Viết như là sống đẹp

  • 07:37 | Chủ Nhật, 26/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ai đó có chê bai thì Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn là tác phẩm bất hủ của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
 
Giá trị nhân văn được thể hiện trong đỉnh cao nghệ thuật thơ ca chứng tỏ một tâm đức, một tài năng nổi bật. Nghĩ rằng, nếu như Tố Như không Trải qua một cuộc bể dâu thì làm sao diễn đạt được đến độ hay Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Cái đau đớn lòng của đại thi hào trở thành cái đau đớn lòng của bao thế hệ người Việt từ người dân quê không biết chữ đến bậc thức giả đọc vạn cuốn sách Đông Tây kim cổ. Xin được nói thêm, nếu như không có cái đau đớn lòng ấy thì dù có trăm nghìn câu tuyệt hay cỡ Bây giờ tỏ mặt đôi ta/Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao hay Kiếp này trả nợ chưa xong/Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau...thì Truyện Kiều chưa chắc đã được hầu hết dân ta yêu thích trân trọng như vậy.
 
Nhà văn hướng tới những khát vọng cao cả, tốt đẹp cho con người như tự nguyện gánh vác sứ mệnh của người cầm bút. Xưa, nay có lẽ đều thế cả; nhân dân ghi nhận sự đóng góp của nhà văn với cuộc sống, với xã hội chủ yếu là ở đó. Thời cuộc muôn vàn biến động, thiên hạ tan hợp nổi chìm nhưng ánh sáng nhân văn chiếu tỏa ra từ các trang sách vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ. Từ những ấn tượng, ám ảnh mang lại cho người đọc, nhà văn ngoài chức năng sáng tạo văn chương được coi như nhà tư tưởng, nhà đạo đức chăng?
 
Tuy nhiên, tư tưởng và đạo đức của nhà văn được gửi gắm vào hình tượng nghệ thuật thông qua ngôn ngữ thể hiện trong tác phẩm. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng đúc rút: Thơ cần có ích/Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng rất đề cao mối quan hệ giữa người cầm bút với Tổ quốc, nhân dân: Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình-như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ-cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra. (Trang giấy trước đèn). Tác giả từng nổi tiếng với tiểu thuyết Dấu chân người lính thời chống Mỹ và nhiều truyện ngắn thời hậu chiến như Lão Khúng, Khách ở quê ra, Chiếc thuyền ngoài xa...đã nhấn mạnh: Diễn tả chân thực đời sống con người Việt Nam thấu tận chiều sâu triết học, con đường văn học ta luôn luôn được cầm tay nhân dân và tìm thấy tiếng nói trong nền văn học thế giới...
Ảnh:
Ảnh: Bùi Hùng Cường

Thực ra, vấn đề nhà văn sống trong lòng dân tộc, viết cho và viết vì đất nước, nhân dân mình không mới. Những nhà văn, nhà thơ chân chính không bao giờ quay lưng lại hay thoát ly khỏi dân tộc mình, trái lại họ đằm sâu, bám riết vào cuộc sống đồng bào, nghe rõ tiếng rơi mỗi hạt mồ hôi, cảm được hơi nóng của từng giọt máu trên mỗi chặng dựng nước, giữ nước bi tráng.

Họ chẳng bao giờ thờ ơ với số phận đất nước, cảnh ngộ nhân dân, vậy nên lòng yêu nước, thương dân mới thấm thía trong từng trang viết. Nguyễn Trãi đâu chỉ lừng danh với Đại cáo Bình Ngô sau chiến thắng giặc Minh mà còn chẳng bao giờ khuất lấp trong lòng ta với những câu thơ thao thức: Phúc chu thủy tín dân do thủy/Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên (Quan hải), Hưởng Triều dịch là: Lật thuyền thấm thía dân như nước/Cậy hiểm, mong manh, mệnh ở trời (Đóng cửa biển). Đây nữa, những câu thơ này vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay và mai sau: Quyền mưu bản thị dụng trừ gian/Nhân nghĩa duy trì quốc thế an (Hạ quy Lam Sơn-Kỳ Nhất); Nguyễn Khuê dịch thơ: Quyền mưu vốn để diệt trừ gian/Nhân nghĩa duy trì thế nước an (Mừng về Lam Sơn-Bài Một).

Mỗi nhà văn, nhà thơ vừa sống giữa đời thực, vừa tồn tại trong tác phẩm của mình. Ở không gian nào, thực tiễn hay nghệ thuật thì họ vẫn phải minh chứng được tình yêu và trách nhiệm với xã hội, với cuộc sống. Nhà văn trước hết là người biết yêu và luôn đứng về cái đẹp, cái tiến bộ. Ánh sáng trong văn chương là ánh sáng của cái đẹp. Cái đẹp được lưu truyền từ quá khứ, chuyển động trong hiện tại và nó cũng thuộc về những dự cảm của tương lai. Cái đẹp văn chương vừa phản ánh tâm hồn, trí tuệ người cầm bút vừa xác lập tài năng của họ. Đương nhiên rồi, nhà văn có nhiệm vụ, khi thì đánh thức được những người đang ngái ngủ, khi thì chắp cánh cho sự tốt đẹp bay cao. Gần gũi với hàng triệu bạn đọc nước ta là những tác phẩm đề cao lòng nhân hòa, ngợi ca tri ân những cống hiến hy sinh vì Tổ quốc trong chiến tranh và thời bình.
 
