “Gửi bạn xa Đồng Hới” (đề tặng Lê Xuân Đố và Lê Thị Hồng Bân), “Tiễn đưa trên cánh đồng”, “Phi lao”, “Lê Xuân Đố”.
Lê Xuân Đố, bạn ông, là nhà thơ gốc Quảng Bình, lập nghiệp ở Hà Nội, bạn vong niên của Phạm Đình Ân, cùng học đại học văn khoa. “Tôi rất nặng lòng với Quảng Bình, rất thân với Xuân Hoàng, Đỗ Xuân Đố... và nhiều người sau này là những văn nhân nổi tiếng khác. Nhưng trên hết, cái tình của dân dành cho tôi, mang nặng suốt đời”, Phạm Đình Ân tâm sự.
...
Dẫu muộn mằn, tôi từng một lần đến thăm thị xã
không một căn nhà lành
nhưng vẹn nguyên Đồng Hới
trên dấu chân để lại của bạn
trong tên tuổi
Lê Thành Đồng
Quách Xuân Kỳ
Mẹ Suốt
Các mạ, các chị, các anh chính là Đồng Hới
(Gửi bạn xa Đồng Hới)
Trong khổ thơ này, nhà thơ Phạm Đình Ân nhắc đến tên ba con người đã trở thành niềm tự hào của Quảng Bình. Dẫu TX. Đồng Hới ngày đó bi bom Mỹ ném “không còn một căn nhà lành”, tuy nhiên vẹn nguyên Đồng Hới “trong tên tuổi” đã trở thành một phần lịch sử ở địa phương và cả “trên dấu chân để lại của bạn”, tức là cái tình giữa người và người. Đây chính là “yếu tố thơ” trong khổ thơ gồm nhiều câu, được ngắt nhịp có chủ ý.
Bài thơ “Tiễn đưa trên cánh đồng” và “Phi lao” đều là những bài thơ khá về Quảng Bình, ám ảnh. Đó đều là những bài thơ, Phạm Đình Ân viết trong giai đoạn 1970-1972, trong chuyến đi thực tế tuyến lửa. Phi lao là cách gọi ở miền Bắc, với Quảng Bình gọi là cây dương. Trong những năm tháng chiến tranh, phi lao không chỉ chống xói lở bờ biển, bảo vệ các làng chài trước gió bão mà phi lao cũng là “chiến sĩ”, có linh hồn. “Trong bão lửa điên cuồng/Hạt phi lao bật tung mọc trùng trùng điệp điệp/Cây gãy giơ lên trời hoăn hoắt mũi chông”. Phi lao còn như “hải đăng”, bởi đối với “Người đi biển bồi hồi nhận ra đất Mẹ”.
Phạm Đình Ân là nhà thơ đã ngoài thất thập. Với thế hệ ấy, dẫu là thể thơ tự do thì thi pháp vẫn là “truyền thống”, có nghĩa là có yếu tố tả thực, có yếu tố tự sự...; tuy nhiên, toát lên trong thơ Phạm Đình Ân viết về Quảng Bình giàu cảm xúc về một vùng đất đẹp, lịch sử hào hùng, con người kiên cường, xả thân hy sinh vì nghĩa lớn, nhân ái.
Ngô Đức Hành
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.