Cánh đồng

  • 07:06 | Thứ Bảy, 18/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi từng khóc rất lâu khi con tàu chạy qua những khúc quanh. Ngọn đồi và những cánh đồng tuổi thơ lùi dần, lùi dần rồi khuất hẳn giữa lá và những tầng mây hun hút. Đó là những năm mười sáu tuổi xa quê lên phố.
 
Biết bao lần đi xa nữa để cuối cùng thành người phố, để mỗi khi buồn tủi cô độc lại ngóng về hướng núi nhớ quê.
 
Nhà tôi ở dưới chân Đồi Trọ, ngọn đồi thấp nhìn qua ga xép Thượng Lâm. Quảng Bình quê tôi, vùng đất nắng gió khác thường. Làng nhỏ xíu như một nét vẽ xanh xanh trên bản đồ tỉnh lỵ, là những mái nhà khói chiều loang phủ, con đường sỏi hiu quạnh giữa nắng trưa, rồi những thửa ruộng mùa lúa chín...
 
Đứa trẻ đang nhảy chân sáo hóng theo những cuộn mây xốp trên cánh đồng vàng nắng. Con đường nhỏ đất ấm thơm thơm mùi bùn mùi cỏ. Ngoại choàng tay bế tôi, tôi cười sằng sặc với mặt trời, cổ ngửa ra sau, sóng lúa, bờ cỏ rung theo nhịp chân ngoại.   
 
Mùa lúa non vừa trổ là háo hức của tuổi thơ tôi. Vài con cá đi lạc, mớ cua đồng óc ách trong hang như cái cớ cho tôi trườn mình trên cỏ ngắm bầu trời xanh đến lạ. Đôi chim bay ngang, giọng véo von vút lên. Tiếng nước róc rách đổ xuống ruộng dưới. Ánh mặt trời chiếu qua nhánh lúa màu lục ngọc. Hương lúa trổ đồng như có vị sữa tươi, vị lá non và chút ngái mùi bùn đất, ấm và ngọt... Ôi mùi thơm đất quê!
Anh
                                     Xanh mướt sơn quê.                             Ảnh: Hành Tiến

Tôi luôn muốn trở về. Ý nghĩ đó thường trực trong đầu  của một người đàn bà mang trong lòng quá nhiều vết thương. Tôi ước một lần bên bờ ruộng lúa chín trong vòng tay ấm áp, ân cần của ngoại. Tôi sẽ lại hát bằng giọng khàn nước mắt với hơi thở trẻ thơ vài câu u ơ gì đấy. Chân trời phía tây đỏ rựng. Gió xổ tung bờ tóc, tôi hít những hơi dài như nụ hôn của đất lên mắt môi trời...

Như những đứa trẻ mãi trong tôi thơm tho thơ bé. Như bóng mạ liêu xiêu bao năm buồn vẫn thật buồn. Như bàn tay cha gạt nước mắt khi con gái theo chồng trên chuyến tàu mưa năm ấy. Như giọng anh khàn lặng vì buồn giận hay yêu thương... rồi cũng xa xôi.
 
Những đêm mùa hè vắng gió, trong ô cửa nhìn về phía tây thành phố, tôi nhớ những vì sao buổi chiều mọc trên cánh đồng năm xưa. Tôi nghe ngọn gió xưa cũ về trong ráng chiều cùng tiếng réo cười bọn trẻ lùa đàn trâu về tắm sông. Bếp nhà thơm mùi khói. Tiếng gàu kéo nước óc ách. Nồi nước bồ kết chanh sả mạ gội mát thơm giếng khơi. Những ngôi sao cũng lên từ phía ấy...
 
Có điều gì đó thật kỳ diệu trong ký ức chúng ta khi nghĩ về những cánh đồng. Những sóng lúa rào rạt mùa thu xa xôi hay mùa đông trơ gốc rạ bì bõm tiếng trâu đạp nước, mùa nào những cánh đồng quê cha cũng làm ta đau đáu.
 
Rồi ta chạy một mình qua những cánh đồng. Bàn chân nứt như thửa ruộng khô, nỗi buồn xao xác màu khói hoang vu với toóc rạ sau mùa gặt. Những vết thương xé ra rồi tự đầy miệng, những tiếng cười reo vui như ngọn gió qua mùa lúa chín, những dỗ dành ôm ấp hay xô đẩy chối từ, bình yên hay chông chênh náo loạn. 
 
Rồi cũng như tiếng gió qua thôi...
 
Có tiếng chim rất quen ríu ran ngoài ô cửa. Đang là mùa gặt nên màu nắng mới rộm vàng thế chứ. Tôi nghe tiếng cười con trẻ đuổi châu chấu bên bờ ruộng sớm mai. Tiếng máy cắt đập lúa ì ầm cho một mùa thu hoạch mới. Bóng ngoại về xa xa thấp thoáng. Tay áo bạc mùa màng ôm tôi vào lòng... chỉ là cơn gió cổ tích nhưng cũng đủ khô mau những giọt nước mắt.
 
Chợt xót xa bởi những gì đôi khi ta quắt quay tìm kiếm. Có chăng mang lại thứ hạnh phúc dịu dàng như vòng ôm rơm rạ ngày xưa...
 
                        Bạch Diệp

tin liên quan

Ngọn sóng và ngọn bút

(QBĐT) - Ngọn sóng đại dương trắng xóa mạn tàu
 

Khơi nguồn tình yêu sách cho học sinh miền núi

(QBĐT) - Những nỗ lực đưa sách về các trường học khu vực biên giới của Thư viện tỉnh thời gian qua đã mang đến một "làn gió mới", góp phần làm phong phú, đa dạng thêm việc cập nhật kiến thức, thay đổi môi trường đọc và khơi dậy tình yêu sách của học sinh nơi đây.
 

Mỹ thuật Quảng Bình với đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh

(QBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là niềm cảm hứng vô tận được các thế hệ văn nghệ sĩ thể hiện trong các tác phẩm văn học-nghệ thuật.