Trong thời đổi mới đã xuất hiện và chúng ta đánh giá cao những tác phẩm xoáy sâu vào thân phận con người với cái nhìn thông cảm, đa chiều, nhiều sẻ chia như Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh... nhưng không vì thế mà coi thường, hạ thấp hay xét lại những tác phẩm văn học đã làm nên diện mạo của văn học kháng chiến. Vẻ đẹp hào hùng của thơ văn kháng chiến chống giặc ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng ta vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong các tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Anh Đức, Lâm Thị Mỹ Dạ, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Xuân Đức, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Tô Nhuận Vỹ...
 
Trong công cuộc xây dựng non sông và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, thông qua trang viết của mình, các nhà văn vẫn mang sứ mệnh bồi đắp thêm lòng yêu nước, thương dân. Tôi nghĩ, đây vẫn là vấn đề trung tâm của văn học, không sợ, không ngại nó đã cũ kỹ, quen thuộc. Nhân dân và chiến sĩ vẫn cần lắm những tác phẩm xúc động viết về đất nước thân yêu. Chẳng lỗi thời chút nào, chẳng nhạt nhoà chút nào những vần thơ mang tâm thức đất nước bao la, sâu thẳm: Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên (thơ Anh Ngọc); những thi khúc ánh xạ hình ảnh, tâm hồn người chiến sĩ thời bình: Ta ngự giữa đỉnh trời/Canh một vùng biên ải/Cho làn sương mong manh/Hóa trường thành vững chãi/Lán buộc vào hoàng hôn/Ráng vàng cùng đến ở/Bao nhiêu là núi non/ Ríu rít ngoài cửa sổ/ Những mùa đi thăm thẳm (thơ Trần Đăng Khoa)...
 
Tôi thường nghĩ, không có điều gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà văn cả. Nhà văn có thể viết tất cả những cái thuộc về cuộc sống, từ chuyện xã hội đến chuyện riêng tư, từ cái tốt đến cái xấu, từ sự lương thiện đến độc ác. Dù viết gì thì cái tâm của người cầm bút cũng luôn trong sáng, vẫn phải thể hiện tình yêu hòa bình, yêu con người nồng nàn. Nhà văn, trước hết là người đồng hành cùng đất nước và nhân dân; khi đi đến tận cùng dân tộc mình chắc sẽ gặp nhân loại. Họ là người làm nên một nền văn học được đặt trên mẫu số chung nhân loại nhưng luôn mang bản sắc dân tộc Việt Nam một cách đậm đà sâu sắc. Những tiếp thu các trào lưu văn chương từ bên ngoài là rất cần thiết nhưng sự lai căng, bắt chước, học đòi vô lối là khó chấp nhận được.
 
Chúng ta đã nói đến nội lực trong phát triển kinh tế bền vững. Thế thì, văn học nước nhà có cần nội lực không? Có! Nội lực có từ mỗi nhà văn và nó được cộng hưởng vào tiềm năng, sức mạnh của dân tộc. Nếu như tác phẩm mang dấu ấn sáng tạo cá biệt của người viết thì nền văn học của một dân tộc cũng cần có bản sắc của nó được thể hiện trong cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, bản sắc dân tộc ta nói đến đó vừa là cái đã bắt rễ, cắm sâu nhưng cũng đã, đang và sẽ chuyển động, chuyến tiếp tới cái phổ biến của nhân loại. Tác phẩm lớn mang trong nó tư tưởng tiến bộ, hình thức thể hiện độc đáo và cuối cùng là tạo ra ấn tượng mạnh mẽ sâu sắc cho đông đảo người đọc.
 
Thật cực đoan khi ai đó nghĩ rằng, tôi chỉ viết cho tôi, mà chẳng quan tâm gì đến công chúng. Cái tươi mới trong văn học hiện đại chẳng hề đố kỵ với các giá trị truyền thống, nhân vật của nhà văn cũng chính là nhân vật của thời đại chúng ta đang sống và bạn đọc hôm nay tìm thấy trong đó mọi cảm xúc, suy ngẫm của mình. Hành trình sống cũng là hành trình sáng tạo, hành trình sáng tạo cũng là hành trình sống của nhà văn. Không thể khác được, nhà văn đồng hành cùng Tổ quốc, đồng hành cùng nhân dân, viết như là sống đẹp vậy!
 
                              Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Gió Lào ơi đừng thổi nữa

(QBĐT) - Mùa hè năm nay, do thời tiết có sự biến đổi nên gió Lào thổi muộn. Những người già cứ nhìn nhau thắc mắc. 

Chị và em và làng

(QBĐT) - Chúng mình như những bông diếp dại

Đại hội Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa lần thứ III

(QBĐT) - Sáng 24/6, Hội Di sản văn hóa Việt Nam huyện Tuyên Hóa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022-2027.