Sứ mệnh nhà thơ với trái tim biển, đảo

  • 16:15 | Thứ Năm, 27/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Văn học từ xưa đến nay thường viết về biển, đảo. Đó là chất liệu hiện thực mà bất kỳ người nghệ sĩ nào cũng ít nhất một lần sử dụng. Bởi lẽ, biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, là máu thịt của Tổ quốc; thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, du lịch; có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng đối với an ninh-quốc phòng; cùng với bờ tạo vị thế vững chắc và là môi sinh ngàn đời nay của dân tộc con Rồng cháu Tiên. Biển, đảo còn là nơi ghi dấu những cuộc thủy chiến ác liệt, tàn khốc nhưng đầy anh dũng, kiên cường của dân tộc ta. Với vai trò như thế, biển, đảo luôn là đề tài nằm lòng, đề tài lớn xuyên suốt chiều dài văn học Việt Nam.
 
1. Ý thức biển, đảo được hình thành từ lâu đời. Tâm thức biển, đảo gắn liền với văn hóa, văn học dân gian, thông qua các nghi lễ, diễn xướng, thông qua truyền thuyết, cổ tích, vè, dân ca,… và được lưu giữ trong các sách “Lĩnh Nam chích quái”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Truyền kỳ tân phả”, “Thánh Tông di thảo”,… trong các truyện “Họ Hồng Bàng”, “Truyện dưa hấu”, “Từ Thức lấy vợ tiên”,…; gắn liền với những sáng tác của các tác gia như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, vua Trần Minh Tông, vua Lê Thánh Tông,…
 
Ý thức về chủ quyền biển, đảo thuở ấy đã sâu đậm trong thơ Thần Siêu, Thánh Quát: “Suốt đêm gió lộng làm rung động cả tòa Hải Đài/ Ngoài cửa Thuận An, tiếng sóng gầm như sấm/ Hùng khí của chàng họ Chu nghìn thuở vẫn còn bốc lên/ Như muốn đánh cho cái tàu lớn của bọn Hồng Mao phải lùi trở lại”. (Thập ngũ dạ đại phong - Đêm rằng gió lớn).
 
Ý thức đó ngày một dạt dào, sục sôi trong những sáng tác văn học sau này. Tình yêu biển, đảo trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hàn Mặc Tử,… lan tỏa và được mở rộng hơn trong thơ Văn Cao, Hoàng Trung Thông, Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm,… đến thơ Giang Nam, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Lê Thị Mây, Nguyễn Trọng Tạo, Thạch Quỳ, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Phan Quế Mai, Phan Hoàng,…
 
Biển, đảo gắn liền với đời sống tinh thần và vật chất của người dân từ hàng ngàn năm lịch sử, cho nên, việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương là vấn đề lâu dài, có tính chiến lược, là trách nhiệm chung của mỗi người con đất Việt. Hôm nay, thơ về biển, đảo vẫn tiếp nối truyền thống, vừa là nguồn động lực tinh thần quan trọng, phát huy lòng yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xây dựng đất nước “bền vững âu vàng”, vừa thể hiện trách nhiệm, sự gắn bó, nhiệt huyết của nhà thơ.
 
2.  Trong nhiều thi sĩ ở Quảng Bình, tôi ấn tượng tiếng nói, tình yêu biển, đảo trong thơ Hoàng Vũ Thuật. Ông có nhiều năng lượng: Làm thơ, viết phê bình, bút ký. Nhưng có thể nói, thể loại xuyên suốt, chủ đạo, khẳng định phong cách và làm nên thương hiệu Hoàng Vũ Thuật vẫn là thơ. Thơ ông có mạch ngầm riêng khác, độc đáo, đầy chiêm nghiệm, trở trăn về tình yêu, thân phận và cuộc sống. Phong cách ấy được khẳng định từ Thế giới bàn tay trái trở đi.
 
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật
Thơ ông tiếp tục tựa vào điểm nhìn trái chiều ấy, hồi quy cội nguồn - nơi bắt đầu của mọi tình yêu, để bồi đắp, kiến tạo tình yêu Tổ quốc; giải mã tính đa diện đa chiều, phồn tạp của nhân thế với những cật vấn của một chủ thể muốn thức tỉnh con người, tìm lối đi trước sóng bão đời sống đương đại.
 
Hình ảnh mẹ gắn bó với cố hương, hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc là biểu tượng vững bền, thiêng liêng, cao cả mà chúng ta đã thấy xuất hiện khá nhiều trong thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nam Hà, Lê Thị Mây, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai,....
 
Song Hoàng Vũ Thuật có chiến lược khác, ông lồng Tổ quốc trong tình yêu mẹ, đưa Tổ quốc trở về nguyên nghĩa của nó - mẫu gốc: “con thương Tổ quốc thời loạn lạc/ giặc ở bên hông giặc ngủ trong nhà/ con thương Tổ quốc/ chiếc đòn gánh hai đầu mưa sa/ sao đường đi chênh vênh heo hút/ vẹt mòn bàn chân mẹ” (Đám tang của biển).
 
