Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam:

"Đừng nghĩ chuyển đổi số là cái gì đó quá phức tạp và tốn kém"

  • 08:00 | Thứ Hai, 20/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Để thực hiện tốt chức năng của mình, báo chí truyền thông không thể nằm ngoài xu thế này, thậm chí, với báo chí, CĐS càng là vấn đề mang tính sống còn. Muốn tồn tại và phát triển, đòi hỏi những cơ quan báo chí, người làm báo phải tự thay đổi, bắt nhịp nhanh với CĐS.  
 
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022), Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về chủ đề này.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: NVCC
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: NVCC
PV: Thưa ông, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cần làm gì để không trở nên thụ động và đáp ứng được xu thế CĐS?
 
Ông Lê Quốc Minh: Các chuyên gia đã khẳng định, báo chí phải “CĐS hay là chết”. Vì thế, CĐS phải đến từ nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan báo chí, từ đòi hỏi duy trì kết nối với người dùng và sự tồn tại của chính cơ quan báo chí đó. Không ai có thể giúp đỡ chúng ta nếu chính chúng ta không tự thay đổi.
 
Đừng nghĩ CĐS là cái gì đó quá phức tạp và tốn kém. Mỗi cơ quan báo chí nên tìm hiểu rõ mục tiêu cần hướng tới và dựa vào thế mạnh riêng cũng như khả năng riêng về nguồn lực vật chất lẫn con người để xây dựng chiến lược CĐS phù hợp. Hãy bắt đầu ngay, dù là những bước đi nhỏ, hơn là tiếp tục chờ đợi và để tuột mất cơ hội.
 
PV: Vậy để đáp ứng được những yêu cầu đó, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí như thế nào, đặc biệt các báo Đảng địa phương như Báo Quảng Bình, thưa ông?
 
Ông Lê Quốc Minh: Các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin-Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam luôn đồng hành và hỗ trợ các cơ quan báo chí nhưng chỉ đóng vai trò định hướng, gợi mở về cách làm hoặc tổ chức chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng, bổ sung kiến thức, chứ không thể làm thay cơ quan báo chí.
 
Hiện tại, Bộ Thông tin-Truyền thông đã xây dựng chiến lược CĐS cho báo chí và trình lên Chính phủ xem xét, trong đó có những kiến nghị hỗ trợ về chính sách hoặc giúp kết nối với các công ty công nghệ trong nước để có giải pháp ưu đãi cho các cơ quan báo chí. Trong kế hoạch đào tạo thường niên, Hội Nhà báo Việt Nam đã bổ sung các cuộc tọa đàm, diễn đàn về CĐS dành cho cấp lãnh đạo, khóa đào tạo về những kỹ năng làm báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số-từ cách thức kể chuyện hiện đại, tích hợp công nghệ vào báo chí, làm báo chí dữ liệu, sử dụng dữ liệu hiệu quả trong quy trình sản xuất nội dung và tương tác với người dùng…
 
Các tổ chức hội địa phương, liên chi hội và chi hội nhà báo cũng nhận ra tính cấp bách của CĐS và cũng đã chủ động có các chương trình liên quan. Báo Nhân Dân không chỉ triển khai mạnh mẽ chiến lược CĐS của mình mà còn hỗ trợ các báo Đảng địa phương thông qua việc giới thiệu những công cụ làm báo digital mới mẻ, đào tạo từ xa về công nghệ, tặng máy tính cho một số báo Đảng địa phương gặp khó khăn về cơ sở vật chất…
 
Thời gian tới, theo đề xuất của một số báo Đảng địa phương, Báo Nhân Dân sẽ mời một số phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí khác đến đào tạo ngay trong tòa soạn của mình. Tuy nhiên, để CĐS thành công thì quan trọng nhất vẫn là tư duy của người đứng đầu, của ban lãnh đạo và lan tỏa trong mọi đơn vị thuộc tòa soạn đó.
Báo Quảng Bình điện tử thực hiện chương trình
Báo Quảng Bình điện tử thực hiện chương trình "Vấn đề và đối thoại".
PV: Thời gian qua, nhiều trường hợp phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Hội sẽ làm gì để góp phần xây dựng đội ngũ nhà báo hiện đại, nâng cao đạo đức và chất lượng nhà báo cả về tư tưởng chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ, thưa ông?
 
Ông Lê Quốc Minh: Tình trạng phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp tăng lên mức độ đáng ngại. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giới báo chí cả nước nhưng việc một số cơ quan báo chí, một số phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên có những việc làm sai trái, nhũng nhiễu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cá nhân, đòi lợi ích vật chất đi ngược lại với lương tâm người làm báo, vi phạm tới mức cấu thành tội phạm đã làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với báo chí.
 
Thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều biện pháp giáo dục tư tưởng chính trị, nâng cao ý thức cho các hội viên, xây dựng một số quy định dành cho người làm báo. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI diễn ra vào cuối năm 2021, chúng tôi chủ trương coi vấn đề đạo đức nghề nghiệp là một trong những trụ cột của nhiệm kỳ sắp tới. Ngay trong nửa đầu năm nay, khi đại dịch Covid-19 còn chưa lắng xuống, Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ động thúc đẩy hoạt động của hội đồng xử lý kỷ luật tại Trung ương Hội cũng như các hội địa phương.
 
