Khơi nguồn tình yêu sách cho học sinh miền núi
(QBĐT) - Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong cuộc sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận "kho tàng" văn hóa đọc đối với học sinh khu vực này vẫn còn lắm gian nan. Chính vì vậy, những nỗ lực đưa sách về các trường học khu vực biên giới của Thư viện tỉnh thời gian qua đã mang đến một “làn gió mới”, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm việc cập nhật kiến thức, thay đổi môi trường đọc và khơi dậy tình yêu sách của học sinh nơi đây.
Những năm trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, “chuyến xe sách” của Thư viện tỉnh đến hẹn lại lên đã "dừng bánh" tại Trường tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy). Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, đó thực sự như một ngày hội đối với các em học sinh. Mặc dù nhà trường rất quan tâm đến phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nhưng do điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, hoạt động này chưa thực sự đáp ứng đẩy đủ nhu cầu của các em. Chiếc xe thư viện di động như mở ra “thế giới mới” với các đầu sách mới, những máy tính được kết nối mạng internet và nhất là một không gian đọc sách mới lạ, hấp dẫn, khơi gợi tình yêu sách của các em học sinh dân tộc thiểu số.
Khác với cách thức đọc sách truyền thống, đến thư viện nhà trường và tự tìm các đầu sách mình mong muốn, với “thư viện di động”, các em được hướng dẫn cách thức tra cứu sách điện tử thông qua mạng internet, tìm kiếm những cuốn sách hay, phù hợp với lứa tuổi; ngoài ra, các em còn được giới thiệu nhiều đầu sách mới, giúp phát triển hạt giống tâm hồn và cập nhật thêm kiến thức. Các em học sinh của Trường tiểu học và THCS Lâm Thủy chia sẻ, sau một buổi tiếp cận với “thư viện di động”, các em thêm yêu sách và mong muốn được tạo điều kiện để tiếp cận với sách nhiều hơn. Sau đó, Thư viện tỉnh cũng đã trao phần quà ý nghĩa là những đầu sách cho thư viện nhà trường.
Theo thầy giáo Ngô Mậu Tình, thời quan tới, nhà trường rất mong muốn sẽ tiếp tục có những “chuyến xe sách” như thế này để các em học sinh có thêm cơ hội làm quen, trải nghiệm với không gian đọc sách mới, tiếp cận các ấn phẩm mới phù hợp với lứa tuổi, sở thích. Nhà trường và Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục kết nối, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu về sách, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát.
Tương tự như vậy, các em học sinh Trường tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa (Minh Hóa) cũng rất hào hứng đón “chuyến xe sách” của Thư viện tỉnh. Thầy Nguyễn Cảnh Trai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, chuyến xe thư viện di động mang đến nhiều niềm vui cho các em học sinh nơi đây. Mặc dù thư viện nhà trường nhận được nguồn hỗ trợ của dự án nên bổ sung sách thường xuyên, nhưng nhu cầu đọc của các em ở vùng miền núi khó khăn này vẫn còn rất lớn.
Xe thư viện di động là cơ hội để các em tìm hiểu thêm các sách, báo phù hợp với lứa tuổi, làm quen, tiếp cận công nghệ thông tin. Nhà trường cũng tích cực liên hệ, tạo mọi điều kiện để các em có thể khơi mở tình yêu văn hóa đọc. Hiện nay, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhà trường kỳ vọng trong năm học mới, sẽ có nhiều hơn nữa những chuyến xe thư viện di động đến với học sinh vùng cao.
Ông Nguyễn Bá Tước, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, năm 2018, Thư viện tỉnh được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao tặng xe ô tô thư viện đa phương tiện lưu động nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân vùng sâu, vùng xa và những vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị, nông thôn và miền núi. Đây là dự án kết hợp giữa Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện và Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup. Trong mỗi chiếc xe ô tô thư viện lưu động có hơn 4.000 bản sách, 6 máy tính kết nối internet cùng các thiết bị chuyên dùng khác. Bên cạnh cung cấp sách, thư viện lưu động còn cung cấp cho người đọc những kỹ năng sống và kỹ năng về công nghệ thông tin.
Từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm, xe thư viện lưu động đến được khoảng 15 điểm trường trong toàn tỉnh. Chỉ tính riêng trong dịp Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vừa qua, đã có 15 điểm trường là điểm đến của các chuyến xe thư viện lưu động. Kết hợp với những chuyến xe này, Thư viện tỉnh cũng hỗ trợ các đầu sách trị giá 10 triệu đồng đối với các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hoặc từ 5-7 triệu đồng đối với các trường có vị trí thuận lợi hơn.
Thời gian tới, Thư viện tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các phòng giáo dục-đào tạo địa phương để có sự chủ động hơn trong việc đưa các chuyến xe thư viện lưu động đến trường học, nhất là những trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Thư viện tỉnh cũng mong muốn các nhà trường sẽ chủ động hơn trong bố trí thời gian để những chuyến xe thư viện lưu động có thể đến nhiều thời điểm trong năm học thay vì chủ yếu tập trung vào thời điểm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam như hiện nay, ông Nguyễn Bá Tước chia sẻ thêm.
Mai Nhân
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.