Tổ quốc không ở đâu xa, nó nằm ngay trong chính trái tim nhà thơ, là cuống nhau huyết thống, máu thịt nhà thơ. Cũng nhìn Tổ quốc từ biển, nhưng ông khéo léo sắp chồng các hình ảnh, gắn Tổ quốc với hai móc xích chủ đạo - tâm thức hướng Mẫu và biểu tượng nước, nguồn sống thanh khiết vĩnh cửu: “con thương mẹ/ tháng ngày hạt dẻ/ núi cát ngất trời/ ngăn lại bão giông/ trai gái làng yêu nhau rừng xây thành lũy” “con thương mẹ như thương Tổ quốc/ mạch nước ngầm trong vắt mấy nghìn năm” (Đám tang của biển). Sự kết hợp đó tự thân đã minh định Tổ quốc trong ý nghĩa khởi nguyên, nguồn cội, vĩnh hằng.
 
Tuy nhiên, cảm xúc cao nhất, mãnh liệt nhất có lẽ là sự hóa thân của nhà thơ vào Tổ quốc. Tổ quốc là những gì hiện hữu xung quanh ta, thân thiết, đời thường. Nhà thơ san bằng khoảng cách, hòa nhập, đồng điệu với Tổ quốc: “khi tôi chết/ tôi cũng là Tổ quốc/ được sống cùng sương/ ruỗi rong/ cùng gió/ giọng điệu của dế kể chuyện canh khuya/ ngôn ngữ phiêu du mây bạc/ tôi lắng nghe/ thiêng liêng nếu Tổ quốc kêu gọi/ như người lính sẵn sàng/ đứng bên đồng đội/ chẳng ai thấy tôi có mặt trên đời/ Tổ quốc vĩnh hằng thế đó bạn ơi” (Tôi muốn nói bằng tiếng nói Tổ quốc tôi).
 
Có thể nói, bày biện Tổ quốc dựa trên các lớp cắt của thời gian và không gian, dựa trên cấu trúc tương phản giữa quá khứ-hiện tại, xưa-nay, cụ thể-trừu tượng, hữu ngôn-vô ngôn, được-mất, mẹ-Tổ quốc,... Hoàng Vũ Thuật đã giúp người đọc hình dung khái niệm về Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc, gắn với những trải nghiệm và cuộc đời của thi sĩ.
 
Khi sự hóa thân được đẩy đến mức tối đa, đặt trong đối sánh âm-dương: “khi tôi chết/ tôi cũng là Tổ quốc”, lúc này, Tổ quốc đâu chỉ là máu thịt, là cuống nhau nữa mà đã trở thành hình tượng bất tử, hóa thân thành linh hồn của thi sĩ.
 
Với cảm quan này, Hoàng Vũ Thuật đã giải trình tiếng nói Tổ quốc, tình yêu Tổ quốc rất riêng, rất mãnh liệt của mình; vĩnh hằng Tổ quốc, khẳng định sức sống và tình yêu lâu bền đối với Tổ quốc - Tổ quốc ngôi nhà bền vững âu vàng.
Biển Nhật Lệ. Ảnh: Minh Quý
Biển Nhật Lệ. Ảnh: Minh Quý
3. Huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ đưa 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển, phải chăng đã khẳng định cội nguồn và vị thế chiến lược quan trọng của đất nước; thể hiện khát vọng giữ yên bờ cõi của cha ông ta ngày xưa, đồng thời khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa biển và đất liền? Cội nguồn, dòng giống Tiên Rồng đã lan tỏa những bài học vô giá để chúng ta tiếp tục sứ mệnh giữ yên biển, đảo, xây dựng và phát triển đất nước. Tạo hóa cho nhà thơ “thiên nhãn”, hẳn nhiên anh ta phải biết gánh vác cây thánh giá cuộc sống, ý thức cao về cõi nhân sinh cũng như vận mệnh, trái tim biển, đảo của đất nước.
 
Dẫu “tác phẩm nghệ thuật là một sự dối trá hoa mĩ” (Stendhal), thăng hoa theo nội cảm của thi sĩ, vẫn không thể không bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Hiện thực biển, đảo cung cấp chất liệu cho thơ. Và hiện thực biển, đảo ngày nay đang trở thành “môi trường đào luyện tài năng” của thi sĩ. Nói như vậy để thấy hiện thực biển, đảo cũng góp phần tạo nên phong cách và thế giới quan của người nghệ sĩ.
 
Tuệ Minh
 

tin liên quan

Chúm chím xuân cười

(QBĐT) - Hái những yêu thương về mở lối
 

Góc nhìn 365: Tết chậm

Chúng ta đang chuẩn bị đón những ngày "Tết Covid" thứ 2 trong cuộc đời mình, kể từ khi những làn sóng dịch đầu tiên bắt đầu chạm tới Việt Nam vào năm năm 2020. Thế nhưng, cái Tết năm nay hẳn cũng khác nhiều so với năm trước, sau sự khốc liệt của đợt dịch thứ 4 vừa rồi.

 

Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình

(QBĐT) - Sáng nay, 26/1, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm (1961-2021) thành lập Hội VHNT và trao giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư lần thứ VI (2016 - 2020).