Ngày 21/6/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Thông tin-Truyền thông phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”-một bước đi trong nỗ lực thúc đẩy vấn đề đạo đức nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của các hội viên, không chấp nhận những sai phạm của các hội viên và cơ quan báo chí, nên sẽ chủ động phối hợp với Bộ Thông tin-Truyền thông xử lý nghiêm minh.
 
Đương nhiên, đào tạo những người làm báo chuyên nghiệp chính là một trong những nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và là cách thức hiệu quả để hạn chế tình trạng này.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao giải bìa báo Tết ấn tượng cho Báo Quảng Bình.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh (bên trái) trao giải bìa báo Tết ấn tượng cho Báo Quảng Bình.
PV: Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) đã và đang đặt các cơ quan báo chí trước những thách thức lớn. Theo ông, các cơ quan báo chí có nhất thiết phải chạy đua với MXH hay không? Và điều gì làm nên ưu thế của báo chí chính thống so với MXH?
 
Ông Lê Quốc Minh: Tôi xin khẳng định, báo chí không nên chạy đua theo MXH và không thể chạy đua với MXH. Quan hệ giữa báo chí và MXH từ lâu được xác định bằng thuật ngữ “frienemy”-vừa là bạn, vừa là thù. Báo chí cần tranh thủ sự phát triển mạnh mẽ của MXH để có được lượng truy cập nhưng không nên quá phụ thuộc vào MXH vì xét cho cùng, họ cũng là những công ty kinh doanh, lấy lợi nhuận làm tiêu chí hoạt động.
 
Hơn nữa, khi phụ thuộc vào MXH, báo chí chỉ có lượng truy cập chứ không có độc giả trung thành, mà báo chí không hiểu rõ độc giả của mình là ai thì không thể cung cấp nội dung phù hợp, không thể duy trì sự kết nối với độc giả, khán-thính giả, và không thể thành công.
 
MXH trở thành một phần quan trọng trong hoạt động báo chí, thậm chí có thuật ngữ “social journalism”-theo đó các tòa soạn thu thập thông tin, sản xuất thông tin và phát hành thông tin trên nền tảng MXH. Các tòa soạn còn có những biên tập viên chuyên về truyền thông xã hội để giúp lan tỏa nội dung cho phù hợp với từng đối tượng.
 
Nhưng báo chí khác biệt với MXH ở chỗ sản xuất nội dung phải cao cấp, phải chuyên nghiệp. Báo chí cần phải nhanh, tuy nhiên, không nên đua tốc độ để sản xuất ra nội dung chất lượng thấp, thiếu kiểm chứng. Báo chí tồn tại dựa vào niềm tin với người dùng và trách nhiệm với xã hội. Để mất niềm tin là mất tất cả.
 
PV: Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong báo chí ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó đặt ra cho người làm báo những thách thức và yêu cầu gì, thưa ông?
 
Ông Lê Quốc Minh: Trí tuệ nhân tạo đang trở thành một phần của hoạt động sản xuất thông tin. Tuy trí tuệ nhân tạo chưa đạt đến độ thông minh như con người nhưng đang ngày càng trở nên hoàn thiện và dần thay thế một số công việc lặp đi lặp lại, những công việc tỉ mỉ thiên về số liệu. Nhiều người lo sợ rằng sẽ đến một ngày máy móc thay thế con người, khiến cho các nhà báo mất việc.
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Ngọc Mai
Phóng viên tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Ngọc Mai
Nghĩ như vậy nghĩa là chấp nhận con người thua máy móc và khiến con người không nỗ lực làm chủ công nghệ. Thực tế, công nghệ ngày càng hiện đại thì phải càng phục vụ con người một cách hiệu quả. Có câu nói rằng “hãy để máy móc làm những việc mà nó làm tốt,” nghĩa là con người không cần làm những công việc đó nữa mà nên tập trung trí tuệ làm việc đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn, phức tạp hơn.
 
Trí tuệ nhân tạo không thể nào thay thế cho trí tuệ của con người, ít nhất là trong hàng chục năm tới. Vì vậy, thay vì lo sợ AI, con người phải nỗ lực chinh phục và quản lý nó, nhất là trong lĩnh vực báo chí.
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Diệu Hương
(thực hiện)

tin liên quan

Nâng cao chất lượng công tác phối hợp

(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", Ủy ban MTTQVN TX. Ba Đồn và chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thị xã đã triển khai các chương trình phối hợp với nội dung phong phú, đa dạng, gắn với thực tiễn đời sống nhân dân.

Hội đàm và ký kết biên bản hợp tác Quảng Bình - Sạ-vẳn-na-khệt

(QBĐT) - Chiều nay, 19/6, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Bình do đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tổ chức hội đàm và ký biên bản hợp tác với đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt (Cộng hòa DCND Lào).

Vận dụng UNCLOS 1982 để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh

Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đóng vai trò quan trọng trong đời sống luật pháp quốc tế, giúp khẳng định chủ quyền trên biển của các quốc gia.